Ăn chay, Tịnh Độ, Văn hóa xã hội

Ngài Tịnh Không không khuyên chúng ta ăn chay mà ngài khuyên chúng ta niệm phật

Mười niệm vãng sanh
(Tọa Đàm 30)
Hòa Thượng Tịnh Không không khuyên chúng ta ăn chay mà Ngài chỉ khuyên chúng ta niệm Phật. Ngài nói cứ khuyên người ta niệm Phật thì một thời gian sau tự động người niệm Phật ăn chay. Nếu chúng ta niệm Phật một thời gian mà vẫn còn thèm miếng thịt của chúng sanh, thì coi chừng đường niệm Phật chúng ta có điều sơ suất!…
Người niệm Phật muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì cái thân xác này là thứ tạm bợ, ta phải biết coi nhẹ thì khi lâm chung mới được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu mình biết cái thân xác này là tạm bợ mà lấy thân xác của chúng sanh để nuôi cái thân xác của mình thì thật sự ta có điều sơ suất! Hay nói thẳng ra là cái tâm Bồ-đề vãng sanh thành Phật của chúng ta có điều sơ suất!…
Chính vì vậy mà tất cả chư Tổ đều nhắc nhở chúng ta nên mở cái tâm đại từ đại bi ra thương xót chúng sanh, đừng nên đóng cái tâm từ bi lại. Dùng xác thịt của chúng sanh mà nuôi cái xác thịt của mình, thật là điều không nên.
Ngài Tịnh Không không dạy chúng ta ăn chay vì Ngài tin tưởng khi một người phát tâm niệm Phật, thì nhờ cái âm đức của danh hiệu A-Di-Đà Phật làm cho chân tâm tự tánh của chúng ta sớm ngày hiển lộ. Chơn tâm tự tánh chúng ta có đức từ bi, có đức háo sanh, thanh tịnh. Nếu chúng ta tu một thời gian mà tâm từ bi chưa phát ra, thì rõ rệt là sự phát tâm của chúng ta có điều sơ suất!…
Trở về vấn đề hộ niệm, khi mình hộ niệm mà không nhắc nhở đến vấn đề trai chay thanh tịnh cũng có điều sơ suất. Trước đây ở Việt Nam, có một ban hộ niệm kia, hộ niệm cho một vị nọ, nhưng kết quả bị mất vãng sanh, lúc đó Diệu Âm có về Việt Nam.
Diệu Âm hỏi tại sao vậy? Thì ban hộ niệm nói rằng: “Khi chúng tôi tới hộ niệm mà gia đình xào nấu thức ăn bay lên tanh quá, chịu không nổi! Chúng tôi ráng cố gắng niệm cho tới tám tiếng đồng hồ rồi, nhưng chịu không nổi nữa, có nhiều người đang hộ niệm phải đi ra ngoài ói!…”.
Khi Diệu Âm nghe như vậy mới ghi nhớ trong lòng, để có dịp thưa lại với chư vị. Khi mình đi hộ niệm cho một gia đình, dù là người bệnh đó ở trong ban hộ niệm, có thường niệm Phật, cũng phải nhắc nhở tới điều này. Sự nấu nướng trong nhà nhất định phải cẩn thận!…
Hôm qua chúng ta nói đến mùi tỏi, mùi hành, mùi hành tây, mùi nén, mùi hẹ, tức là loại ngũ tân mà ướp vào trong thịt cá, người ăn thịt cá thì họ thấy thơm lắm!… Ngon lắm!… Nhưng người niệm Phật, người hộ niệm, người ăn chay rồi, họ chịu không nổi mùi này đâu!…
Cũng giống như hút thuốc lá vậy, thực ra mùi thuốc lá hôi lắm! Nhưng lúc mình đang hút thuốc, mình bị nhiễm mùi hôi đó rồi nên không thấy hôi, mà lại thấy nó thơm!… Khi bỏ hút thuốc đi, đứng bên một người hút thuốc lá mình chịu không nổi! Giống giống như vậy.
Cho nên người bệnh đó bị mất phần vãng sanh thật ra quá oan uổng!… Mà tôi cũng trách ban hộ niệm đó luôn. Tôi nói:
– Tại sao trước khi chư vị hộ niệm không đưa cái bản nội quy ra, căn dặn người nhà cho thật kỹ?…
Thì các vị hộ niệm đó nói:
– Nhưng mà vị này cũng có trong ban hộ niệm, thỉnh thoảng cũng có đi hộ niệm, chúng tôi tưởng đã biết hết rồi.
Tôi nói:
– Không phải! Người đó đi hộ niệm, nhưng chưa chắc gì người nhà của người đó hiểu biết về hộ niệm.
Xin thưa với chư vị, ngài Tịnh Không nói rằng, khi mùi tỏi, mùi hành… bay ra thì chư vị Thiên-Long Hộ- Pháp đành phải lánh xa. Ngược lại chư vị trong các pháp giới ô trọc người ta lại thích mùi đó. Một vị ở bên Âu Châu có một năng lực lạ lùng, khi vào trong nhà của một người nào, vừa bước tới cửa thì anh có cảm giác biết liền cái nhà này có âm khí hay không. Khi biết có âm khí như vậy, anh thường đi thẳng vào trong bếp, thì phát hiện ra có nhiều loài “Ma Xó”, nhiều loài chúng sanh vô hình ẩn náu trong xó bếp để tranh nhau hưởng cái mùi hôi đó.
Một gia đình trường trai, ăn chay, thanh tịnh niệm Phật thì không có chuyện này. Những người nấu có mùi ngũ tân nhiều thường thường đều có hiện tượng này. Một khi có chúng sanh ẩn náu trong bếp, thì âm khí tỏa ra rất nặng, ảnh hưởng đến những người đang sống. Trong kinh Phật nói, người ăn ngũ tân khi ngủ thì các vị đó tới liếm môi của mình, hút cái hơi của mình để hưởng. Thật không tốt! Từ trường của họ ảnh hưởng rất nguy hại cho vấn đề tâm linh, thoát nạn của chính mình.
Hòa Thượng Tịnh Không thì không nhắc đến vấn đề ăn chay, đó là phương tiện thiện xảo của Ngài. Ngài muốn người niệm Phật để cho tâm từ bi ứng hiện, hầu hết những người niệm Phật sau cùng rồi ai cũng ăn chay hết, chứ không phải là Ngài xúi giục người ta ăn mặn đâu.
Một đời của ngài Ấn-Quang, chú tâm đến hai điểm: Một là “Trai Chay – Thanh Tịnh”; Hai là Niệm Phật. Nghĩa là ăn chay và niệm Phật.
Đời nhà Thanh, ngài Mặc-Âm là một vị Thiền Sư, nhưng trước khi Ngài tịch, Ngài dặn lại hàng đệ tử tại gia cũng như xuất gia hai điểm. Ngài nói: “Các ngươi muốn giải thoát thì hãy bắt chước ông già bà lão “Ăn Chay” và “Niệm Phật” cho tinh chuyên là được”. Ngài cũng dặn vấn đề ăn chay, niệm Phật. Một người muốn đi về Tây Phương mà phải sử dụng tới thân thể của chúng sanh để nuôi dưỡng cái thân này, chẳng lẽ dùng cái bao tử của mình làm thành nấm mồ chôn xác chúng sanh mà tốt lắm sao?!…
Có nhiều vị Tổ Sư nói: “Đừng biến thân thể của mình thành cái nghĩa địa!”. Cái nghĩa địa âm khí nặng lắm, không thể nào về Tây Phương được!… Ngài đại lão Hòa Thượng Trí-Tịnh nói: “Người nào ăn mặn quyết không thể nào vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc được”. Có nhiều vị rất chú trọng về chuyện ăn chay, là vì các Ngài sợ mình tu hành mà mất phần vãng sanh.
Còn chúng ta khi nghe kinh Phật, Phật nói: “Dẫu cho một chúng sanh tạo ngũ nghịch thập ác nhưng sau cùng giác ngộ, niệm Phật mười niệm cũng được vãng sanh”. Thấy vậy mình nói ta chưa có tạo ngũ nghịch thập ác thì ta ăn mặn, sát hại chúng sanh cũng được có sao đâu? Nhưng thật ra hai ý nghĩa khác nhau. Phật nói là những người ngũ nghịch thập ác mà biết hồi đầu, sám hối, niệm Phật mười niệm cũng được vãng sanh. Cái câu “Hồi đầu sám hối” này quan trọng lắm!…
Đây là một điểm chứng tỏ rằng câu A-Di-Đà Phật năng lực bất khả tư nghì. Có người một đời làm ác như Chung-Thiện-Hòa, sát hại chúng sanh, nhưng sau cùng có một niệm hồi đầu vẫn được vãng sanh. Nhưng mình cũng thường hay nghe các vị Tổ Sư đưa ra những hình tướng là có người niệm Phật mấy chục năm, mà sau cùng không được vãng sanh. Lý do chính là ở chỗ: “Không chịu hồi đầu!”…
Hôm trước chúng ta cũng có nói rằng: “Không sợ lắm người không tu, nhưng sợ nhất là người tu mà không chịu thay đổi!”…
Thường thường trong gia đình chúng ta, có người không tu, có người có tu. Ta là người có tu, hãy giữ vững đường tu để tìm cách lôi kéo những người không tu đi theo đường tu, đó mới là tốt. Đừng nên vì những người không tu mà mình lại lôi cái căn cơ tu hành của mình lại, bỏ đường tu hành để hòa hợp với người không tu. Đây là điều vô cùng nguy hiểm!… Xin nhớ cho kỹ điều này.
Trong đời này chúng ta là vợ chồng, là cha con… Xin thưa, chỉ là cái duyên, cái trái, cái oán, cái ân mà gặp nhau trong đời này. Sau khi chết rồi thì đường ai nấy đi, nhất định đời sau không dễ gì gặp lại, không dễ gì đi chung một đường.
Cho nên thương yêu nhau, chúng ta nên nhớ cố gắng lôi kéo những người đang chìm trong bể khổ sông mê đó trở về bến giác, thì đó mới là thương yêu nhau thực sự, đừng nên hạ cấp chữ “Giác” của mình xuống để chung bè với những người đang “Mê”. Sau cùng, lỡ rằng ta đọa lạc làm sao cứu được người thân đây?…
Một điều nữa, khi hiểu đạo một chút, thì ta biết rằng người thân của ta không phải chỉ là một ông chồng, một người vợ, hai-ba đứa con đâu… Mà chúng ta có vô lượng vô biên bà con quyến thuộc, cửu huyền thất tổ, vợ chồng, cha mẹ… Chúng ta có hàng tỉ người, vô số người thân quyến như vậy trải qua trong vô lượng kiếp. Người thực sự hiểu đạo thì phải nhắm tới cứu độ toàn bộ những người thân bằng quyến thuộc trong vô lượng kiếp đó mới đúng là giác ngộ. Đừng nên sơ ý, cứ chấp vào cái khung gia đình nhỏ bé mà hết một đời này ta bị mất phần vãng sanh. Như vậy sở dĩ bị mất phần vãng sanh không phải là ta không tu, mà…
– Tại vì ta tu mà không chịu sửa!…
– Tại vì ta tu mà không chịu giác ngộ!…
– Tại vì ta tu mà không chịu sám hối!…
– Tại vì ta tu mà không biết làm gương cho những người không tu, để một ngày nào đó họ ngộ ra, họ tu như ta vậy. Đó mới chính là đại từ đại bi…
Cho nên khi đi hộ niệm, nhất định vấn đề khuyên ăn chay, cấm ăn ngũ tân nên cẩn thận nhắc nhở. Đừng nên sơ ý, mà người nhà có thể làm cho người thân của họ bị mất phần vãng sanh. Thật là oan uổng!…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
CƯ SĨ DIỆU ÂM MINH TRỊ
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *