Thiền Tông

Trúc Lâm tam tổ là ai?

Tam tổ Trúc Lâm

Khi nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và thiền phái Trúc Lâm nói riêng, các nhà nghiên cứu vẫn thống nhất rằng: Tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông (1258 – 1308), tổ thứ hai là Pháp Loa (1284 – 1330), và tổ thứ ba là Huyền Quang (1254 -1334).

Gần đây khi đọc cuốn sách Toàn tập Trần Nhân Tông của tác giả Lê Mạnh Thát (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000) tại Chương IX, Vua Trần Nhân Tông với thiền phái Trúc Lâm ở trang 327 tác giả viết: “Nói tới vị tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm, ta phải kể tới Kim Sơn, chứ không phải Huyền Quang. Trong các tư liệu hiện còn trừ sách Tam tổ thực lục ra, không có bất cứ tài liệu nào gọi Huyền Quang là tam đại thiền tổ cả, mà chỉ gọi là “tự pháp”, tức nối dõi dòng pháp của Pháp Loa…. Việc trình bày lịch sử phát triển của thiền phái Trúc Lâm qua ba vị tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, và Huyền Quang có thể nói là một sáng tạo đặc biệt của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 18” và ở trang 335 (cũng sách trên) tác giả viết: “Thực tế, như ta đã thấy, Huyền Quang, ngoại trừ Tổ gia thực lục, chưa bao giờ được gọi là Trúc Lâm tam đại thiền tổ cả. Ngược lại đây là mỹ hiệu mà vua Trần Minh Tông đã dùng trước khi băng hà để gọi thiền sư Kim Sơn. Vậy thì tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm phải là Kim Sơn, chứ không phải Huyền Quang”.

Viết như trên liệu đã chính xác xưa? Ngoài việc trích dẫn sách Thánh Đăng ngữ lục chép việc vua Trần Minh Tông suy tôn Kim Sơn là Trúc  Lâm tam đại thiền tổ (Vua sắp băng hà, có kệ trình Kim Sơn nói: Đệ tử không ở trong bệnh cảnh gửi cho thiền tổ đời thứ ba Trúc Lâm… Lại viết thư mời Kim Sơn đến tăng phòng Động Tiên xem bệnh), không thấy tác giả đưa ra bất cứ dẫn chứng nào khác. Nếu căn cứ vào đoạn trích trên của Thánh Đăng ngữ lục, tác giả Lê Mạnh Thát kết luận vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm là Kim Sơn là không có cơ sở, tác giả còn cho rằng, trừ Tam tổ thực lục ra không có bất cứ tư liệu nào gọi Huyền Quang là tam đại thiền tổ càng khó thuyết phục được người đọc. Tác giả nêu lên giả thiết về sự ra đời của sách Tam tổ thực lục trong đó có phần viết về tiểu sử Huyền Quang sao lại từ bản Tổ gia thực lục, và cho rằng bản sách này có lịch sử khá ly kỳ, nhiều chi tiết hoang đường. Vì thế,  tác giả cho rằng Tổ gia thực lục viết Huyền Quang được tôn là tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm không đáng tin cậy. Đó chỉ là sáng tạo của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII, đồng thời qua lời vua Trần  Minh Tông chép trong Thánh đăng ngữ lục tác giả kết luận vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm là Kim Sơn.

Đây là vấn đề hết sức quan trọng, không nên kết luận vội vàng khi tư liệu chưa rõ ràng, chúng tôi cho rằng viết như vậy không chính xác. Trước hết, xin sơ qua về sự ra đời của Tam tổ thực lục (Có lẽ chúng ta không bàn đến vấn đề Tam tổ thực lục và Thánh Đăng ngữ lục văn bản nào đáng tin cậy hơn, chúng ta nên tin theo sách nào).

Tam tổ thực lục là tập tiểu sử chi tiết về ba người sáng lập thiền phái Trúc Lâm đời Trần: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Bộ sách ra mắt độc giả lần đầu vào năm 1765. Đó là bản “lưu tại chùa Lân Động núi Yên Tử, để cho đời sau” tiện dùng, do Sa môn Quảng Điền và Sa môn Hải Lượng trùng đính, trùng san. Trong lời Tựa bản in sớm nhất năm 1675 mặc dù quá cũ và mối ăn mất nhiều ta vẫn đọc được một phần. Theo người viết tựa thì “từ trước vẫn có [những bản] ghi chép về ba vị tổ [phái Trúc Lâm] triều Trần, đã thành văn chương, và được liệt vào “đồ tịch” để cho người [đời noi theo]”. Sách đã được “lưu truyền rất lâu. Nhưng than ôi! [lẽ thường] thời vận lúc hưng lúc suy trải qua thời gian, chính bản cũng bị hỏng nát, lâu ngày thành ra thất truyền”. Trước tình hình đó, soạn giả đành phải lấy chuyện thứ nhất từ sách “…. Đăng lục. Và sao lại một cách sơ lược bài bia cổ chùa Hương Hải” để làm truyện thứ hai. Rồi thu nhập thêm chương “[Thiền đạo ] yếu học để tiện quan lãm. Rồi đến Trúc Lâm [đệ tam tổ Bản] hạnh. [Tất cả] gộp thành một bộ sách”. Thế nghĩa là bộ sách Tam tổ thực lục hiện nay chỉ là một bộ sách mới, được chính thức khai sinh vào năm 1765 với công sức của các nhà sư Quảng Điền, Hải Lượng và một số người khác, để thay thế cho một bộ Tam tổ thực lục đời Trần đã thất truyền. Nhưng lời tựa này liệu có chính xác không? đọc kỹ lại phần tiểu sử của đệ nhị tổ Pháp Loa ta có thể xác nhận lời tựa bản Tam tổ thực lục năm 1765 là đúng. Tấm bia Đệ nhị đại tổ bi trùng tu sự tích kí bia được khắc ngày 10 tháng chạp năm Chính Hoà thứ năm (tức ngày 14 tháng giêng năm 1685) tại chùa Hương Hải (1). Nội dung hoàn toàn phù hợp với truyện Pháp Loa ghi trong Tam tổ thực lục. Mà về thời gian, bia lại được “trùng san” 80 năm trước khi Tam tổ thực lục xuất hiện. Huyền Quang là một nhân vật lịch sử có thật đời Trần. Việc giặc Minh cướp phá sách vở của nước ta vào đầu thế kỷ XV là một việc có thật. Hơn nữa nhiều tình tiết trong truyện rất khớp với lịch sử. Bài thơ nôm của Điểm Bích tuy bóng bẩy nhưng kết cấu ngữ pháp và từ dùng đều khá cổ. Do đó, không có lý do gì để nói đây không phải là một tác phẩm thời Trần. Cuối bản Tổ gia thực lục ghi Huyền Quang được thuỵ là Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang tôn giả không phải là vô căn cứ.

Vả lại, việc Huyền Quang được tôn là tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, đã được ghi nhận trước khi Tam tổ thực lục ra đời hàng trăm năm. Điều này được minh chứng rõ ràng qua một số văn bia hiện còn tại chùa Côn Sơn – nơi thiền sư Huyền Quang trụ trì và viên tịch. Ở đây chúng tôi chỉ dẫn những tấm bia có niên đại trước khi Tam tổ thực lục được công bố năm 1765.

Tấm bia Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi dựng năm Hoằng Định 3 (1602)(2) cho biết: “Tích vi Minh Tông Hoàng Đế Nam Việt Trần triều học đạo tu thân đắc thành Phật quả, truyền dĩ tông phái tổ sư đệ tam Huyền Quang kế thế Côn Sơn Tư Phúc danh lam… (Xưa vào triều Trần Minh Tông hoàng đế nước Nam Việt, người tu hành đắc quả nối dòng tông phái của Tổ có tổ thứ ba là Huyền Quang nối đời tu trì tại danh lam Tư Phúc Côn Sơn…)“.

Văn bia Trùng Tu Tư Phúc Tự bi dựng năm Hoằng Định 14 (1613)(3) viết “Nguyên tích Trần triều Minh Tông Hoàng đế đệ tam tổ sư, tự pháp Huyền Quang Ma Ha đại tôn giả, tu hành thành đẳng chính giác, danh lam cực lạc cổ tích Côn Sơn lưu truyền Tư Phúc” (Nguyên xưa thời Minh Tông hoàng đế triều Trần đệ tam tổ sư, kế thừa giáo pháp Huyền Quang Ma Ha đại tôn giả, tu hành thành đấng chính giác nơi danh lam cực lạc cổ tích Côn Sơn, lưu truyền là chùa Tư Phúc).

Tấm bia Phụng lệnh dụ cung cấp tam bảo tạo lệ bi kí dựng năm Thịnh Đức thứ 1 (1653)(4) viết “Trần triều hoàng đế xuất gia Trúc Lâm đầu đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự  vương Phật

Xuất gia Trúc Lâm đầu đà Tịnh Tuệ đệ nhị Pháp Loa tôn giả.

Xuất gia Trúc Lâm đầu đà Tịnh Huệ đệ tam Huyền Quang tôn giả.

Hoàng Đế xuất thế kể thử dĩ lai danh hiệu lưu truyền đệ tam Côn Sơn Tư Phúc tự….” (…. Hoàng đế triều Trần xuất gia Trúc Lâm đầu đà Tịnh Huệ Giác Hoàng Điều  Ngự vương phật.

Xuất gia Trúc Lâm đầu đà Tịnh Huệ đệ nhị Pháp Loa tôn giả.

Xuất gia Trúc Lâm đầu đà Tịnh Huệ đệ tam Huyền Quang tôn giả.

Hoàng Đế xuất thế từ đó đến nay danh hiệu lưu truyền đến đệ tam Côn Sơn Tư Phúc tự…)

Như vậy, khi khẳng định: Trừ Tam tổ thực lục ra, không có bất cứ tư liệu nào gọi Huyền Quang là tam đại thiền tổ, tác giả Lê Mạnh Thát chưa đọc các văn bia chùa Côn Sơn. Thông tin trên các văn bia này giúp chúng ta củng cố nhận định Tổ gia thực lục mặc dù có lịch sử khá ly kỳ nhưng là tác phẩm ra đời vào thời Trần. Đồng thời, văn bia khẳng định Côn Sơn là chốn tổ – nơi vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm là  Huyền Quang trụ trì và viên tịch. Côn Sơn cùng với Yên Tử và Quỳnh Lâm được phật tử tôn là chốn tổ và từ lâu trong tâm thức dân gian đã lưu truyền câu ca:

  Côn Sơn Yên Tử Quỳnh Lâm

  Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa đành.

Như vậy, không phải đến khi Tam tổ thực lục ra đời, Huyền Quang mới được gọi là đệ tam tổ, mà chắc chắn, sau khi Pháp Loa mất (1330) ông là người kế thừa tông phái trở thành vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm. Ông trở về Côn Sơn như một ẩn tăng. Đây là tâm sự của ông khi đã trở thành tổ của phái Trúc Lâm:

  Đức bạc thường tâm kế tổ đăng,

  Không giao Hàn, Thập khởi oan tăng

  Tranh như trục bạn quy sơn khứ

  Điệp chướng sơn trung vạn vạn tầng (5).

      (Nhân sự đề Cứu Lan tự)

  Đức mỏng thẹn mình nối tổ đăng,

  Để cho Hàn, Thập mắc oan chăng!

  Chi bằng theo bạn về non quách,

  Núi biếc bao quanh mấy vạn tầng.

Thiền sư Huyền Quang thẹn mình đức mỏng mà được nối tổ đăng. Chẳng lẽ nối tổ đăng ở đây là nối dõi dòng pháp của Pháp Loa (như tác giả đã viết?) nếu nối dòng pháp của Pháp Loa thì với tài đức của mình Thiền sư Huyền Quang không phải trăn trở đến vậy. Nối tổ đăng rõ ràng là nối ngọn đèn thánh của các vị tổ Trúc Lâm, song do đã quá già nên dường như Huyền Quang không tích cực trong việc xây dựng giáo hội.

Qua những tư liệu vừa trình bày đã khẳng định Thiền sư Huyền Quang là đệ tam tổ Trúc Lâm chứ không phải như tác giả Lê Mạnh Thát viết: thực tế, như ta đã thấy Huyền Quang, ngoại trừ Tổ gia thực lục chưa bao giờ được gọi là Trúc Lâm tam đại thiền tổ cả. Chúng tôi cho rằng việc gọi là đệ tam tổ hay tam đại thiền tổ cũng chỉ nhằm minh chứng cho nhận định Huyền Quang có phải là vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm hay không mà thôi. Chúng tôi xin đưa  ra tư liệu chứng minh điều tác giả nói là không có căn cứ. Tại Đăng Minh bảo tháp ở phía sau chùa Côn Sơn (Đăng Minh là tháp mộ của nhà sư Huyền Quang). Còn giữ được tấm bia có niên đại Vĩnh Thịnh 15 (1719)(6) nói về quá trình tu sửa tháp, trong đó có đoạn viết “…..Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang tôn giả” (Trúc Lâm thiền sư đời thứ ba, đặc phong tự pháp là Huyền Quang tôn giả).

Theo ông Tăng Bá Hoành (Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương), người nhiều năm nghiên cứu về Trúc Lâm tam tổ, cho biết, trên bia tháp Viên Thông, tại chùa Thanh Mai (Thanh Mai Viên Thông tháp bi), khắc dựng năm Đại Trị ngũ niên (1362), phần cuối có dòng chữ: Trúc Lâm Đệ tam đại, tự pháp, trú trì, tông huyền Kim Sơn phụng thuyên,có nghĩa: Kim Sơn là người thừa kế, nối dòng pháp của Trúc Lâm Đệ tam tổ (Huyền Quang) ở đời sau, chủ trì việc khắc bia. Điều đó là hợp lý, bởi văn bia do Huyền Quang biên tập, theo Đoạn sách lục của Pháp Loa từ sau khi Pháp Loa qua đời (1330) 4 năm sau (1334), Huyền Quang cũng viên tịch, vì vậy, 28 năm sau (1365), Kim Sơn, chỉ là người thừa kế sự nghiệp của Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang, chủ trì việc khắc bia. Đoạn văn trên cho thấy, Kim Sơn không phải là vị tổ thứ ba.

Tóm lại, việc Huyền Quang được tôn là vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm là có cơ sở chắc chắn chứ không phải là “một sự sáng tạo đặc biệt của Phật giáo Việt Nam“. Chúng tôi không phủ nhận những ghi chép trong Thánh đăng ngữ lục nhưng cũng phải nhìn nhận đó là lời của một cá nhân – vua Trần Minh Tông khi ông sắp mất, không nên dựa vào một câu  nói để kết luận vấn đề. Sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm trải qua cả một quá trình. Nhìn lại quá trình này ta thấy vai trò của Huyền Quang trong giáo hội là không phải bàn cãi. Ngược lại, ngoài những gì chép trong Thánh đăng ngữ lục không có tư liệu ghi chép về vị trí cũng như đóng góp của Kim Sơn đối với sự phát triển của thiền phái Trúc Lâm, thậm chí chúng ta còn không biết ông sinh và mất năm nào. Ngay tác giả Lê Mạnh Thát khi nói về Kim Sơn cũng chỉ đưa ra giả thiết và dự đoán. Với nhiều điều chưa rõ ràng, thật khó có thể tin rằng vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm là thiền sư Kim Sơn./.

Chú thích:

1. Chùa Hương Hải, xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Thác bản văn bia mang số hiệu: 13507 – 13510 Thư viện Khoa học xã hội.

2. Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc Di sản Hán Nôm Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Sơn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.137.

3. Bản quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, sđd, tr.177.

4. Bản quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, sđd, tr.195.

5. Dẫn theo Viện triết học Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr.263 – 264.

6. Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, sđd, tr.223

* Bài đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số 287, tháng 7 năm 2007, tr: 19.

Lê Duy Mạnhconsonkiepbac

Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *