Tịnh Độ

Như thế nào là nguyện vãng sanh? – Lão Cư Sĩ Diệu Âm giảng giải

Như thế nào là nguyện vãng sanh? - Lão Cư Sĩ Diệu Âm giảng giải

Niệm Phật vạn người tu vạn người được vãng sanh, muôn người tu muôn người được vãng sanh. Câu này ứng dụng ngay ở chỗ lúc “lâm chung người nào làm được đầy đủ Tín Nguyện Hạnh thì được vãng sanh” đây. Niệm Phật mà không có niềm tin, xin thưa với chư vị, dù cho niệm Phật 50 năm, niệm Phật suốt đời cũng không được vãng sanh.

Người niệm Phật mà thiếu niềm tin thường chạy vay đầu này, mượn đầu nọ, thấy cái gì hay hay lạ lạ cũng chạy theo. Tu hành quá xen tạp thì nhiều lắm cũng chỉ có thể hưởng một thứ phước báu hữu lậu nào đó trong sáu đường luân hồi, chứ còn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì còn xa vời vợi. Tông chỉ của pháp môn niệm Phật lạ lùng lắm, không giống như những pháp môn khác đâu. Pháp môn này được gọi là “Môn Dư Đại Đạo”, một đại pháp có qui luật nằm ngoài tất cả các pháp môn khác. Tất cả những pháp môn khác đòi hỏi phải đoạn diệt cho sạch nghiệp chướng rồi mới được thành tựu. Riêng Pháp Môn Niệm Phật, những người đã được vãng sanh hình như nghiệp chướng vẫn còn tràn trề, nhưng người nào tin sâu nguyện thiết thì được vãng sanh. Cho nên không có niềm tin không thể vãng sanh vậy.

Đại Thế Chí Bồ Tát dạy rằng, chỉ cần thành tâm niệm Phật, không cần vay mượn bất cứ một pháp nào khác, tâm tự khai mở. Người chuyên nhất niệm Phật là thể hiện đầy đủ niềm tin. Ngài Thiện Đạo đại sư dạy rằng, một vị cao tăng tới bảo ta bỏ câu A Di Đà Phật để Ngài chỉ cho một pháp môn vi diệu hơn, ta không bỏ. Một vị đã đắc Thánh quả A La Hán bảo ta hãy bỏ niệm Phật để chỉ cho một pháp trực chỉ chân tâm, minh tâm kiến tánh tức khắc thành Phật, ta không bỏ. Ngài còn nói mạnh hơn, dẫu cho chư Phật, chư Bồ Tát phóng đại quang minh bao trùm pháp giới, bảo ta bỏ câu A Di Đà Phật, nhất định ta cũng không bỏ. Vững vàng như vậy mới gọi là niềm tin vững.

Chúng ta tới đây niệm Phật mà nghĩ rằng câu A Di Đà Phật này không đủ để ta vãng sanh, thì xin thưa với chư vị, dẫu cho niệm Phật 50 năm, 60 năm cũng chỉ hưởng một cái phước nào đó trong lục đạo luân hồi chứ không thể vãng sanh được. Nếu khi ra đi mà thân tướng cứng đơ, xin đừng đổ thừa rằng pháp môn niệm Phật không linh diệu nhé. Chỉ vì niềm tin không vững mà đưa đến thảm trạng này đấy.

Có tin sâu mới nguyện thiết. Nguyện thiết là tha thiết cầu xin được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Khi bệnh xuống, chúng ta tha thiết nguyện vãng sanh. Nghiệp chướng tới, chúng ta tha thiết nguyện vãng sanh. Đêm qua bị trộm vào nhà ăn cắp, chúng ta cũng nguyện vãng sanh, chứ không phải căm giận kẻ tham lam kia mà tìm cách trả thù. Hãy nghĩ rằng, trong nhiều đời kiếp trước chúng ta đã ăn cắp của người, bây giờ người tới ăn cắp lại thì huề. Thôi!… Buông đi, bỏ đi. Hãy nghĩ rằng, thế giới này khổ quá mà tìm cách về miền Cực Lạc sớm. Hãy lấy tất cả cảnh khổ của thế gian làm tấm gương soi thấu cảnh chán chường ở cõi đời này mà nuôi dưỡng ý chí vãng sanh. Đây gọi là nguyện thiết. Hai điểm tin sâu và nguyện thiết này vô cùng quan trọng.

Đã tin sâu, nguyện thiết thì tự nhiên ngày đêm niệm câu A Di Đà Phật. Nhìn thấy những ông già, bà lão hiền từ ngày đêm niệm Phật cầu vãng sanh, khi hộ niệm cho quí Cụ, ta có thể đoán trước rằng 90% các Cụ sẽ được vãng sanh. Còn gặp người ưa khoe giỏi, khoe tài, tu hành không có định hướng rõ rệt, lại ưa lý luận đủ điều huyền diệu, thì đường vãng sanh của họ chúng ta không dám đoán đến một phần trăm nào. Tại sao vậy? Vì theo lời Phật, lời Tổ dạy, kèm theo những kinh nghiệm hộ niệm đã cho chúng ta một kinh nghiệm rằng, sự thành tựu của họ vô cùng hiếm hoi. Tu hành quá nhiều thứ là một sự đại kỵ của pháp môn niệm Phật vãng sanh vậy.

Mong chư vị nắm rõ những qui tắc căn bản này để xác định lập trường đứng đắn, lập hạnh niệm Phật vững vàng, để một đời này cùng nhau vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, thành tựu đạo quả.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nguồn: Niệm Phật Cầu Sanh Tịnh Độ – Lão Cư Sĩ Diệu Âm giảng giải

Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *