TT Thích Chân Quang, Văn hóa xã hội

Ta hãy đem thương yêu để cảm hóa mọi người xung quanh

Tình thương vĩ đại của chư Phật, chư Bồ Tát
Tu theo Đạo Phật chúng ta không sợ nhau mà phải thương nhau. Dù biết người kia vẫn có tham, sân, si nhưng ta sẽ tìm cách để giúp nhau chuyển hóa. Vì một khi người kia hiểu được giáo lý của Đạo Phật thì họ sẽ dần dần thay đổi. Tuy nhiên, vì có những người mà ta chưa chuyển hóa được, có thể họ cũng phạm sai lầm. Chúng ta nên đề phòng nhưng vẫn luôn sẵn sàng để giúp họ chuyển hóa, đồng thời để mình cũng xóa đi tâm lý sợ hãi.
Chúng ta sợ vì nghĩ rằng mình không thể cảm hóa được họ, chứ nếu biết chắc chắn rằng mình sẽ đưa họ về với Phật pháp thì sẽ không còn sợ nữa. Cảm hóa được người thì sẽ không sợ người. Tâm lý này rất rõ, cũng giống như trường hợp hai võ sĩ ra võ đài đấu với nhau. Khi chào nhau trước trận đấu thì một trong hai người sẽ có một người sợ. Vì linh cảm nên người đó biết rằng mình sẽ bị thua nên thấy sợ. Người còn lại rất tỉnh táo vì linh cảm biết được mình sẽ thắng.
Cho nên, trong cuộc sống cũng như trong Đạo, chúng ta luôn giữ khoảng cách với nhau vì đoán được là mình sẽ thua. Ta thua cái tham, cái sân, cái si của người, không chuyển hóa được những tâm bất thiện đó để đưa người về với Đạo nên ta sợ, và vì sợ nên ta giữ khoảng cách cho xa. Lúc này hiểu đạo rồi, ta sẽ không sợ nữa vì đã có quyết tâm chuyển hóa mọi người xung quanh để cùng biết Phật pháp. Như người sát vách với ta, người hàng xóm của ta mà nào giờ ta sợ, ta ngăn cách vì yếu đuối,thì từ nay ta hãy đem đạo lý, tình người, tình yêu non sông đất nước để nói chuyện cùng họ. Ta hãy đem thương yêu để cảm hóa họ thì tự nhiên ta sẽ hết sợ, và không muốn xa cách nhau nữa…”
Trích sách: Người Với Người – Trang 25, 26, 27, 28
Biên soạn: TT.Thích Chân Quang
Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *