Thiền sư Thích Thanh Từ, Thiền Tông

Chuyển nghiệp – Sư Ông Trúc Lâm

Hòa Thượng, Thiền sư Thích Thanh Từ
Chuyển là đổi. Chuyển nghiệp là chuyển đổi nghiệp của mình. Tôi thường hay nói, Phật tử chúng ta hiểu nghĩa chữ tu dở hơn cả mấy chú sửa xe honda nữa. Tại sao vậy? Vì mấy chú đó gọi sửa xe hư ít là “tiểu tu”, xe hư nhiều hơn là “trung tu”, xe hư thật nhiều là “đại tu”. Có khi nào mình đem chiếc xe cũ hư đi sửa, tới ngày lấy nó y nguyên như cũ mà mình vẫn chịu không? Đâu có. Phải sửa tốt hơn ngày mình giao xe mới được.
Như vậy tu là sửa từ cái hư, cái xấu trở thành cái tốt, cái hay. Người biết sửa là người biết tu. Quý Phật tử tu bao nhiêu năm rồi, có biết sửa chưa hay chỉ xin Phật thôi. Có gì buồn, lạy Phật: “Phật cứu độ con”, “Phật cho con hết bệnh hoạn”, “cho con hết tai nạn” v. v… Nếu tu như vậy chắc Phật cũng lắc đầu, không biết nói sao. Bởi đức Phật từng bảo rằng: “Ta không có quyền ban phước, xuống họa cho ai”. Nếu Ngài ban phước xuống họa cho người, thì Ngài không dạy mình tu dừng nghiệp, chuyển nghiệp, không dạy tu nhân quả. Nhân tạo lành thì được hưởng quả lành; nhân tạo ác thì phải chịu quả ác. Phật chỉ dạy chúng ta biết thế nào là tội phải tránh, thế nào là phước nên làm, đó là dạy chúng ta tu.
Phật tử bây giờ không chịu tu, có việc gì liền chạy xin Phật cho nhanh. Chỉ tốn có một dĩa quả, một bó nhang là xong. Phật tử xin thì xin, chứ Phật đâu có cho được. Lâu nay Phật tử chúng ta cứ tu như vậy, không cần biết đúng hay sai với ý nghĩa chữ tu trong nhà Phật gì cả. Bởi tu không đúng ý nghĩa, nên càng tu càng thấy lung tung. Trong nhà sanh chuyện phiền não với nhau; ra phố đi đâu đụng đó. Nếu biết tu đúng với những lời Phật dạy thì càng tu gia đình càng hạnh phúc, càng tu láng giềng càng mừng vui, được gần người hiền, người lành.
Như vậy chuyển nghiệp là chuyển thế nào? Từ nghiệp xấu ngày xưa đã làm, bây giờ đổi thành nghiệp tốt. Như khi xưa mình tạo những hành động xấu xa, làm đau khổ cho người, bây giờ mình dừng không làm việc ấy nữa. Ngang đó mình khỏi tội lỗi, nhưng chưa được bao nhiêu phước. Nên bây giờ không làm khổ người, mà còn làm lợi ích, giúp đỡ cho người được vui vẻ. Đó là chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt. Chuyển được thân nghiệp là làm các việc lành, giúp người này cứu kẻ kia. Mọi người được an vui thì người đó trở thành người tốt, đáng khen. Đó là tu chuyển nghiệp về thân.
Miệng chúng ta ngày xưa nói dữ nói dối, bây giờ biết tu rồi không nói dữ, không nói dối, mà còn nói lời hiền hòa, dễ thương, nói lời chân thật. Gặp người buồn khổ, nói lời an ủi cho người bớt khổ. Người không hiểu đúng lẽ thật, nói cho người hiểu đúng lẽ thật, đó là tu. Chuyển nghiệp xấu của thân thành nghiệp tốt của thân; chuyển nghiệp xấu của miệng thành nghiệp tốt của miệng; chuyển nghiệp xấu của ý thành nghiệp tốt của ý.
Nếu có gì phiền hà làm cho mình khó chịu, vừa muốn giận liền tự nhắc “không được giận”, “giận là xấu, bỏ”. Nên nghĩ người làm sai là người đáng thương, chứ không đáng giận. Như vậy chuyển từ ghét giận trở thành thương mến, tâm hung dữ trở thành tâm từ bi. Như vậy là tu. Tu là từ nghiệp xấu chuyển thành nghiệp tốt. Việc này dễ làm hay khó làm? Dừng nghiệp đã là khó rồi, huống nữa phải làm cái tốt. Chính vì vậy người tu mới được thế gian kính phục. Nếu trong xã hội, trong gia đình, ai cũng biết chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt hết thì gia đình đó thế nào? Gia đình đó hoàn toàn được hạnh phúc, xã hội cũng tốt đẹp theo. Nên biết chúng ta tu là đem lại sự an vui, hạnh phúc cho mình, cho mọi người.
Trong kinh Phật dạy rất rõ: “Chúng sanh tạo nghiệp từ thân, miệng, ý”. Cho nên sau khi giữ năm giới rồi, Phật tử phải tu thêm Thập thiện. Giữ năm giới là dừng được nghiệp ác, tu Thập thiện là chuyển nghiệp ác thành nghiệp lành. Hồi xưa, mình thường hay giết hại thì ngày nay thương chúng sanh. Thấy chúng sanh nào bị bắt, sắp bị giết hại, mình mua thả. Ngày xưa thay vì giết, bây giờ lại cứu. Hồi xưa mình tham lam trộm cắp của người ta, bây giờ có duyên mình bố thí. Hồi xưa mình có những hạnh xấu không trinh bạch, bây giờ tập tu hạnh trinh bạch.
Như vậy thay vì thân có ba nghiệp sát sanh, trộm cắp, tà dâm; bây giờ mình chuyển ba nghiệp đó. Sát sanh chuyển thành phóng sanh, trộm cướp chuyển thành bố thí, tà dâm chuyển thành trinh bạch. Được vậy đời mình tốt đẹp vô cùng.
Ngày xưa hay nói dối, hay nói hung dữ, bây giờ Phật dạy chuyển thành bốn thứ: nói lời chân thật, nói lời hòa ái, nói lời hòa hợp, nói lời đúng lý. Thay vì nói dối gạt, thì bây giờ chúng ta nói lời chân thật. Chuyển lời nặng nề ác độc thành lời hòa nhã dễ thương. Đó là chuyển bốn nghiệp nơi miệng.
Kế đến chuyển nơi ý. Ý chúng ta thường dễ sanh tham lam, khi tu dừng được tham lam rồi, chúng ta phải tập hỷ xả. Hỷ xả tức là tha thứ, là buông bỏ. Thí dụ ngày xưa, chúng ta làm một muốn được hai, làm hai muốn được ba bốn… cứ muốn chồng lên. Bây giờ chúng ta làm việc vừa phải, có đủ cho cuộc sống mình bình an thôi. Phần dư vui vẻ đem ra giúp đỡ cho những người thiếu, đó gọi là hỷ xả.
Ngày xưa chúng ta hay nóng giận. Giận người này giận người nọ, thì ngày nay tập lòng từ bi thương xót mọi người, để mình không khổ, mà mà người cũng không khổ. Nói tới từ bi chúng ta thấy rất khó. Tại sao? Vì ở đời có người ăn nói dễ thương, có người ăn nói khó thương. Có người tư cách dễ thương, có người tư cách khó thương… nên mình cũng khó thương. Bây giờ từ bi là phải thương tất cả, thì làm sao mà thương đây?
Thí dụ khi vào bệnh viện tâm thần, chúng ta bị những người điên trong đó kêu tên mình chửi, hoặc nhổ nước bọt lên mình v. v… lúc đó chúng ta thế nào? Cự lộn với họ hay là thương họ. Mình không có lỗi lầm gì với họ, mà họ chửi mình, rồi còn phun nước bọt vô mình, dễ giận không? Nhưng nếu giận, mình cự lộn với họ thì người chung quanh sẽ nói sao? Đánh lộn với kẻ điên thì chỉ có người điên mới làm thôi. Người ta điên cho nên làm bậy, còn mình tỉnh phải thương họ, chứ đâu nên giận.
Phật tử xét kỹ, những người mình không làm quấy, không làm điều tội lỗi với họ, mà người ta nói mình quấy, mình có tội lỗi thì mình nên nghĩ: “Chuyện không có mà họ nói, đó là họ không tỉnh sáng. Người không tỉnh sáng là người đáng thương, chớ không đáng giận. Mình đang tỉnh sáng thì không nên hơn thua với người không tỉnh sáng. Nhớ như vậy chúng ta sẽ có lòng từ bi dễ dàng, không khó. Cứ thế mình tập tâm từ bi càng ngày càng lớn lên, đó là tu.
( Trích Trong “Sách HOA VÔ ƯU 3 – TU LÀ DỪNG, CHUYỂN VÀ SẠCH NGHIỆP” Sư Ông Trúc Lâm Giảng Giải ) Www.thuongchieu.net
Được gắn thẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *