Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Văn hóa xã hội

Sống bình dị – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Sống bình dị - Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Bụt dạy rất cẩn thận về cách sinh hoạt hàng ngày của Bồ tát xuất gia. Đặc điểm của kinh này là ở chỗ rất thực tế.
Trước hết Bụt dạy về bốn vấn đề: Cơm ăn (ẩm thực), áo mặc (y phục), thuốc men (y dược), và chỗ ở (ngọa cụ). Người Bồ tát xuất gia phải có một nếp sống bình dị, đừng để ý đến bốn nhu yếu đó quá mức. Danh từ Bụt dùng là tri túc. Tri túc tức là biết đủ, mình chỉ cần đủ chứ không cần đẹp, cần sang. Nếu hơi thiếu thì không buồn, không luyến tiếc, không tham đắm. Người xuất gia phải biết rằng nếu mình dư dật quá về bốn phương diện đó thì có hại cho cuộc đời tu học của mình. Bụt đi vào từng vấn đề:
1. Ẩm Thực
Đứng về phương diện ẩm thực, Bụt khuyên người Bồ tát xuất gia đừng bỏ hạnh khất thực. Khất thực có thể giúp mình tiếp xúc với quần chúng, giúp mình thực tập được đạo giải thoát, giúp mình nuôi dưỡng được tính khiêm nhường và tinh thần trách nhiệm của người xuất gia. Đi tu mà có sẵn một trương mục trong ngân hàng, không cần đến ai hết, thì lúc đó mình không tu được. Thời nay có nhiều người thiết kế sự đi tu của họ như vậy, họ làm cho có một số tiền, cho vào trương mục rồi rút ra từ từ để tu! Tu theo kiểu đó thì không bao giờ thành.
Trong khi khất thực, lúc đứng trước một nhà nghèo hay một nhà giàu để đợi cúng dường thức ăn, mình biết rằng sự tu học của mình có dính líu đến người đó, và người cho mình cơm, cà-ry hay khoai lang, mình có ý thức rằng người kia đang chia sẻ phần cơm của họ cho mình. Vì vậy khi ăn cơm đó mình có ý thức trách nhiệm, mình ý thức rằng nếu thí chủ này không được quy y Bụt, Pháp, Tăng, không được an lạc, không được thanh tịnh, thì tội nghiệp cho họ quá, và mình không làm tròn bổn phận của người xuất gia. Vì vậy khi muốn ăn với một tâm yên ổn, không băn khoăn thì mình phải làm thế nào để cho người đàn việt này được lợi lạc nhờ sự tu học của chính mình.
Kinh nói rằng: Có ai bố thí cho tôi ăn thì tôi phải làm sao để khiến cho họ được an trú nơi ba pháp quy y, lúc đó tôi mới ăn cơm một cách thanh thản được. Với những người không cúng dường cho tôi, có thể là vì thành kiến, hay vì bỏn xẻn, thì tôi cũng phải phát sanh lòng đại bi đối với họ. Nếu tôi giận họ, tôi cho họ là người không biết gì hết về Tam Bảo và tôi khinh ghét họ thì tôi cũng không có cơ hội để làm phát triển lòng từ bi và sự hiểu biết ở trong tôi.
Khi nhận một bát cơm hay một củ khoai, của một người nghèo hay của một người giàu, tự nhiên mình nhiếp phục được tâm ngã mạn của mình. Trái lại nếu mình không nhờ họ, và vì họ cung kính mình quá đáng, thì mình sẽ có ý tưởng là họ cần mình và mình không cần họ, lòng ngã mạn của mình sẽ tăng lên rất mau.
Trong thực tế, ta thấy rất rõ điều đó. Nếu người Phật tử tại gia cung kính người xuất gia quá đáng, thì vị xuất gia sẽ bị hư hỏng. Trong các phép khất thực do Bụt dạy, có một phép gọi là thứ đệ khất thực, nghĩa là đến đứng khất thực trước nhà này rồi mới đến nhà kia, không được bỏ sót nhà nào. Nếu nghĩ rằng nhà này cho ăn không ngon, mình có thể bỏ qua hay chỉ ngừng một phút chứ không đứng đợi năm ba phút như thường lệ, như vậy là sẽ có tội vì không theo phép thứ đệ khất thực.
Trong nếp sống hiện tại của người xuất gia, chúng ta nên suy ngẫm về chuyện này. Nếu chúng ta dựa quá nhiều vào người đàn việt thì sẽ có hại, tại vì họ sẽ không cho chúng ta cơ hội để có thể đổi mới đường lối tu học, nhất là khi họ là những người quá bảo thủ. Người cư sĩ khi cúng dường, có thể có những đòi hỏi rất kỳ lạ, nếu chúng ta không thỏa mãn được những đòi hỏi của họ thì có thể họ không cúng dường nữa, và nếu ta lệ thuộc vào họ quá thì ta sẽ hỏng đời tu. Ví dụ khi cúng dường, họ chỉ muốn chúng ta cầu an, cầu siêu, đưa đám, và làm những công việc chiếm hết thì giờ tu học, không cho ta an cư nhập hạ. Như vậy làm sao ta tiến tu được? Ngược lại nếu không áp dụng lời Bụt dạy, thì cũng hỏng. Vì vậy chúng ta phải tìm một con đường trung đạo, tức là vẫn dựa trên người cư sĩ, nhưng phải dựa như thế nào để đừng mất chủ quyền của Tăng đoàn xuất gia. Đó là một đề tài pháp đàm rất quan trọng cho tăng thân xuất gia.
2. Y Phục
Trong kinh này khi nói về vấn đề y phục, Bụt dùng danh từ hoại sắc. Những sắc áo mà người xuất gia mặc phải là hoại sắc, không lòe loẹt, không láng lẩy. Khi mình khoác áo xuất gia và chiếc áo đó mang màu hoại sắc, nó sẽ tạo nên sự mến chuộng và cung kính cho loài trời, loài người, và loài A-tu-la. Vì vậy mà hoại sắc nó có vẻ đẹp riêng của nó, có giá trị riêng của nó.
3. Thuốc men
Luật tạng (Vinaya-piaka) có ghi lời Bụt dạy về những phương cách chữa trị khi bị bệnh. Các thầy chỉ được dùng những thứ y dược thông thường, gần với thiên nhiên như các thứ cây cỏ (dược thảo), nước tiểu hay phân bò. Trừ khi đau thật nặng mới được sử dụng các loại dầu, bơ, đường hay sữa.
Qua những lời giáo huấn đó, chúng ta thấy bổn ý của Bụt là tạo một nếp sống đơn giản, gần với thiên nhiên, và bớt lệ thuộc vào vật chất cho tăng đoàn, hầu giúp cho đời sống tu học của người xuất gia dễ dàng tăng tiến. Ngày nay, lẽ tất nhiên chúng ta có thể cải biến những điều này cho hợp với cuộc sống của xã hội mới.
4. Chỗ ở
Kế đến Bụt nói rằng người Bồ tát xuất gia không nên bỏ chỗ trực tĩnh của mình. Chỗ trực tĩnh là tu viện, trong đó có điều kiện của sự thanh tịnh, của sự vắng lặng, là chốn A-lan-nhã. Bụt nhấn mạnh đến điều này, vì một người xuất gia, dầu là xuất gia trong truyền thống Bồ tát cũng phải cư trú ở chỗ vắng lặng, thanh tịnh.
Chính ở một nơi thanh tịnh như vậy mình mới có thể tập luyện được đạo lý vô ngã, tự tại và không bị ái nhiễm. Nếu ở trong xóm làng, trong thành phố, mình sẽ khó để thực tập vô ngã, tự tại và không ái nhiễm. Chính nhờ khung cảnh thanh tịnh và an lạc mình mới có thể thực tập được chánh niệm một cách dễ dàng, vì nơi đó không có nhiều chướng ngại. Kinh nói rằng khi cư trú và tu học ở những nơi trực tĩnh, sẽ có nhiều lợi ích, cho nên vị Bồ tát xuất gia trọn đời chẳng xa lìa chỗ trực tĩnh của mình.
Nếu phải đi về thành phố mới được nghe Pháp, hoặc nếu cần đi thăm Hòa thượng tức là thầy bổn sư của mình[1], hay phải đi thăm một người thân, hoặc là một bậc thầy bị bệnh, và bắt buộc phải đi vào thành phố, người Bồ tát xuất gia nên nghĩ rằng vì duyên sự mà tôi phải đến những nơi này, nhưng tối nay tôi sẽ trở về chỗ trực tĩnh của tôi. Tuy vậy Bụt cũng dạy rằng không phải cứ ở chỗ vắng vẻ mới thực sự là một vị Sa môn. Đôi khi ở nơi vắng vẻ, nhưng trong tâm không thực sự vắng vẻ, tức là thay vì sống một mình thì mình lại sống hai mình! Tuy ở chỗ khỉ ho cò gáy, không có xã hội đông đúc, nhưng mình vẫn mang trong tâm sự có mặt của người thứ hai. Người thứ hai này không hẳn phải là một người. Có thể là một dự án, một mong cầu. Trong kinh Bụt gọi đó là trường hợp người sống hai mình. Xin đại chúng đọc cuốn kinh Người Biết Sống Một Mình[1] để thấy rõ hơn về giáo lý này.
Trích “Bồ Tát Tại Gia Bồ Tát Xuất Gia , Kinh Duy Ma Cật Giảng Giải – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh “
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *