Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật, Tịnh Độ

Phương pháp tu trì để Vãng Sanh Tây Phương Tịnh Độ

Mười niệm vãng sanh
Nếu như có người hỏi, tại vì sao phải chọn lấy Tịnh Độ (Cực Lạc)? Chúng ta có thể nói với họ: chính là sợ luân hồi, sợ sanh tử, sợ dày vò, sợ chướng ngại, và vì để tự lợi, lợi người đạt đến viên mãn, cho nên mới quyết định cầu sanh Tịnh Độ.
Sau khi sanh đến Tây Phương Tịnh Độ, chính như trên kinh đã nói: “Đều rời khỏi tất cả các khổ nạn”. Hơn nữa có thể ở trong thời gian rất ngắn, viên mãn thành tựu Phật quả. Trí huệ đức năng viên mãn trong tự tánh hiện tiền, sau đó sẽ đến chín pháp giới để rộng tu cúng dường, trở lại phục vụ chúng sanh thì không còn chướng ngại, đây chính là nhà Phật thường nói “Thừa nguyện tái lai”.
Vãng sanh đến thế giới Tây Phương, Cổ Đức nói: “Nếu thấy được Di Đà, lo gì không khai ngộ”. Thấy được Phật A Di Đà, không một ai không khai ngộ. Khai ngộ chính là khai trí huệ, khai trí huệ chính là chuyển phiền não thành Bồ Đề.
Phương Pháp Tu Trì (phần 1)
Niệm Phật vãng sanh điều kiện tối thiểu là công phu thành phiến, thành phiến là như thế nào? Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay, “không thấy lỗi thế gian”, đây chính là công phu thành phiến. Vẫn còn thấy lỗi thế gian, có thể đoán định công phu của bạn chưa thành phiến, bởi vì trong tâm bạn vẫn còn phân biệt, chấp trước (dính mắc), vẫn có chướng ngại.
Trong niệm Phật đường, Thầy chủ thất thường giảng: “buông xả thân, tâm, thế giới”, bạn chưa buông xả, thì tâm không thanh tịnh.
Có thể đem lý luận trong Kinh Kim Cang vận dụng vào pháp môn Tịnh Độ đó chính là phát “Bồ Đề tâm – nhất hướng chuyên niệm” đã nói trong Kinh Vô Lượng Thọ (Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh). Một bộ Kinh Kim Cang chính là dạy chúng ta phát Bồ Đề tâm, phát Bồ Đề tâm là căn bản. Pháp môn Đại Thừa đều dựa trên nền tảng “Bồ Đề tâm”. Chỉ cần Bồ Đề tâm phát ra, bất luận là tu học pháp môn nào, đều sẽ có thành tựu, người niệm Phật cũng nhất định vãng sanh. Then chốt của niệm Phật mà không thể vãng sanh chính là ở chỗ chưa phát Bồ Đề tâm, vì vậy mặc dù có nhất hướng chuyên niệm, vẫn không thể vãng sanh.
Cổ nhân nói: “một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, đau mồm rát họng vẫn uổng công”. Tại sao lại uổng công? Vì tâm tịnh thì cõi nước tịnh, tâm phải tịnh mới có thể vãng sanh.
Ngẫu Ích Đại Sư giảng rất hay: “Vãng sanh phẩm vị cao hay thấp nằm ở công phu niệm Phật sâu hay cạn, không phải Phật hiệu nhiều hay ít”. Sâu cạn từ đâu mà nói? Từ trên tâm thanh tịnh mà nói.
Công phu niệm Phật có ba tầng: “Lý nhất tâm bất loạn” là sâu nhất, kế đến là “sự nhất tâm bất loạn”, tiếp thêm một bậc là “công phu thành phiến”. Không có những công phu này, niệm thêm nhiều bao nhiêu đi nữa cũng không thể vãng sanh.
Những điều này đều là nói công phu của bản thân chúng ta, chưa đề cập đến sự gia trì của Phật A Di Đà. Nếu nói về sự gia trì của Phật A Di Đà, mọi người đều là bình đẳng. Đây là khác biệt của thế giới Tây Phương Cực Lạc so với những thế giới khác. Thế giới Cực Lạc có Phật gia trì. Vì vậy nếu như tự mình có nỗ lực, công phu bản thân đắc lực, phẩm vị sẽ nâng cao, tới thế giới Tây Phương Cực Lạc thành Phật liền nhanh; người vãng sanh phẩm vị thấp hơn, mặc dù được Phật gia trì, nhưng sẽ chậm hơn một chút mới thành tựu viên mãn; cũng chính là trong thời gian Bồ Đề viên mãn, có sự sớm, muộn, nhanh, chậm sai biệt không giống nhau.
Phương Pháp Tu Trì (phần 2)
Cái gì gọi là công phu thành phiến? Chính là tâm thanh tịnh. Trong lòng đã không còn xen tạp, không còn vọng niệm, chỉ chuyên chú ở một câu Phật hiệu (A Di Đà Phật), chuyên chú ở nơi y chánh (y báo chánh báo) trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Cái tiêu chuẩn mà Kinh Kim Cang đã nói, chính là tiêu chuẩn của lí nhất tâm bất loạn, thế nhưng lí nhất tâm bất loạn cũng có sâu cạn khác nhau. Trên Kinh Kim Cang nói: “Tất cả Hiền Thánh đều lấy pháp vô vi mà có khác biệt”. Tam Hiền, Thập Thánh chính là 41 vị pháp thân đại sĩ ở trong Kinh Hoa Nghiêm, họ đều là lí nhất tâm, tuy là cùng đạt đến lí nhất tâm bất loạn, công phu vẫn là có chỗ cạn sâu khác biệt không đồng. Thế nhưng đạt đến cứu cánh viên mãn, chính là thành Phật.
Kỳ thật, niệm Phật cũng là quán chiếu. Người biết dụng công thì cùng với tu học của nhà Thiền không có gì khác biệt. Chính là “Gom nhiếp sáu căn” mà ở trong Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương đã nói. Có thể “Gom nhiếp sáu căn” thì cũng giống như tham Thiền vậy. Nếu như chúng ta chỉ làm được “Tịnh niệm nối nhau” mà không hiểu được làm thế nào “Gom nhiếp sáu căn”, vậy thì không thể nào giống với tham Thiền.
Mọi lúc mọi nơi đều quay về một câu danh hiệu này, niệm đến công phu thành khối (thành phiến), trình độ như vậy thì cùng với Tông Môn, Giáo Hạ là hoàn toàn giống nhau. Có thể niệm Phật đến Sự nhất tâm bất loạn, chính là “chiếu trụ”; nếu có thể niệm đến lí nhất tâm bất loạn thì chính là “chiếu kiến”. Cho nên người xưa thường nói: “Pháp môn Niệm Phật, ám hợp đạo diệu”. “Đạo diệu” chính là minh tâm kiến tánh. Dùng cái pháp môn này, người được định, người được kiến tánh rất nhiều. Tuy rằng không thể đắc định, không thể kiến tánh cũng có thể vãng sanh. Tổ sư đại đức cũng nói: “Chỉ thấy được Di Đà, lo gì không khai ngộ”. Khai ngộ chính là minh tâm kiến tánh, chỉ cần có thể vãng sanh thì tuyệt đối có thể khai ngộ, kiến tánh. Sự thù thắng của pháp môn Tịnh Độ chính là ở ngay chỗ này.
Nguyên tắc tu học của pháp môn Tịnh Độ là “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. “Nhất hướng”, ý nghĩa chính là một phương hướng, một lòng.
Cái gì là Tâm Bồ Đề? Ngoài chính mình một lòng tuyệt đối cầu vãng sanh ra, còn phải mỗi niệm dùng tất cả những phương tiện khéo léo, đem pháp môn niệm Phật giới thiệu cho người khác, đây chính là Tâm Bồ Đề. Bởi vì chúng ta hiểu rõ, chỉ có pháp môn này mới có thể đoạn phiền não, ra ba cõi (thoát luân hồi), có thể bất thoái thành Phật.
Phương Pháp Tu Trì (phần 3)
Người tu học Tịnh Độ, việc lớn của cả một đời là chính mình cầu sanh Tịnh Độ, đem pháp môn niệm Phật giới thiệu cho người khác, ngoài tự hành hóa tha, không có gì khác. Đây chính là phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm. Nguyện tâm hành trì như vậy, nhất định vãng sanh. Vọng tưởng, phiền não tuy là không cố ý để đoạn nhưng tự nhiên sẽ ít đi, trí huệ tự nhiên sẽ thêm lớn.
Người niệm Phật chí ít phải đem tám cái chữ “Phát tâm Bồ Đề, nhất hướng chuyên niệm” này làm cho rõ ràng. Tám cái chữ này nếu như không làm rõ ràng, thì Phật hiệu sẽ niệm không tốt, công phu sẽ không có lực. Không những không thể chuyển cảnh giới, vẫn cứ bị cảnh giới chuyển, bị cảnh giới chuyển chính là tiếp tục phải luân hồi sáu cõi. Nếu có thể chuyển cảnh giới thì nhất định vãng sanh. Cho nên tám cái chữ này vô cùng quan trọng.
Cái gì gọi là tâm Bồ Đề? Làm thế nào để phát. Kinh Kim Cang nói “sanh tâm”, sanh tâm chính là phát tâm. “Sanh” là sanh khởi, ý nghĩa cùng với phát khởi giống nhau. Trong “Giảng nghĩa” của cư sĩ Giang Vị Nông nói: “Sanh” ý nghĩa sâu hơn, viên mãn hơn “Phát”.
“Nhất hướng chuyên niệm”, “Nhất hướng” có nghĩa hẹp, có nghĩa rộng. Nghĩa hẹp mà nói, chính là mỗi niệm ngưỡng vọng thế giới Tây Phương Cực Lạc; một cái phương hướng, hướng đến Tịnh Độ Tây Phương, như thế có thể vãng sanh, đây là thuộc về Sự, có thể được Sự nhất tâm. Nếu dùng nghĩa rộng mà nói, “Nhất” là pháp giới nhất chân, hướng đến pháp giới nhất chân. Phàm phu, Nhị thừa, Quyền giáo Bồ Tát không hiểu được pháp giới nhất chân, không vào được pháp giới nhất chân, cho nên vọng tưởng, chấp trước, chướng ngại trùng trùng.
Có thể thấy được Pháp giới nhất chân, thì thành Phật rồi, chính là kiến tánh thành Phật mà nhà Thiền đã nói. Nhất chân chính là chân tánh, chân tâm. Tất cả pháp duy tâm sở hiện, mười pháp giới y chánh trang nghiêm (nhiều tầng không gian khác) là do thức biến ra. Có thể theo cái phương hướng nhất tâm chuyên niệm, sẽ được Lý nhất tâm bất loạn, đây gọi là biết niệm Phật, công phu dễ dàng có lực.
Hiện tượng của công phu có lực, chính là vọng tưởng, phiền não, phân biệt, chấp trước mỗi ngày giảm ít, trí huệ cũng sẽ dần một thêm lớn, tâm địa ngày một thanh tịnh hơn, tự nhiên liền sẽ buông xả. Họ có thể từ bi, họ chịu niệm Phật, đây chính là hiện tượng của công phu có lực. Chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày, những hiện tượng này không có xuất hiện, vì vẫn còn mê hoặc điên đảo rất nặng nề, do đó công phu không có lực.
Phương Pháp Tu Trì (phần 4)
Người vãng sanh, thực tế mà nói, chỉ có hai hạng người, một loại là người thượng căn lợi trí, họ có thể chân thật thông đạt chân tướng sự thật, cho nên họ không hoài nghi, không xen tạp, tịnh niệm nối nhau mà vãng sanh. Ngoài ra có một loại là người ngu, chính là ông già bà lão thông thường, họ cái gì cũng không biết, không hiểu, chính là một câu A Di Đà Phật, một lòng một dạ niệm đến cùng, loại người này cũng có thể vãng sanh. Còn một số người trong đó, họ không phải thượng trí, không phải hạ ngu, vậy thì khó rồi, bởi vì họ có phân biệt, có tri kiến, đây chính là chướng ngại. Chúng ta phải bình lặng mà nghĩ xem, chính mình rốt cuộc là hạng người nào.
Học thượng trí khó, học hạ ngu chỉ cần chân thật chịu học là có thể học ra được, chính là phải đem tất cả phải buông xuống. Quan trọng nhất, chính là danh vọng lợi dưỡng phải buông xuống. Lợi dưỡng bao gồm năm dục sáu trần, danh vọng bao gồm quyền lực địa vị, chúng ta một mực đều không tiêm nhiễm, một lòng lão thật niệm Phật, một lòng phục vụ đại chúng.
Pháp sư Đàm Hư ở phía sau “Niệm Phật luận” có nói đến, ngay trong người xuất gia có một người là thầy Tu Vô, đó là một người hạ ngu, cái gì cũng không hiểu. Trương Thị ở chùa Thanh Đảo núi Trạm Sơn, chồng của bà làm nghề kéo xe. Một ngày không đi làm thì không có cơm ăn, mỗi chủ nhật chùa Trạm Sơn có pháp hội cộng tu, bà đều đến nhà bếp giúp rửa chén, làm những việc khổ cực. Người ta vãng sanh tự tại, thù thắng. Đó chính là người hạ ngu. Người hạ ngu có thể vãng sanh, người tuyệt đỉnh thông minh trí huệ cũng có thể vãng sanh. Một số người ở giữa thì khó rồi. Khó, đều là chính mình tạo thành chướng ngại, tranh danh đoạt lợi, ham hố lợi dưỡng.
Người niệm Phật, miệng niệm Phật hiệu, trong lòng không đoạn phiền não, đây là không thể thành tựu. Cần phải miệng niệm, tâm cũng phải niệm. Tâm miệng phải có thể tương ưng, công phu mới có thể đắc lực. Đắc lực chính là có thể hàng phục được vọng tưởng phiền não. Phục lâu rồi thì được định, thì thành tựu tam muội (thiền định). Định lâu rồi thì khai huệ. Trí huệ vừa khai, tức chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển sanh tử thành Niết Bàn, đây là đã thành tựu. Công phu chỉ cần có lực, vọng tượng phiền não có thể hàng phục được liền có thể đới nghiệp vãng sanh. Đây là chỗ thù thắng của pháp môn này so với tất cả pháp môn khác, chỉ cần chịu dụng công thì mỗi người đều có năng lực làm được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *