Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Văn hóa xã hội

Thân cận người hiền

NAM MÔ CẦU SÁM HỐI BỒ TÁT MA HA TÁT
Người Bồ Tát tại gia phải biết thân cận các bậc Sa môn có đức hạnh. Khi có thầy thì mình phải cố tâm thọ trì tịnh giới, có thái độ cung kính đối với thầy, đừng cố soi mói tìm lỗi của thầy để khinh nhờn. Nếu thấy một vị xuất gia Sa môn vi phạm giới hạnh, thì mình vẫn phải cung kính. Ngược lại nếu nói tôi chỉ quy y Bụt và quy y Pháp thôi, còn Tăng thì vì phàm tục quá nên tôi không quy y, thì vị Sa môn phạm giới đó sẽ không có cơ hội để trở về con đường tu tập. Thành ra sự cung kính của mình là một duyên lành, một điều kiện để giúp vị Sa môn phạm giới kia trở về cương vị Tăng Bảo của ông ta. Vì vậy người Bồ tát tại gia phải có thái độ trọng Tăng.
Đối với một vị khất sĩ phạm giới, mình phải có lòng thương xót, phải nghĩ rằng sở dĩ người ấy phạm giới là vì có những nội kết quá lớn và chưa có người giúp tháo gỡ. Tình thật họ không cố ý phạm giới. Vì vậy mình nên thương người phạm giới chứ đừng nên công kích. Khi một vị Bồ tát tại gia đi vào tu viện, gặp những người xuất gia thì phải làm lễ trước khi vào. Phải quan niệm rằng đây là nơi thực tập ba cánh cửa giải thoát Không, Vô tướng và Vô tác. Đây là chỗ thực tập Từ, Bi, Hỷ, Xả, và nên phát tâm rằng xuất gia là cung cấp cho mình những điều kiện thuận lợi để thực hiện ước vọng Bồ tát. Vì vậy người Bồ tát tại gia phải có ước nguyện được xuất gia. Phải chú ý đến những câu này thì mình mới hiểu được những kinh khác. Tại gia thì có nhiều trần nhiễm, có nhiều sự trói buộc, trong khi đó xuất gia thì có nhiều tự do, nhiều thảnh thơi, và có nhiều cơ hội để thực tập chí nguyện của mình.
Trích “ Bồ Tát Tại Gia Bồ Tát Xuất Gia , Kinh Duy Ma Cật Giảng Giải – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh “
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *