Thiền sư Thích Thanh Từ

Phụng Hoàng cảnh sách 14

HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ
Ngày 15-6 Giáp Tuất (21-7-1994)
Qua buổi thỉnh nguyện, thấy trong chúng đa số đều được trong sạch không phạm lỗi, chỉ một vài vị có lỗi nhỏ cũng đã tự giác ra chúng phát lồ sám hối. Đó là tinh thần tiến bộ, biết lỗi sám hối. Hi vọng toàn chúng ngày càng thanh tịnh để cùng tinh tấn tu hành.
Chúng ta tu trước hết phải có đạo đức. Đạo đức tức là phần giới luật. Ở đây chúng ta tuy chỉ đơn giản sử dụng lục hòa làm gốc rồi đến mười giới, nhưng sự thật chỉ phần lục hòa quí vị đã thấy khó giữ rồi. Thân hòa đồng trụ hơi dễ. Khẩu hòa vô tránh tức là miệng không được cãi vã, không được nói những lời nặng nhẹ, hung dữ… với ai. Những điều này khó giữ, nhưng tới ý hòa đồng duyệt thì càng khó hơn. Sống trong chúng năm ba chục người mỗi người mỗi ý, chúng ta làm sao hòa thuận, an ổn cùng tu không có gì phiền não, chướng ngại, điều đó rất khó. Nhưng chính đây là nền tảng đạo đức giúp mình tu mau tiến.
Giả dụ như trước khi tọa thiền mình cãi với ai, đến khi vào ngồi tâm không an được. Vì vậy, cần phải dè dặt, cẩn thận giữ cho được lục hòa, sau đó chúng ta mới có thể tiến tu không bị trở ngại. Quí vị thấy, ở trong chúng nếu ai thiếu ý hòa đồng duyệt dễ sanh ra buồn phiền rồi thối tâm.
Cho nên chúng ta tu phải biết điều hòa giữa mình và mọi người. Ai cũng là người quyết chí cầu giải thoát sanh tử, không có cái gì quá tệ, chẳng qua chỉ là những sơ sót, lỗi lầm nhỏ, cần biết tha thứ, dung hòa vui vẻ để tu. Phải ráng giữ lục hòa sau mới đến mười giới. Vì lục hòa là điểm then chốt giúp cho tất cả chúng ta không bị những rối rắm, phiền não làm trở ngại sanh ra thối tâm Bồ-đề, nên lục hòa là nền tảng căn bản nhất của sự tu chúng ta. Vậy tất cả quí vị ở trong tập thể cùng tu học ráng giữ cho được lục hòa.
Nếu chúng ta nhập thất riêng một mình, đối với lục hòa khỏi phải lo, nhưng chúng ta đang sống tu trong một tập thể thì lục hòa rất là thiết yếu. Ở trong thất, vì không gần gũi va chạm huynh đệ, chúng ta thấy yên ổn, đến khi ra thất, tiếp xúc với mọi người lại sanh ra loạn tâm, loạn tưởng, như vậy không được hay. Còn ở đây, chúng ta ngay trong lúc sống chung, gần gũi huynh đệ, có những lời qua tiếng lại mà vẫn hòa được, đó mới là đạo đức chân thật ngay giữa cuộc sống này.
Bởi vậy tôi mong tất cả nhớ ứng dụng triệt để lục hòa trong cuộc sống. Nếu không ứng dụng được lục hòa, đó chính là nguyên cớ tự loại mình ra khỏi tập thể. Điều này quí vị xét kỹ sẽ thấy rõ ràng không nghi ngờ.
Kế đây tôi nhắc cho tất cả quí vị nhớ, Phật dạy có hai cái vui. Khi chúng ta vào đạo mà chưa tu thiền sâu, mình sẽ có pháp lạc hay pháp hỉ. Nghe một câu Phật Tổ dạy, chúng ta thấm thía sâu xa, chuyển hóa cả đời mê tối của mình, dù một câu cũng quí như vàng như ngọc, thế gian không bao giờ có được, nên chúng ta vui mừng thích thú. Đến lúc tu thiền sâu rồi sẽ được Thiền duyệt. Pháp hỉ và Thiền duyệt là hai cái vui thiết yếu của người tu. Người xuất gia bỏ tất cả niềm vui thế tục để vào đạo, phải có nguồn vui của đạo. Nếu tu mà thấy thiền là khổ, pháp là nhọc thì không bao giờ tiến được, đó là cái cớ thối tâm Bồ-đề.
Ngày trước, sau khi tôi rời Phật học viện Huệ Nghiêm lên núi Vũng Tàu cất thất tu, tôi để tên Pháp Lạc Thất. Pháp Lạc là vui với chánh pháp, nghĩa là khi tôi chưa đi sâu vào Thiền định được, tôi lấy chánh pháp làm nguồn vui. Cho nên hồi ấy, trong thất tôi quan trọng số một là Đại Tạng Kinh. Ngoài giờ công tác, tôi đem Đại Tạng Kinh ra, quyển nào hay tôi dịch. Nhờ chánh pháp, tôi được an vui tự tại trong khi ở một mình. Do vui với pháp mà tâm được phấn khởi, an lạc, còn nếu buồn không thể nào ở một mình được.
Trong giai đoạn đầu chúng ta lấy pháp lạc hay pháp hỉ làm nguồn vui để tinh tấn tu, qua giai đoạn thứ hai chúng ta vui với Thiền định nên gọi là Thiền duyệt. Làm sao tới giờ ngồi thiền mình cảm thấy phấn khởi, ngồi thiền là một nguồn vui, chớ không như bây giờ ngồi thiền chịu đau chân nhăn mặt nhíu mày, cảm thấy như bị hành hạ đau khổ.
Quí vị nên nhớ, không có niềm vui nào tự nhiên mà có được, phải qua cái khổ rồi mới được vui. Cũng như một người gánh rất nặng đi trên đường dốc, đi lâu thấm nặng càng thấy nhọc nhằn khổ sở không chịu nổi. Nếu người đó được buông gánh nặng xuống, lúc đó thật là vui. Do buông được gánh nặng mà vui chớ không phải ngẫu nhiên vui.
Quí vị ngồi thiền cũng vậy, trong lúc này ráng cho đúng giờ mới xả, bởi ráng nên có cảm giác đau chân, nhức mình, khó chịu. Hễ gắng qua được cơn đau rồi thì yên ổn, tự nhiên vui. Nhưng qua nỗi khổ đau chân, chỉ là cái vui nhỏ. Khi nào ngồi thiền được an ổn, thấy rõ cuộc sống toàn là điên đảo hư dối, không có gì thật, thấy chúng sanh đang lăn lộn trong điên đảo nên rất thương, và nhận ra cái chân thật hiện tiền, đó mới là vui cứu kính. Vui trong chỗ chân thật, không đợi có cảnh đến mới vui. Tự tâm thanh tịnh là nguồn an lạc.
Nguồn vui đó không thể tìm ở đâu khác, chính do chúng ta biết phản quan tự kỷ, một ngày nào đó sẽ được vui. Lúc đó thiền định coi như thức ăn, nên nói “thiền duyệt vi thực”, tức là lấy cái vui trong thiền định làm thức ăn. Ngày nào không được ngồi thiền ngày đó coi như đói, còn tới giờ đi ngồi thiền giống như lúc nghe đánh bảng ăn cơm. Đói bụng mà nghe đánh bảng cốc cốc thì vui vẻ mặc áo đi ăn, cũng như nghe kiểng ngồi thiền liền hăng hái mặc áo lên chánh điện. Quí vị ráng tập, nhờ cố gắng phấn chấn, từ nỗi khổ biến thành niềm vui. Khi được vui trong thiền định rồi, mới thấy đi tu là điều cao cả hơn hết, còn chưa được niềm vui đó thì tu dường như hình phạt.
Vậy mong tất cả Tăng chúng phải khéo tu để vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn ban đầu, vươn tới sự an lạc trong giai đoạn sau. Với tâm an lạc, chúng ta sống vui vẻ, an lành trong đạo lý, gặp ai cũng có thể chia sẻ cho họ chút ít niềm vui. Còn tu mà khổ sở phiền não quá, làm sao ban vui cho người được, chỉ có ban phiền não cho họ thôi, phải không?
Nên quí vị thấy, ai ôm ấp phiền não nhiều, khi gặp người khác chỉ lo trút phiền não, còn người nào tâm thanh tịnh an vui, gặp ai cũng có thể đem lại nguồn vui, rõ ràng như vậy. Cho nên khi tâm mình còn phiền não, đừng nói chuyện nhiều với người khác, vì nói ra mình sẽ nhả cái phiền não cho người, làm cho họ mệt thêm. Chỉ khi nào tâm an vui tự tại, mình nói chuyện, tiếp xúc mới đem lại nguồn an lạc cho mọi người.
Chúng ta tu cốt để ban vui cứu khổ cho người, đó là nghĩa từ bi. Từ là ban vui, bi là cứu khổ. Muốn ban vui, ít ra mình phải có niềm vui trước, mới ban cho người ta được, ai lại ban cái giọng phiền não, bực bội! Lúc đó nếu gặp khách, mình nói chuyện chắc là không vui, nhiều khi nói một hồi rồi phát sân, những chuyện cũ được khơi lại, phát ra những lời nặng nhẹ… gây phiền cho người.
Vậy nên mong tất cả ráng tinh tấn tu, gần nhất là hưởng được pháp lạc, sau nữa là Thiền duyệt. Làm sao thấy cuộc đời tu hành là nguồn an vui vô tận. Từ nguồn an vui đó mình sẽ ban rải cho mọi người, làm cho tất cả cùng được vui lây, gọi là ban rải lòng từ. Muốn đem lòng từ bi chan rải, trước mình phải có nguồn vui.
Tất cả quí vị ráng tu rồi sẽ tiến tới chỗ an vui thật sự, từ đó về sau mình mới xứng đáng là người làm việc đạo đức, lợi sanh. Còn nếu không có niềm vui bên trong thì việc làm, lời nói của mình thảy là suông rỗng, không có thực chất. Tất cả phải cố gắng, đừng lơ là việc tu, mỗi ngày mỗi tinh tấn vượt qua các khó khăn rồi sẽ đến chỗ an lạc. Đó là sự mong mỏi của tôi.
Trích “PHỤNG HOÀNG CẢNH SÁCH”
Hòa Thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *