Suốt hơn 2.500 năm tồn tại và phát triển, đạo Phật đã trở thành một trong những tôn giáo lớn của nhân loại. Tổ chức khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận ngày Đức Phật đản sinh là biểu tượng về văn hóa và tôn giáo thế giới. Đây là điều minh chứng những thông điệp của Đức Phật đã đi khắp thế giới, có ảnh hưởng đến đời sống tâm linh trong cộng đồng quốc tế.
Cứ mỗi năm đến ngày rằm tháng tư, người đệ tử Phật lại hân hoan cùng nhau tưởng nhớ lại một sự kiện phi thường của nhân loại, đó là Phật đản sinh xuống trần gian để đem đến cho chúng sinh chân lý cao quý bất tuyệt.
Đức Phật là cao siêu vì cuộc đời của Người là cả một chuỗi những điều thiêng liêng kỳ diệu. Nhưng Đức Phật cũng thật bình dị vì Người đã đến với chúng sinh trong thân phận của một con người như mọi người.
Đức Phật là sự giác ngộ vô tận vì tâm của Người phủ trùm cả pháp giới. Nhưng Đức Phật cũng là sự khiêm hạ tột cùng khi mỗi ngày Người cũng ôm bát đi khất thực tự tại giữa dòng đời lao xao tất bật.
Đức Phật là sự bình an tĩnh lặng vì không điều gì có thể lay động được tâm Người, nhưng Đức Phật cũng là lòng từ bi vô hạn vì Người yêu thương tất cả chúng sinh.
Đức Phật là ánh sáng bao la vì chẳng còn chút bóng tối nào trong tâm hồn Người hay trong cuộc đời Người, nhưng Đức Phật cũng là bóng mát che chở tất cả chúng sinh giữa dòng đời khổ đau phiền muộn.
Đức Phật là vị thầy vĩ đại vì đã dạy dỗ chúng sinh từng chút đạo lý nhỏ nhặt đến cao siêu, nhưng Đức Phật cũng là người bạn thân thương cho tất cả chúng sinh vì luôn lắng nghe, yêu thương và gần gũi.
Ngày lễ Phật Đản, ngoài lòng tôn kính, tưởng nhớ Phật, còn có ý nghĩa tín ngưỡng. Vì chúng ta tin rằng sự xuất hiện của Đức Phật là nhân quả, là sự an bài từ nhiều kiếp. Ngài xuất hiện để đem đến cho thế gian này ánh sáng chân lý. Đó là niềm tin bất diệt.
Nguồn: Trích sách Đạo Phật và Xã hội, quyển 1 – Biên soạn: TT. Thích Chân Quang.