Đạo Phật, Thiền sư Thích Thanh Từ

Từ Bi và Nhẫn Nhục – Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ

Hoa sen - Cách tu tập quán từ bi
Từ bi và nhẫn nhục là hai pháp tu tối thiết yếu của người Phật tử cũng như người xuất gia.
Từ bi là ban vui, cứu khổ.
Người có lòng từ bi là người thương tất cả chúng sanh bình đẳng như nhau.
Vì thương mọi người nên đem hết cả tâm tư sức lực của mình làm cho mọi người được vui, hết khổ, nên gọi là ban vui, cứu khổ.
Ở đời ai không có khổ, hoặc nhiều hoặc ít thôi.
Chư Phật và Bồ-tát thương muốn cho chúng ta hết khổ nên các Ngài dạy chúng ta tu.
Vì vậy từ bi là hạnh thiết yếu trong đạo Phật.
Kế đến là nhẫn nhục.
Bởi có từ bi mà thiếu nhẫn nhục thì không bao giờ thực hiện được hạnh từ bi.
Nhẫn nhục lúc nào cũng ở bên cạnh từ bi, không thể riêng rẽ được, nên tôi giảng chung từ bi và nhẫn nhục.
Trong kinh Pháp Hoa Phật có dạy, muốn vào nhà Như Lai tức phải có lòng từ bi, muốn mặc áo Như Lai tức phải nhẫn nhục.
Tóm lại, muốn vào nhà Phật, mặc áo Phật phải tu hạnh từ bi và nhẫn nhục.
Nếu không có từ bi, không có nhẫn nhục thì không thể vào nhà Phật, mặc áo Phật được.
Nên người Phật tử thiếu từ bi thì chưa phải Phật tử.
Đây là vấn đề mà quý Phật tử cần phải hiểu.
Nói từ bi theo nghĩa cứu khổ ban vui, quý Phật tử cảm thấy khó hiểu. Để gần gũi và dễ hiểu hơn, tôi có thể nói từ bi là tình thương vì mọi người chớ không phải vì mình.
Chúng ta ai cũng có tình thương, nhưng tình thương vì mình nhiều hơn vì mọi người.
Ví dụ ta đi đâu trễ xe hoặc trễ đò, có một người tử tế mời vào nhà uống nước, ăn cơm để chờ tới chuyến đò, chuyến xe sau.
Họ xử sự rất tốt nên ta nói người đó dễ thương quá.
Tại vì họ tốt với mình nên mình nói dễ thương.
Nếu người ấy xấu với mình thì mình không thương.
Như vậy để thấy tình thương của chúng ta đi đôi với bản ngã.
Tình thương đó không gọi là từ bi.
Đến bao giờ chúng ta thấy người lem luốc, xấu xí, không lễ độ, đói khổ mà ta vẫn thương.
Chúng ta cho chén cơm, ổ bánh mì, dù họ không cám ơn nhưng chúng ta vẫn thấy vui.
Đó là tình thương của lòng từ bi, thấy người khổ mình thương, mình giúp mà không cần đền đáp.
Là người Phật tử biết học Phật, tu Phật thì nên tập mở rộng tình thương.
Ai khổ, ai đói thì chúng ta thương, không vì bản ngã, không đợi người giúp mình, mình mới thương lại.
Đó là tình thương của lòng từ bi.
Còn vì mình thì chưa phải từ bi.
Nên hiểu cho tường tận, chớ thương người này, thương người kia rồi cho đó là từ bi thì không thể được.
Bởi từ bi hệ trọng như vậy nên người Phật tử bước chân vào đạo phải tập mở rộng lòng thương mọi người.
Đó là tập tâm từ bi.
Có tâm từ bi rồi thì chúng ta tu mới có thể tiến được.
Còn chưa có từ bi thì không thể nào chúng ta tiến được trên đường tu.
Tại sao từ bi phải đi đôi với nhẫn nhục?
Như ở thế gian có người con hiếu thảo, thương cha mẹ nhưng gia cảnh nghèo làm không đủ ăn.
Bấy giờ Giám đốc một xí nghiệp nhận vào làm, trong xí nghiệp anh ta bị rầy, bị quở nhiều thứ, xúc chạm tới tự ái.
Nhưng vì thương cha mẹ thiếu thốn nên vẫn chịu đựng, nhịn nhục làm có tiền để nuôi cha mẹ.
Do đó phải ẩn nhẫn, cực khổ, nhục nhã chớ không dám bỏ việc.
Như vậy tình thương giúp cho chúng ta có sức chịu đựng, sức nhẫn nại.
Đó gọi là nhẫn nhục.
Nếu chúng ta không thương cha mẹ thì khi gặp cảnh bị rầy la, khinh bạc liền bỏ quách, cần gì phải làm, chỗ này không được kiếm chỗ khác.
Nhưng vì thương cha mẹ cho nên nhẫn chịu mọi sự phiền hà, xúc phạm.
Đó là vì tình thương mà phải nhẫn nhục.
Một ví dụ nữa, như người phụ nữ gặp ông chồng bạo hành, nhưng đã có với nhau hai, ba mặt con.
Người chồng bạo hành chịu hết nổi thì lẽ ra phải ly dị nhưng vì thương con, sợ con bơ vơ không còn đủ cha mẹ, việc học hành sa sút v. v…
Thương con mà nhẫn nhịn sự bạo hành của chồng.
Như vậy cũng vì tình thương mà phải chịu đựng.
Trường hợp trước là người con hiếu, vì thương cha mẹ mà nhận chịu những khó khăn, khinh bỉ.
Trường hợp sau vì thương con mà không bỏ được người bạn từng hành hạ mình, chịu đựng mọi điều v. v…
Nên biết, nhờ tình thương mà người ta có thể nhẫn chịu những cái khó nhẫn.
Nếu không có tình thương thì chắc rằng con người sẽ không đủ sức để vượt qua những cảnh khó khổ.
Sống trong đời chúng ta muốn làm điều lành, điều tốt nhưng chắc gì được mọi người tán thán.
Cho nên muốn làm điều lành điều tốt để giúp mọi người, thì trước chúng ta phải tập có lòng thương mạnh mẽ đối với mọi người.
Đó là từ bi.
Kế phải có sức nhẫn nại, chịu đựng những khó khăn.
Chúng ta không nên hiểu lầm nhẫn nhục là điều xấu, theo quan niệm của nhiều người, nhẫn là phải chịu nhục.
Theo tôi thì không phải vậy.
Nhẫn nhục là một sức mạnh chớ không phải yếu đuối.
Thế gian thường cho rằng người làm việc gì bị la rầy, quở mắng nhưng vẫn ráng chịu đựng là người yếu đuối, nhu nhược, vì không dám chống cự lại, đôi khi còn bảo là ngu.
Nhưng trong đạo Phật không phải vậy.
Đạo Phật dạy nhẫn nhục là một sức mạnh.
Nếu chúng ta để ý sẽ thấy ở những ngôi chùa xưa thường viết câu Đại Hùng Bửu Điện, tức là điện báu thờ đấng Đại Hùng.
Đức Phật là đấng Đại Hùng, nhưng Ngài có đánh dẹp ai đâu mà tôn vinh là Đại Hùng?
Trong kinh Pháp Cú, Phật có dạy thế này:
“Thắng một vạn quân không bằng thắng mình,
Thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất”
Nghĩa là người nào thắng được mình mới gọi là người hùng.
Thắng giặc bên ngoài chưa phải là hùng.
Như vậy nhẫn nhục là việc dễ hay khó?
Bị người sỉ nhục, mắng nhiếc ta, ta sỉ nhục, mắng nhiếc lại là dễ hay nhịn nhục là dễ?
Mắng lại là dễ chớ bỏ qua khó lắm.
Đừng nói chi người lớn, trẻ con khi bị ức hiếp nó tức giận la lối dễ hay làm thinh dễ?
Như vậy khi trái ý, nổi giận la lối con nít làm cũng được, còn nhẫn nhịn, người lớn đôi khi làm chưa nổi nữa.
Qua đó thì biết cái nào khó! Khó mà làm được nên gọi là Đại Hùng.
Đức Phật được gọi là Đại Hùng vì Ngài nhẫn được những điều khó nhẫn.
Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Trích trong : Từ Bi và Nhẫn Nhục.
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *