Tịnh Độ

Cách trì chú Lăng Nghiêm và học cho mau thuộc

Cách trì chú Lăng Nghiêm và học cho mau thuộc - Địa Tạng Bồ Tát
1. Dùng máy điện thoại ghi âm một hoặc hai câu trong bài Chú Lăng Nghiêm bằng chính giọng của mình.
Sau đó đeo tai nghe vào nghe đi nghe lại chỉ nhiêu đó thôi. Lúc nào nhẩm được hoặc niệm ra tiếng được thì niệm, không chỉ cần nghe đi nghe lại cũng được.
Nghe là cho thấm vào tiềm thức, niệm là cho miệng mình quen với sự chuyển động phát âm.
Như vậy một công đôi chuyện, thuộc câu này rồi chuyển sang câu khác.
Cách thức học bằng ghi âm và NGHE BẰNG GIỌNG CỦA CHÍNH MÌNH là một cách học tuyệt vời.
Đây cũng là “phản văn văn tự tánh”, mình xoay trở cái tánh nghe để nghe âm thanh của tự tánh.
Bây giờ ai cũng có máy điện thoại có thể ghi âm, rất đơn giản để làm.
2. Lam trì Chú Lăng Nghiêm được khoảng 15 năm – không quá nhiều so với các bậc cao niên trưởng thượng. Nhưng 15 năm đó cũng không hề ít so với các bạn mới bắt đầu bây giờ.
Bây giờ các bạn học, thì học bản dài, bản của Bát Lạt Mật Đế (般剌蜜帝) đem từ Ấn sang Hoa, bản mà trong Kinh Nhựt Tụng, bản mà Cố Thượng Nhân Tuyên Hóa giảng giải từng câu chú bằng các bài kệ, bản mà Hòa Thượng Phổ Quang hành trì, các bản này là một.
3. Chú Lăng Nghiêm, hay Phật Đảnh Quang Tụ Bạch Tản Cái có nhiều dị bản – nhứt là có sự khác biệt giữa Đông Mật và Tây Mật. Mà không phải Chú Lăng Nghiêm, thậm chí có những bản Chú khác cũng có sự khác biệt giữa Đông Mật và Tây Mật, ví như Chú Tara Xanh chẳng hạn.
Nên mình theo cái nào thì theo một cái cho thuần, đừng cắt đầu này thêm đầu kia.
4. Đọc bản dài có diệu dụng của bản dài, bản ngắn có tác dụng của bản ngắn.
Vạn Pháp đều bao hàm về tâm, hay quy về Phật.
Niệm một chữ “Phật” cũng có thể vãng sanh, đắc quả nếu thành tâm mà niệm chứ không cứ gì phải niệm sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật”.
Dẫu niệm một chữ vẫn vãng sanh, nhưng ta vẫn nên niệm Nam mô A Di Đà Phật sáu chữ để tỏ rõ lòng thành, để tâm mình chuyên chú, để giữ gìn Phật Pháp.
Niệm Chú Lăng Nghiêm, niệm bản ít chữ cũng được, niệm tâm chú thôi cũng được; dẫu vậy mình vẫn nên niệm bản dài cho đầy đủ để hiển bày công đức Phật, kêu gọi sự ủng hộ của Thánh Chúng và để có sự truyền thừa không đứt đoạn.
5. Chú Lăng Nghiêm là cực diệu, cực thiện, cứu lấy chúng sanh vạn loài. Mình niệm Chú Lăng Nghiêm là đem đến chánh khí cho trời đất, cho nơi mình sanh sống.
Trong vòng 12 do tuần, nơi mình niệm Chú Lăng Nghiêm thì các tà ma, chú trớ, các tai nạn đều lắng dịu.
6. Niệm Chú cho linh nghiệm tất nhiên cần ăn chay, giữ giới.
Nhưng nếu mình chưa ăn chay được, chưa trọn giới được thì vẫn cứ nên trì, lâu dần tự nhiên nhờ oai lực của Chú mà mình sẽ ăn chay được, giữ giới được. Quan trọng là niệm Chú. Khi mình suy nghĩ nhiều để không niệm Chú chính là ma tà trong tâm mình ngăn trở đó.
7. Mình lỡ phạm giới thì mình càng nên trì Chú, để khôi phục giới, để chuyển hóa hạt giống bên trong mình.
8. Không có yêu qua, quỷ quái nào để hàng phục, cũng chẳng có bệnh tật nào cần chữa, không có nghiệp nào để tiêu; tất cả đều chỉ là nhân duyên tụ hợp, nhân quả nối nhau trùng trùng. Dùng cái thấy tánh không mà trì, dùng tâm từ bi mà trì thì bệnh nào cũng tiêu, nghiệp nào cũng tán, ma nào cũng quy hàng.
Niệm Chú trước chính là để lòng mình thanh tịnh.
Tâm mình thanh tịnh thì mọi sự đều thanh tịnh.
9. Nếu cảnh giới cao mình không thể tới thì cứ lần lần mà đi, không có gì phải vội.
Bây giờ mình chưa khai ngộ, thì kiếp sau, kiếp sau nữa mình từ từ khai ngộ.
Nên đừng nghe ai nói niệm cái này, cái kia một đời thành Phật, đắc quả là mình chạy theo.
Mình muốn thành Phật thì cũng phải thành Phật sau Ngài Bồ-tát Di Lặc chứ đâu phải muốn thành là thành bây giờ liền đâu. Mà còn lâu lắm Bồ-tát Di Lặc mới ra đời, ra đời rồi giáo hóa chúng sanh cũng lâu vô tận. Đến lúc mình thành Phật con số đó còn lâu xa biết bao nhiêu? Miễn là mình luôn giữ tâm theo Phật, còn khi nào thành Phật thì chờ Phật thọ ký khắc biết.
Mình phải làm Bồ-tát trước, phải học hỏi, phải phục vụ chúng sanh thông qua các pháp Ba-la-mật.
Ngộ thì có thể đốn ngộ – ngộ liền ngay tức khắc; nhưng tu là phải tiệm tu – tu từ từ. Các Thiền Sư đại triệt đại ngộ đi chăng nữa cũng cần phải thông qua nhiều năm nhiều tháng un đúc, rồi dẫu có ngộ rồi cũng từ đó mà tu tiếp đâu có dừng nghỉ.
10. Ngày nay hay bàn huyền nói diệu, nói lý hơn thua. Bạn không nên đi vào con đường đó.
Bây giờ Chú mình chưa thuộc thì học cho thuộc.
Thuộc rồi thì ráng mà hành trì.
Ai nói gì mình đừng xen vào, cũng không tranh luận.
Tranh luận không bằng niệm Chú.
Cãi nhau không bằng niệm Chú.
Sân si với người khác không bằng niệm Chú.
Dành thời gian mà sống phục vụ và niệm Chú là được.
Giữ tâm mình thanh tịnh nhé.
Lam sơn trang,
04/04/2021
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *