Thiền Tông

Tịnh tu ba nghiệp – Hòa Thượng Thích Nhật Quang

Tịnh tu ba nghiệp
Buổi sinh hoạt hôm nay tôi sẽ nói về cách thức chữa trị ba nghiệp thân, khẩu, ý. Trong ba nghiệp đó, ý nghiệp là quan trọng nhất.
Trước nhất tôi nói nguyên nhân khiến ba nghiệp tạo tội. Nói nguyên nhân tức là có nhân duyên, đủ nhân đủ duyên thì nguyên nhân này dẫn đến kết quả của nó. Nguyên nhân là năng lực, năng lực đó là nghiệp. Đã thành nghiệp rồi thì sẽ có quả báo.
Người hiểu Phật pháp, thấy rõ những nhân tố này khởi ra từ sự lầm mê. Hoặc nói, hoặc nghĩ, hoặc làm theo dấy khởi của ba nghiệp. Chúng ta thiếu tự chủ, thiếu tỉnh sáng sẽ dễ dàng chấp nhận theo tập nghiệp. Bởi vậy cho nên làm bất cứ việc gì, nói những lời gì hoặc suy nghĩ vấn đề gì, chúng ta đều phải nghiệm xét kỹ, để ngăn chặn ba nghiệp của mình, không cho nó tạo nhân bất thiện.
Phật dạy vô minh dẫn chúng ta đi tạo nghiệp. Vô minh là mê lầm, tăm tối. Bởi mờ mịt không tỉnh sáng, không làm chủ được ba nghiệp, cứ mặc tình tạo nhân đến khi thành quả rồi than khổ. Nếu chúng ta tỉnh táo, làm chủ được thì có thể nắm được vận mệnh của mình. Điều động được ba nghiệp đi theo những con đường lành. Tiến lên nữa là đi tới giác ngộ, giải thoát.
Muốn làm chủ được thì phải có trí tuệ. Nhờ có trí tuệ nên ý nghĩ tốt, miệng nói lời tốt, thân làm việc tốt. Lúc tụng kinh, khi tọa thiền hoặc làm tất cả công việc đều phải vận dụng trí tuệ. Đó là điểm then chốt của người tu. Có trí tuệ thì không có vô minh. Còn một chút vô minh, nó cũng sẽ dẫn mình đi trong tăm tối. Giống như từng giọt nước nhỏ dần dần làm đầy chung lớn, một đóm lửa nhỏ âm ỉ cũng cháy lan cả khu rừng lớn. Phật nhắc nhở chúng ta phải tỉnh giác, để loại trừ tất cả những tăm tối còn vướng mắc trong lòng. Vướng một chút là còn có vấn đề, là còn bất an. Do si mê nên lầm nhận, thấy không đúng, do vướng mắc vọng tưởng… Không để si mê tác động thì ba nghiệp sẽ thanh tịnh. Muốn như vậy chúng ta phải tu thế nào? Đó là đó là điều quan trọng tôi muốn nói.
Phật dạy ngay nơi các giác quan của mình là con đường dẫn đi trong luân hồi sanh tử, mà cũng chính ngay đó là con đường dẫn đến Niết-bàn an vui. Mê lầm chạy theo trần cảnh thì ba nghiệp không thanh tịnh. Tỉnh táo sáng suốt không chạy theo các cảnh duyên thì ba nghiệp thanh tịnh. Cho nên phải tu ngay nơi sáu căn. Sáu căn thanh tịnh thì ba nghiệp trở thành giới định huệ. Sáu căn lao theo sáu trần thì ba nghiệp trở thành ba độc. Vì vậy giữ gìn các căn thanh tịnh là tịnh tu ba nghiệp, cũng là trở về chỗ chân thật miên viễn, không còn khổ đau nữa
Chúng ta có nhiều thứ mê lầm thật vô lý. Sự mê lầm đó không hạn cuộc ở lứa tuổi nào hay giới tính nào. Chẳng hạn mình cứ tưởng mấy cụ già bảy tám mươi tuổi không có phiền não. Nhưng thật ra đôi khi các cụ phiền não còn hơn giới trẻ nữa. Phiền não vì tuổi già yếu đau, ăn không được, ngủ không được. Phiền não vì cháu nội, cháu ngoại, cháu cố, cháu chắc. Phiền não vì con mèo con chó xóm giềng… đủ thứ chuyện trên đời, cái gì cũng phiền não được hết.
Hoặc mình tưởng người nhỏ tuổi lúc nào cũng vui vẻ, thân thể khỏe mạnh không có phiền não, nhưng té ra họ cũng phiền não chuyện bạn bè, chuyện thi cử học hành, chuyện tình cảm riêng tư… Còn lứa tuổi trung niên thì thôi, mắc mứu chuyện đời, chuyện làm ăn, chuyện gia đình, đủ thứ… đầy dẫy phiền não. Nghĩa là khoảng trên khoảng dưới khoảng giữa gì, trong lứa tuổi nào cũng có phiền não hết.
Phiền não là khách không hẹn mà đến, nó muốn đến lúc nào thì đến, nếu chúng ta không có sự tự chủ. Nhiều khi trong giấc ngủ nó đến, làm cho mình nhức đầu ngủ không được. Sáng ra choáng váng không làm gì được cả, lại tiếp tục phiền não. Cho nên thiếu tỉnh giác, không có trí tuệ thì bị phiền não chi phối, điều động làm cho mình khổ sở, điêu đứng, không yên.
Việc đối trị phiền não rất khó khăn, nên ngoài sự cố gắng ở tự thân, chúng ta cũng rất cần đến thiện hữu tri thức trợ lực thêm. Nghĩa là chúng ta không gặp minh sư, không gần gũi bạn tốt, không được uốn nắn nuôi dưỡng trong chánh pháp thì khó mà điều phục các nghiệp của mình. Vì vậy thân cận với thiện hữu tri thức, bồi dưỡng chánh pháp là những điều kiện ban đầu trong việc tu tập của kẻ sơ cơ.
Tuy nhiên trí quán vẫn là điều then chốt trong công phu tu hành. Trí quán là gì? Tức là sự soi rọi, soi rọi lại mình và soi rọi tất cả sự kiện chung quanh ta. Thiếu trí quán thì không thể tu được. Chỉ dùng trí quán mới thấy được lẽ thực của các pháp. Thấy được lẽ thật các pháp tức là thấy chân lý. Thấy được chân lý tức là không còn lầm lẫn nữa. Không còn lầm lẫn là hết vô minh. Hết vô minh là hết nghiệp, tự tại giải thoát.
Ví dụ Phật nói cái nhà không thật. Do cột kèo xuyên trính hợp lại mới thành cái nhà. Người có trí nghe thế biết nhận định thì tin theo, Phật gọi đó là người có trí tuệ. Còn người thiếu trí nghe thế không tin, Phật gọi đó là kẻ si mê. Chúng ta là đệ tử Phật phải thấy được thực chất của các pháp. Thấy rồi phải ứng dụng tu tập. Cho nên xử dụng trí quán chính là tu tập vậy.
Như Phật nói cái nhà không thật tức là chỉ thẳng chân lý. Chẳng những cái nhà mà tất cả các thứ bên ngoài hay ngay nơi bản thân chúng ta cũng vậy. Thường xuyên quán chiếu các pháp bên ngoài, cho đến thân tâm này không có gì chắc thật cả. Thấy rõ như vậy mới không còn bám chặt vào đó mà tạo các nghiệp. Việc tu tập là phải biến lý thuyết thành hiện thực, nếu không nó chỉ là lý thuyết suông, không có giá trị gì.
Mỗi ngày cứ sáng ra thì ăn sáng, đến trưa dùng cơm trưa, chiều tới lại ăn chiều… Ngày qua ngày, năm tàn tháng lụn cứ trôi giạt bềnh bồng như thế thì bao giờ mới thoát khỏi tam giới. Sở dĩ chúng ta trôi nổi mãi là vì mình chấp nhận như vậy. Phiền não thì than khổ mà tu thì không chịu tu. Cứ chiều uốn theo ba nghiệp, mặc tình cho nó nghĩ, nói, làm lung tung; không ra sức điều phục chuyển đổi thì bao giờ ba nghiệp mới thanh tịnh được.
Muốn làm chủ được ba nghiệp, thứ nhất là phải tỉnh táo sáng suốt. Thứ hai phải thân cận thiện hữu tri thức. Thứ ba là phải dùng trí quán soi rọi tận cội nguồn của tất cả các pháp. Đối với người tu, nhất là tu thiền cần phải vận dụng trí tuệ một cách triệt đểù. Qua ba điều chúng tôi nêu lên, nếu quý vị thực hiện được thì có thể trị hết phiền não, làm chủ được ba nghiệp của mình. Các kinh Tịnh Độ thường dẫn lời Phật dạy: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”. Nghĩa là ba nghiệp mà thanh tịnh thì cùng với chư Phật sanh về Tây phương. Giản dị như thế.
Kế đến, tôi nói những duyên khiến cho chúng ta không được giải thoát. Giải là cởi ra, thoát là trót lọt, không dính mắc gì hết. Thường nói giải thoát là được tự tại, không còn vướng mắc trong sanh tử nữa. Phật nói các pháp có thành thì có hoại, thân này có sinh thì có tử, vật gì có hợp thì có tan. Không một pháp hữu vi nào hình thành, mà không có sự biến dịch tan hoại. Chúng ta học thuộc, có thể giải thích cho người khác hiểu như vậy nhưng bản thân mình thì không áp dụng được những điều đó. Bởi không áp dụng được, nên chúng ta bị phiền não làm hoặc loạn khiến cho ba nghiệp không thanh tịnh.
Khi phải chia lìa người thân chúng ta khóc. Cầu mong điều gì mà không được chúng ta buồn. Cứ thế mà phiền não luôn. Đó là tại vì chúng ta nuôi dưỡng, phát triển nó trong tâm. Thế nên Phật bảo chúng sanh mê tối thật đáng thương. Điều này mình đã học lâu rồi, mình còn nói cho người khác nghe nữa, nhưng bản thân mình không áp dụng. Cho nên rồi mình cũng khóc, cũng cười, cũng than trách đủ thứ chuyện trên đời.
Tóm lại chúng ta còn bị tác động bởi những nhân tố bên ngoài thì cái u nhọt phiền não vẫn hoành hành bên trong hoài. Người đầy phiền não là người có mục ghẻ bên trong. Người ta gọi là ung thư. Mục ghẻ đó lớn lên, rồi vỡ ra thì chết. Ung thư là bất trị, người đời còn sợ bệnh này. Huống là người tu lại nuôi dưỡng mục ghẻ trong tâm.
Phật nói thân này là ghẻ đói, nên nó đòi ăn đủ thứ. Có ai dám nhìn nhận thân mình như thế không? Nếu nhận ra được như thế thì người ta đâu còn giành giựt nhau từng miếng ăn, hơn thua nhau từng tiếng nói. Cho nên do ý nghĩ không đúng, dẫn tới nhận định sai lầm, thành ra thân miệng làm bậy. Thế là ba nghiệp lẫy lừng, dẫn ta đi theo con đường của nó. Vì vậy muốn tịnh tu ba nghiệp thì phải tịnh cái ý trước tiên. Nghe giáo pháp Phật dạy, ý không nghĩ viễn vông, điên đảo thì tâm miệng cũng yên ổn theo.
Sự bình an đó là do ở chính ta mà ra. Không có đức Phật hay vị Bồ-tát nào trao cho ta được cả. Chúng ta gầy dựng từ nơi cuộc sống, quán sát ngay ở sáu căn. Đó là con đường duy nhất trên lộ trình tiến tới giác ngộ giải thoát. Người con Phật nếu có trí lực, nhận định, sống được như vậy thì nhất định sẽ thoát khỏi vô minh, được giải thoát an vui. Ví dụ mình sợ mau già, sợ bệnh khổ sợ chết, lo sợ đủ thứ. Bây giờ học Phật, mình biết thân này là đồ giả, có ngày sẽ tan rã, lo cũng chẳng ích gì, thôi không thèm lo nữa. Lo tức là khởi niệm toan tính. Thân này không kéo dài hơn một hơi thở, mà mình tính tới chuyện trăm năm ngàn năm thì thật là dại khờ. Một chút xíu vậy thôi, nếu chúng ta nhận định đúng thì sẽ chuyển cả một cuộc đời, từ lo âu tính toan thành ra tự tại an vui.
Trí lực không hiện tiền, sự tu tập không tăng tiến thì đối với nghiệp mình bị động, không làm chủ được. Phật, Bồ-tát làm chủ được nghiệp, giải trừ được nghiệp nên các Ngài an vui vĩnh viễn. Còn với chúng ta bị nghiệp kéo lôi nên đau khổ trong sanh tử không có ngày cùng. Ngài Khuê Phong nói người không tỉnh táo sáng suốt sẽ bị nghiệp kéo lôi. Còn người tỉnh táo sáng suốt hay chuyển được nghiệp.
Lại nữa, chúng ta khó chấp nhận buông bỏ thân tâm này là vì sự hiện diện của ngã. Nó luôn tiềm phục bên trong để bảo vệ cho những lý lẽ sai lầm do vô minh vọng tưởng xúi giục. Ngã là gì? Phật nói ngã là ngục tù giam hãm tuệ mạng chúng ta. Ngã không thật có, nó chỉ là một sản phẩm của vô minh. Nó không có hình tướng dữ dằn, trăm tay ngàn mắt nhưng nó cứ chôn chặt, trói buộc ta không thoát ra được. Ăn mặc, ngủ nghỉ, thương ghét, vui buồn, tiếp xúc làm việc… tựu trung đều vì bản ngã mà ra. Người tu nhất định phải dẹp phá bản ngã thì mới có thể thành tựu đạo nghiệp được.
Trí tuệ phát sinh thì bản ngã sẽ không còn. Nó đã bị cây kiếm trí tuệ chặt đứt rồi. Trí tuệ là sự nghiệp của người tu. Có trí tuệ mới quán chiếu lại mình, thấy được thân này do tứ đại hợp thành không thật, tâm này vô thường luôn luôn thay đổi, cái gì là mình, cái gì là ngã? Biết rõ như vậy rồi, không còn đắm luyến thân, không còn chấp giữ thân. Nhờ thế ta không lo sợ sự thịnh suy, được mất của các pháp hữu hình hữu hoại. Sống chết đã không màng thì nói gì đến các thứ khác, do đó ta dừng được sự tạo tác của ba nghiệp.
Cho nên giai đoạn thứ nhất là làm sao thấy rõ được sự hợp tan của các pháp, tức là thấy được thực chất của các pháp thì mình không bị nó kéo lôi nữa. Thứ hai là nhận ra được ngã không thật, đừng để nó trói buộc nữa thì gọi là giải thoát. Đó là hai vấn đề chủ yếu trên bước đường tu.
Ở đây nói tu tức là chúng ta phải dũng mãnh tinh tiến, kiên trì lâu dài. Phật dạy:
Phật pháp không nhiều,
Người lâu bền khó có.
Học đạo như tâm ban đầu,
Thành đạo hẳn có thừa.
Trước sau không hề đổi,
Mới thật là bậc trượng phu.
Phật pháp không nhiều, bởi vì tất cả vấn đề Phật nêu lên cũng chỉ vì một mục đích giúp cho chúng sanh dứt trừ hết phiền não, được tự tại giải thoát. Nhưng vì chúng sanh có nhiều tập khí, nhiều bệnh khác nhau nên Phật cũng uyển chuyển nói thành nhiều cách, chớ thật ra pháp Phật cũng chỉ có bấy nhiêu đó thôi.
Người lâu bền khó có, tức là người kiên trì, người phát tâm trường viễn rất ít. Phần nhiều tu thì cũng cố gắng nhưng gặp khó thì nghỉ hoặc thoái lui. Tu nhàn nhàn thì được, chứ dùi cho lủng đánh cho phủng, thì thật hiếm hoi tìm được người này. Thành ra nói người lâu bền khó có.
Học đạo như tâm ban đầu, tức là tâm chí thành khẩn tha thiết, chỉ mong cầu được thành Phật thôi, không cầu gì khác. Nếu người học đạo giữ được tâm ban đầu mãi thì chuyện thành Phật không khó. Cho nên nói học đạo như tâm ban đầu thì thành đạo hẳn có thừa. Việc ấy chắc chắn như vậy, không nghi.
Trước sau không hề đổi, mới thật là bậc trượng phu. Nghĩa là người tu hành trước sau không thay đổi, đó mới là trượng phu. Người này khi đã quyết thì phải làm cho được. Không phải trượng phu là người to lớn, hoặc kỳ lạ hơn thiên hạ. Người trượng phu là người thủy chung dứt khoát, một tiến thì nhất định không lùi. Trượng phu là những bậc có ý chí cao vời, kiên định tu cho thành Phật mới thôi. Chừng nào bằng Phật mới vừa lòng con, chưa bằng thì chưa hài lòng.
Người tu theo đạo Phật nếu không đầy đủ ý chí, không có sự quyết tâm chịu đựng thì sẽ không đi tới đâu hết. Do đó chúng ta phải luôn giữ vững tâm ban đầu của mình. Tất cả người tu đều nhớ nghĩ, thực hiện sở nguyện duy nhất của mình là tu hành cho tới giác ngộ viên mãn mới thôi. Đó là bậc trượng phu. Phật, Bồ-tát là những bậc đại trượng phu. Phật là gì? Là người đã giác ngộ. Bồ- tát là gì? Là người đang thực hiện đạo giác ngộ. Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn, Bồ-tát là những vị đang giác ngộ từng phần. Chúng ta đang học, đang thực hiện những hạnh nguyện đó, vậy chúng ta cũng có phần. Nói trượng phu là trong đó có chúng ta.
Trở lại vấn đề ban đầu, muốn tịnh tu ba nghiệp thì điều thứ nhất là đối với những tật xấu của thân khẩu ý, chúng ta không để cho nó phát khởi nữa. Trái lại chúng ta cố gắng phát huy những đức tánh cao thượng tốt đẹp để chuyển hóa thân khẩu ý nghiệp. Đối trị được ba nghiệp của mình gọi là tu. Thấy được thực chất của nó không thật, không để cho nó lao lung kéo lôi, dẫn dắt mình mà mình phải làm chủ nó. Đó là chúng ta học theo hạnh nguyện giác ngộ và thực hiện tinh thần giác ngộ giải thoát của Phật.
Điều thứ hai là chúng ta nên tránh xa những nghiệp xấu, bởi vì nó sẽ thiêu đốt thân tâm ta. Người tu phải dùng trí tuệ thấu đạt được vọng tưởng dấy khởi là không thật nên phải phòng trị những dấy niệm của mình. Đến đây tôi nhắc lại lời Hòa thượng. Hòa thượng dạy “niệm khởi liền buông”. Buông được thì định tỉnh hiện tiền. Có định liền phát sinh trí tuệ, cho nên đây cũng là pháp tu định tuệ đồng đẳng. Sống trong định thì không bị vọng tưởng kéo lôi, tuệ giác hiện tiền. Người như thế là người giải thoát khỏi các nghiệp trói buộc, tự do tự tại.
Điều thứ ba là không bị những niệm tưởng lăng xăng kéo lôi, thì đạo quả giải thoát chắc chắn sẽ đạt được. Bất luận tại gia hay xuất gia, nếu cố gắng tu tập, trao dồi tâm trí để thoát khỏi vòng phiền não tham sân, hẳn nhiên người ấy sẽ được giải thoát an vui. Điều này chúng ta phải quyết tâm thực hiện. Phật nói tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Vậy tại sao chúng ta không thực hiện ngay. Phấn đấu thực hiện cho được lời dạy của Phật là tịnh tu ba nghiệp để đi đến giải thoát.
Niết bàn giải thoát đó phải tự mình gầy dựng, tự mình tu tập. Đạo Phật chân chính không dạy chúng ta ngồi chờ các bậc thánh linh trên núi trên non ban phúc giáng họa. Tinh thần giác ngộ giải thoát dạy chúng ta phải khẳng định vị trí và việc làm của mình. Mỗi người đều có khả năng chuyển hóa ba nghiệp, đồng thời phát huy được quyền tự quyết tự chủ của mình. Đó là quyền làm Phật. Ngay bây giờ chúng ta phải gầy dựng sự nghiệp giác ngộ giải thoát cho mình.
Đối với pháp tu trong đạo Phật, nếu chúng ta áp dụng đúng thì nó sẽ tiến hóa từ từ. Hiểu tuy nhanh nhưng sửa đổi tập khí là một quá trình lâu dài. Trong khi tu không bắt buộc chúng ta dụng công quá sức, nhưng cũng đừng thả lỏng, buông xuôi ba nghiệp của mình. Như vậy việc tu chắc chắn sẽ thành công.
Một ngày mười hai tiếng đồng hồ, mình muốn ngồi thiền tới mười ba tiếng thì chết. Ngồi từ sáng tới chiều, từ chiều tới tối, bỏ ăn, bỏ ngủ… ngày hôm sau bệnh. Thế là nghỉ tu một tuần lễ. Không nên làm như thế, cứ từ từ là tốt nhất. Chủ yếu là làm chủ được sáu căn, không cho nó chạy theo sáu trần. Đây mới là điều quan trọng. Do đó lúc nào chúng ta cũng tỉnh, cũng sáng, sống bình thường tùy duyên vui vẻ mà vẫn không mất mình.
Thiền sư Trung Ấp có nói một ví dụ thế này. Như một con khỉ ở trong chuồng, nghe con khỉ bên ngoài kêu chóe chóe, nó cũng chạy lăng xăng đáp lại chóe chóe. Như vậy con khỉ bên ngoài và bên trong đáp ứng với nhau, bên ngoài kêu thì bên trong trả lời. Nếu con khỉ trong chuồng ngủ thì con khỉ bên ngoài có kêu mấy nó cũng không đáp lại.
Cũng vậy, Thiền sư đề nghị với chúng ta hãy để cho con khỉ của mình ngủ đi, thì con khỉ bên ngoài có kêu bao nhiêu cũng mặc tình nó, mình luôn bình yên. Trần cảnh bên ngoài dù có hấp dẫn đến đâu, lôi cuốn đến đâu mà tâm mình đã lặng rồi thì nó không làm gì được chúng ta. Cho nên thường quán chiếu lại mình, biết rõ tâm đang ở trạng thái nào liền điểm mặt kêu tên nó, tức thì nó sẽ quày đầu lại thôi. Nếu không chăm chút kỹ lưỡng thân tâm này, thì tránh sao khỏi trần cảnh kéo lôi. Trần cảnh đã kéo lôi thì ba nghiệp sẽ dẫn chúng ta trôi lăn trong các nẻo, không có ngày ra khỏi, chịu vô lượng khổ đau. Sự việc rõ ràng như vậy.
Tôi xin mượn ví dụ trên để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay. Chúc con khỉ của tất cả quý vị ngủ yên.
Trích “Sách HƯƠNG THIỀN” – Hòa Thượng Thích Nhật Quang
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *