Những người nào khi đối với tượng Phật, vẫn xem như Đức Phật đang còn sống; mỗi khi đến gần họ rón rén, mỗi khi đi qua họ lại cúi đầu, những người như vậy rất có phước. Vì nghĩ rằng Đức Phật như còn sống nên chúng ta cẩn trọng, tôn kính đối với Người. Chính sự kính trọng đó đã khiến công đức của ta tăng vọt. Tiếc rằng, nhiều khi do đời sống thực tế, tượng Phật để đó, ta có công việc, nên cứ phải đi qua, đi lại, làm hết việc này rồi lại đến việc kia, mình cứ nghĩ Phật chỉ là pho tượng, vẫn sống thoải mái và không đủ lòng tôn kính.
Chính vì vậy, một lễ chúng ta quỳ lạy tượng Phật không bao giờ bằng một lễ chúng ta quỳ lạy một Đức Phật thật sự. Nếu được gặp Đức Phật tại thế, dù chỉ một lạy thôi, cái phước đã gấp triệu lần so với khi ta cúi đầu lạy tượng. Thế nên, được sinh trong đời gặp Phật là cả một đại duyên phước không thể nào tính kể. Chúng ta là những người bất hạnh, sinh sau Phật đã hơn 2.500 năm. Vì không có cơ hội gặp Phật, chúng ta không thể nào dâng lên Người lòng tôn kính tuyệt đối vô biên. Đó là một bất hạnh lớn, một sự thiệt thòi không lời nào kể xiết.
Nhưng hôm nay, chúng ta hãy bù đắp sự bất hạnh này bằng việc hiểu rằng Đức Phật của chúng ta vô cùng vĩ đại, Đức Phật là tuyệt đối, Người là tất cả.
Dù Đức Phật đã nhập Niết Bàn, nhưng tâm của Phật phủ trùm cả vạn loại chúng sinh. Đức Phật lúc nào cũng bên cạnh ta, cũng yêu thương ta, che chở cho ta, gia hộ cho ta những khi ta nghĩ đến Người. Tuy Đức Phật đã nhập Niết Bàn, những bức tượng Phật còn lại vẫn mãi là nơi để ta dâng lên đó niềm xúc động và lòng tôn kính vô biên. Mỗi khi nhìn thấy tượng Phật, ta cứ nghĩ như Đức Phật còn tại thế, Người vẫn ngồi đó, sống động, mỉm cười với ta như đấng Cha lành, như bậc Thầy vĩ đại, như nguồn yêu thương không bao giờ vơi cạn. Nếu chúng ta cứ luôn nghĩ như vậy, lòng tôn kính trong ta sẽ ngày một cao lên, phước của ta nhờ đó sẽ tăng trưởng rất nhiều. Đây là điều để ta bù lại so với thiệt thòi mà mình phải gánh chịu khi cách Phật quá xa.
Trích sách “Lòng Tôn Kính Phật Vô Biên” – Thượng Tọa Thích Chân Quang.