TT Thích Chân Quang, Văn hóa xã hội

Ý nghĩa về thời gian

Ý nghĩa về thời gian
Khái niệm thời gian thay đổi theo tâm hồn, trí tuệ, tuổi tác của chúng ta. Ví dụ như khi ta còn nhỏ, ta trông ngày Tết đến rất lâu, rất dài, cứ mong cho đến ngày Tết để được mặc quần áo đẹp, được lì xì, được ăn ngon, được vui chơi, được sống trong không khí của những niềm vui.
Nhưng tới khi ta được 50, 60 tuổi, ta lại thấy thời gian trôi rất nhanh. Thời gian vẫn cứ trôi như thế, không thêm, không bớt nhưng mà ta thấy rất rõ rằng thời gian cứ ngắn dần theo tuổi tác của ta. Có cái gì đó rất thực làm cho ta cảm thấy thời gian ngắn lại, đây là dấu hiệu để ta đánh giá trí tuệ của mình có sáng ra hay không.
Tăng Chi Bộ Kinh ghi lại, Đức Phật nói: “Này các Tỳ Kheo, nơi đầu mũi kim này, ba vị Thiên tử đứng chung không đụng nhau”. Khái niệm về siêu không gian, siêu thời gian như vậy vượt ngoài trí tưởng tượng của ta. Khi ta lớn lên dần, trí tuệ của ta sáng ra, thì ta thấy thời gian ngắn lại dần, ngắn lại dần. Khi ta thấy thời gian ngắn lại, chứng tỏ ta trưởng thành, ta có trí tuệ. Người còn nhỏ thì thấy thời gian còn lâu, ta sẽ lớn lên sẽ học thành tài, đi làm có tiền, rồi sẽ lập gia đình, hưởng những thú vui của thế gian.
Ta biết một người tu tập có tiến bộ hay không, ta hãy xem cách nhìn của họ đối với thời gian như thế nào. Người mà thấy 5, 10 năm là dài ta biết người này chưa có trí tuệ trong đạo pháp, còn người thấy 5, 10 năm nhanh lắm, ta biết người này có trình độ tu hành, có chân tu, có tinh tấn, có hiểu đạo, có biết thúc liễm. Do vậy, cái trí càng lớn thì cái quãng thời gian mà ta nhìn được rút lại trong tầm mắt của mình. Người trí nhỏ thì nhìn được quãng thời gian ngắn, người trí lớn thì nhìn được quãng thời gian rất là xa.
Nếu ta biết thời gian trôi nhanh như vậy thì ta phải làm sao?
+ Một là tinh tấn tu hành vì thời gian không còn nhiều để ta chơi, ta giải đãi.
+ Hai là nỗ lực làm công đức, làm nhiều việc có ý nghĩa cho cuộc sống, cho Phật Pháp, cho chúng sinh.
Tuy nhiên, ta không được sốt ruột – đây là trung đạo.
Có hai cực đoan mà chúng ta phải tránh:
– Một là người tưởng thời gian còn nhiều nên vui đùa, giải đãi.
– Hai là người thấy thời gian rất ngắn nên nóng ruột muốn tu cho nhanh, hấp tấp thì công phu tu tập sẽ bị đổ vỡ. Mình tu mà mình cứ chăm chăm đi tìm cho đạt được cái mục tiêu, thì chắc chắn bộ não ta sẽ bị hư. Nhiều người tu thiền mà bị điên là vì như vậy.
Vì vậy, ta nhìn thấy thời gian trôi qua nhanh, đời người ngắn ngủi để cho ta tinh tấn tu hành nhưng không được phép sốt ruột. Đây là sự đĩnh đạc, sự khôn ngoan của một người biết tu tập, biết tinh tấn vì chánh tinh tấn là không bao giờ được phép bỏ một giây phút nào lãng phí nhưng không bao giờ hấp tấp. Đây cũng là trung đạo mà tự chúng ta phải biết để giữ gìn đời sống của mình trong an vui, hạnh phúc.
Trích bài giảng “Triết lý về thời gian” – Thượng tọa Thích Chân Quang.
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *