Trước kia có hai vợ chồng rất hiền lương, cả hai đều siêng năng tiết kiệm, chân thành chất phác, nhờ đó gia đình dần có của ăn của để, cuộc sống rất vui vẻ hạnh phúc. Hai vợ chồng thường nói với nhau, nếu có một đứa con xem như mãn nguyện, giàu mà không có con cũng như không. Tuổi của họ đều đã vượt qua ngũ tuần, chẳng lẽ đời trước làm điều gì đó không tốt, nên đời này phải bị tuyệt tự như thế? Họ đều biết chuyện sinh con không thể miễn cưỡng, cũng không thể muốn là được. Song, họ không vì thế mà suốt ngày ủ rũ, buồn rầu. Ngược lại, cả hai vợ chồng thường vui vẻ tham gia làm cầu đắp lộ, bố thí giúp đỡ người nghèo khổ, cô độc. Thời gian sau, sinh được cậu con trai, hai vợ chồng mừng như được bạc, suốt ngày lễ Phật, Bồ Tát xin Ngài gia hộ cho con.
Ngày qua ngày, năm qua năm, đứa bé ấy đã lên 9. Nhưng trên thế gian không có gì thập toàn thập mỹ! Tuy có được con, nhưng nó rất kì quái, nhìn bề ngoài trông đoan chính, xinh đẹp, song bảo làm gì làm nấy, nếu không bảo dừng lại thì nó vẫn cứ làm. Bữa nọ, hai vợ chồng có việc phải đến nhà bà con, nói với đứa bé:
Con ngoan! Cha mẹ có việc phải đến nhà bà con, lát nữa sẽ trở về, con ở nhà nhớ tưới rau trong vườn nha!
Sau khi cha mẹ đi, cậu bé ra vườn tưới rau, tưới mãi cho đến khi mặt trời lặn, hai vợ chồng trở về thấy con vẫn còn tưới. Thấy con mình khờ khạo, họ đặt tên cho cậu là A Điên. Bảo cậu ăn cơm, nếu không bảo dừng lại thì ăn mãi; bảo đi ngủ, cậu ngủ mãi không thức, gọi mới thức. Vợ chồng thấy con như thế, hết sức đau lòng, lo lắng, dùng trăm phương ngàn kế cũng không thể khai mở trí tuệ cho cậu. Bàn tới tính lui, cuối cùng họ quyết định gửi cậu vào một ngôi chùa nhỏ, nhờ sư phụ chỉ dạy. Vào chùa, cậu ta vẫn cứ như cũ, bất luận bảo làm gì cũng làm cả, nhưng không dừng nếu không bảo dừng.
Bữa nọ, sư phụ có việc phải ra ngoài, dặn cậu:
Thầy có việc đi ra ngoài, lát nữa sẽ về, con ở chùa nhớ lau dọn chính điện và bàn ghế nha!
Sư phụ đi xong, cậu đem tượng Phật, lư hương, bình hoa, chân đèn, ghế, bàn xuống bỏ nằm ngổn ngang đầy chùa, lau chùi, lau chùi mãi. Đến chiều sư phụ mới trở về. Thấy cậu vẫn còn lau chùi, không bảo dừng lại thì không dừng, sau đó sư phụ nghĩ: “Đứa bé này đáng thương quá, có cách nào tốt nhất để khai mở trí tuệ của cậu ấy không?” Sư phụ nhớ trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, đức Như Lai dạy Bồ Tát Phổ Quảng: “Này Phổ Quảng Bồ Tát! Vì thế, nếu thấy có người nào đọc tụng kinh này, cho đến chỉ trong một niệm ngợi khen, hoặc có lòng cung kính đối với kinh này, thầy cần phải dùng trăm ngàn phương chước khuyến hóa người đó phát lòng siêng năng chớ đừng thối thất, thì có thể được trăm ngàn vạn ức công đức không thể nghĩ bàn ở đời hiện tại và vị lai”. Sư phụ nghĩ đến đây, bèn gọi A Điên đến trước tượng Bồ Tát Địa Tạng, chí tâm thành ý, nhìn tượng lễ bái, ngày nào thầy trò cũng thực tập như vậy. Suốt 12 năm trường, trừ lúc ngủ, còn khi thức cậu liền đến trước tượng Bồ Tát Địa Tạng lễ bái, không nghỉ ngơi. Bữa nọ, đốn nhiên tâm địa khai mở, hoảng nhiên đại ngộ, cậu trở thành bậc tổ sư đương đại. Báo đáp ân Phật, Bồ Tát Địa Tạng cùng ân dạy dỗ của thầy, cậu phát đại nguyện tuyên thuyết kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện 120 biến.
Phan Thật Diệu