TT Thích Chân Quang, Văn hóa xã hội

Không bao giờ chấp nhận điều sai, dù phải chịu thiệt thòi

Không bao giờ chấp nhận điều sai, dù phải chịu thiệt thòi
Tại sao chúng ta có duyên tìm được chân lý và tại sao chúng ta không có duyên tìm được chân lý? Tại sao chúng ta tìm được vị thầy dạy đâu đúng đó, và tại sao chúng ta gặp phải ông thầy dạy đâu sai đó? Tất cả chỉ vì nhân duyên từ những đời xưa:
– Thứ nhất, chúng ta biết sống chân thật, không nói dối.
– Thứ hai, khi chúng ta dạy ai điều gì thì đều dạy hết mình, và có nói gì thì cũng nói rất rõ ràng.
– Thứ ba, chúng ta không bao giờ chấp nhận điều sai dù phải chịu thiệt thòi.
Ví dụ, ở một kiếp xưa nào đó, có người đem 50 phần quà đến làng ta để trao tặng cho người nghèo. Người nào đó vì thương ta nên cũng kéo ta vào hàng người đang chờ nhận quà. Nhưng tự thấy mình không đến nỗi nghèo, nếu ta nhận món quà này thì một người nghèo khác sẽ không được nhận món quà đó. Như thế sẽ không công bằng. Và ta đã nói ra sự thật là mình không quá nghèo, vẫn có thể tự lo được cuộc sống vì còn có người khổ hơn ta.
Như vậy, chúng ta đã không chấp nhận điều sai dù phải chịu thiệt thòi. Đó là những cái nhân của sự chân thật, chỉ yêu thương sự thật và không thể chấp nhận điều sai. Chính cái nhân đó sẽ giúp chúng ta đời sau luôn được gặp lẽ phải. Hễ gặp bất cứ người thầy nào thì chắc chắn đó là một người thầy tốt, một vị chân sư thiện tri thức sẽ dạy cho mình những đạo lý chuẩn xác. Đó chính là nhân quả.
Còn người nào đôi khi vì quyền lợi của mình nên đã có nói dối một chút. Chuyện tưởng chừng như đơn giản nào ngờ qua kiếp sau chắc chắn sẽ gặp tà sư, sẽ được truyền dạy những giáo lý sai lệch có thể hủy hoại cả một đời tu.
Nên vì vậy, chúng ta yêu sự thật, sống vì sự thật thì phải bảo vệ sự thật. Và dù có những sự thật khiến chúng ta rất đau lòng nhưng mình vẫn phải biết chấp nhận và biết tha thứ.
Trích sách: Chân lý chỉ là một – TT. Thích Chân Quang.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *