Giảng kinh, Hòa Thượng Tịnh Không, Tịnh Độ

[Media] Tiêu chuẩn của vãng sanh Tịnh Độ phải làm được điều đầu tiên trong Tam Phước

Địa Tạng Vương Bồ Tát
Tịnh Tông Học Hội thành lập, chúng tôi đề ra các công khóa mà các đồng học Tịnh Tông bắt buộc phải tu gồm năm môn, không nhiều lắm. Nhiều quá, sẽ thành quá rắc rối, phiền phức, hạnh môn càng đơn giản càng hay! Trong năm khoa ấy, thứ nhất là Tịnh Nghiệp Tam Phước xuất phát từ Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh (Thập Lục Quán Kinh). Đoạn kinh văn này là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất trong Tịnh Tông, quý vị chớ nên không biết! Phương hướng và mục tiêu của Tịnh Tông ở ngay trong một đoạn kinh văn ấy. Trong ba điều của Tam Phước, điều đầu tiên là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”. Chúng ta có làm được hay không? Vãng sanh Tịnh Độ mà nếu chẳng làm được điều này, sẽ chẳng thể vãng sanh; chẳng có tâm hiếu thuận đối với cha mẹ là không được rồi!
Kẻ suốt đời làm ác, lúc lâm chung gặp thiện tri thức khuyên dạy kẻ ấy niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, kẻ ấy thật sự nghe lời. Thật sự nghe lời là sám hối chân thật trọng yếu nhất. Nghiệp chướng từ vô thỉ và trong đời này, do sự sám hối ấy liền tiêu trừ. Tâm hiếu thuận thật sự dấy lên. Tuy kẻ ấy đã mạng chung, ngay lập tức vãng sanh, là do cái tâm hiếu thuận cha mẹ, tâm tôn sư trọng đạo thật sự dấy lên. Nếu cái tâm ấy chẳng dấy lên, kẻ đó sẽ chẳng thể vãng sanh, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Do đó, lâm chung gặp gỡ bạn lành, [nói] kẻ ấy có thiện căn hay không, chính là nói kẻ ấy có thật sự sám hối hay không. Thật sự sám hối, A Di Đà Phật tiếp nhận, sẽ tiếp dẫn kẻ ấy vãng sanh. Do sự sám hối ấy, sẽ đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện, có thể thành tựu hết thảy điều thiện trong một niệm. Chẳng phải là chuyện may mắn! Trong khi ấy mà có thể thật sự sám hối, chắc chắn là đời đời kiếp kiếp trong quá khứ người ấy đã tu hành khá lắm, nhưng đời này mê hoặc, chẳng gặp bạn lành, nên học theo những điều xấu! Khi lâm chung, có người cảnh tỉnh, thiện căn túc thế bèn phát hiện, sức mạnh sám hối ấy rất lớn, [kẻ ấy] thật sự quay đầu. Cổ nhân nói “lãng tử hồi đầu, kim bất hoán” (lãng tử quay đầu, vàng chẳng đổi). Kẻ ấy thật sự quay đầu, thật sự là người tốt; do điều kiện này, nên mới có thể vãng sanh. Vì lẽ đó, kinh Di Đà dạy: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy), đó là thiện căn. Suốt đời làm ác, thiện căn có thể hiện tiền, liền gặp được thiện hữu. Duyên này rất quan trọng, gặp được thiện hữu chỉ dạy, người ấy hoát nhiên minh bạch. Trong Phật pháp, chắc chắn chẳng có chuyện may mắn; toàn bộ đều là công đức chân thật, vì chúng ta thấy loại người như vậy vãng sanh rất nhiều. Khi xưa, chúng tôi không hiểu rõ giáo lý cho lắm, nên có nghi hoặc. Do được huân tu nhiều năm ngần ấy, cuối cùng chúng tôi vỡ lẽ: Khi ấy là do thiện căn chẳng thể nghĩ bàn trong đời trước phát hiện.
Đối với phước thứ nhất trong ba phước, nay chúng tôi đề xướng học tập Đệ Tử Quy. Vì sao học Đệ Tử Quy? Đệ Tử Quy là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng” được nói cặn kẽ. Chúng ta hiếu dưỡng phụ mẫu và phụng sự sư trưởng như thế nào? Làm được một ngàn lẻ tám mươi chữ của Đệ Tử Quy, quý vị liền làm được “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Do điều này có thể biết, Đệ Tử Quy là thực hiện “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, quý vị có thể chẳng làm ư? Nếu quý vị chẳng thể làm được, tức là chỉ niệm suông hai câu ấy! “Từ tâm chẳng giết”, chúng ta thực hiện câu này bằng Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Cảm Ứng Thiên giảng về thiện ác nhân quả tổng cộng một trăm chín mươi lăm điều. Chớ nên không hiểu giáo dục nhân quả! Chớ nói [chỉ có] ngôn ngữ, tạo tác thì mới có quả báo, [phải biết, ngay cả] khởi tâm động niệm cũng có quả báo, nói rất vi tế. Câu cuối cùng là “tu Thập Thiện Nghiệp”; đó là cội rễ trong Phật môn. Do đó, tôi nói: Câu này đã giảng về ba cội rễ. Cội rễ của Nho là Đệ Tử Quy, cội rễ của Đạo là Cảm Ứng Thiên, cội rễ của Phật là Thập Thiện Nghiệp. Vừa mở đầu, phải đặt vững ba cội rễ này thì quý vị sẽ có phước thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước…
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 11, tập 129.
Được gắn thẻ , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *