Thiền Tông

Cách hành trì Kinh Pháp Hoa – HT.Thích Trí Quảng

Cách hành trì Kinh Pháp Hoa - HT.Thích Trí Quảng
Kinh Pháp Hoa chia Pháp sư thành năm hạng gọi là Ngũ chủng Pháp sư: Thọ trì Pháp sư, đọc Pháp sư, tụng Pháp sư, thơ tả Pháp sư và giảng nói Pháp sư.
1 – Thọ trì Kinh Pháp Hoa: Thọ là nhận kinh từ Phật và trì là giữ được trong tâm. Tất cả pháp của Phật được hành giả tiếp thu, giữ gìn một cách trọn vẹn và làm lợi ích cho chúng sanh, để pháp còn mãi trên cuộc đời. Làm như vậy là thọ trì được tạng bí yếu Như Lai.
Người thọ được kinh này, niềm tin đối với Phật, đối với Pháp Hoa không lay chuyển, dù có tan thân mất mạng. Kinh Pháp Hoa luôn lưu chuyển trong tâm niệm tương tục, từ giờ này sang giờ khác, mới đúng nghĩa của việc trụ pháp và giữ pháp.
Người luôn luôn an trụ và giữ pháp, thì phiền não nhiễm ô bên ngoài không xâm hại được, vì có sự bố trí tinh mật che chở cho hành giả Pháp Hoa. Vòng ngoài có Bát bộ Thiên long, vòng trong có thần Kim Cang thủ hộ và sau cùng được các Bồ tát đồng học trợ lực, thành tựu viên mãn mọi công việc.
Thọ trì là phần chánh hạnh khó thực hiện, vì khi còn mang thân phàm phu đầy tham sân phiền não, làm sao thấy được Như Lai mà nhận kinh. Không nhận được kinh làm thế nào giữ được kinh. Vì thiếu tư cách Phật để thọ trì kinh Pháp Hoa, hành giả phải tu phương tiện, nghĩa là mượn lực Phật trang nghiêm thân tâm mình.
Pháp Hoa là chân lý, tất nhiên việc hộ trì chân lý không dễ. Người tà dại nhiều và mạnh gấp mười lần người thiện, tu ở nhân gian chúng ta cần ý thức kỹ điều này. Tuy ma lực mạnh, nhưng không tác hại được Phật; vì Phật mượn lực ma làm đạo, dù hung tàn bạo ngược đến với Ngài, cũng trở thành hiền lành. Hành giả muốn thọ trì chánh pháp cũng phải có tư cách Phật, hoặc mượn sức Như Lai để thành Phật. Vì vay mượn lực của Như Lai, nên chúng ta chỉ là Phật giả. Tuy nhiên, khi chúng ta trang bị pháp Phật để tạo thành ông Phật giả, cũng nhận được kết quả nhiều ít khác nhau, tùy theo mức độ khéo léo sử dụng sự vay mượn pháp Như Lai.
Vì có nhiều khó khăn trong việc thực hiện phần thọ trì chánh hạnh, hành giả phải tu bốn trợ hạnh là đọc, tụng, giải nói, biên chép.
2 – Trợ hạnh 1: Đọc tụng kinh Pháp Hoa
Hành giả ở một mình hay ở trong chúng thường xuyên đọc kinh và nương theo đó tu hành. Đọc cho chính mình nghe tăng trưởng Bồ đề, đọc cho người khác nghe khiến họ phát tâm. Đọc kinh trong trạng thái tâm bình ổn, từng chữ, từng lời thấm vào tâm não, hiểu được nghĩa lý sâu xa của kinh, khiến cuộc sống thay đổi, cảm thấy an vui và tăng thêm sức sống. Hành giả tự giảm thiểu được mọi dục lạc tầm thường của thế nhân.
Nếu đọc mà còn dao động trước hoàn cảnh và người khác nghe khởi tâm phiền não, thì chưa phải là Pháp sư. Hoặc đọc kinh, nhưng thiếu niềm tin, cũng giống như người không có tay vào kho báu, không thể lấy được.
3 – Trợ hạnh 2: Tụng kinh Pháp Hoa
Hành giả tụng kinh bằng tất cả lòng thành kính và độ cảm, phát ra ngôn ngữ giải thoát và người nghe cũng được thanh tịnh theo. Pháp sư tụng kinh Pháp Hoa, đời sống thăng hoa, vì loài người cho đến chư Thiên nghe đều phát tâm tu hành đạo Vô thượng Chánh đẳng giác.
Ngay lúc thọ trì, không cần tụng, nhưng thọ trì trong tâm niệm liên tục. Bốn oai nghi của Pháp sư đều tạo nên thế bình ổn và cảnh giới giải thoát cho những người chung sống. Đọc tụng Pháp Hoa kinh thuộc phần khẩu trì niệm.
4 – Trợ hạnh 3: Thơ tả kinh Pháp Hoa
Thơ tả là biên chép để truyền bá rộng rãi. Biên chép kinh có hai tác dụng. Nếu biên chép mà được mọi người trao tay thọ trì đọc tụng tu hành, hành giả có công đức. Nếu đem truyền bá mà người không đọc tụng chỉ đem về thờ, đợi đến lúc đủ phước duyên gặp Pháp sư chỉ dạy, mới đem tụng, thì lúc đó chúng ta mới có chút ít công đức.
Ngược lại, nếu đem phân phát cho người không tín tâm, rồi họ dùng để gói đồ, hành giả không có công đức, mà còn tạo tội cho người khác. Thơ tả thuộc phần thân trì niệm.
5 – Trợ hạnh 4: Giải thuyết kinh Pháp Hoa
Pháp sư giảng kinh Pháp Hoa mang kết quả tu hành của mình truyền cho người khác, không phải truyền mớ ngôn ngữ có sẵn trong sách vở. Sở đắc của hành giả tươi nhuận cho đời sống của chính bản thân và người nghe cũng phát tâm đi theo con đường giải thoát. Nếu ngược lại, dùng trí thế gian hiểu lệch lạc, giải sai, khiến người nghe tạo muôn ngàn tội lỗi, tất cả sẽ sa vào địa ngục.
Thuyết Pháp Hoa không có nghĩa gì khác hơn là mang an vui cho chúng sanh, vì mục tiêu của Pháp Hoa chỉ để giúp người an vui, hết khổ. Hành giả thể hiện tam chuyển pháp luân, thuyết Pháp Hoa bằng thân khẩu ý, không phải nói suông. Nhìn thấy Pháp sư, người được giải thoát, nghe thuyết pháp, họ liễu ngộ Đại thừa và nghĩ đến Pháp sư, họ cảm thấy an lành. Trái lại, thực sự chúng ta còn đói rét, đau khổ, bực bội, thì có Pháp Hoa đâu mà thuyết.
Tu tập bốn trợ hạnh trên, giúp hành giả tiến gần đến bản tánh thanh tịnh, phát huy chánh hạnh. Lần hồi hành giả đến gần Như Lai hơn, nhận được tạng bí yếu của Như Lai và trở thành người hộ trì pháp trong thế gian.
Trong kinh ví sự gia công tu tập của chúng ta để trở thành hành giả Pháp Hoa với hình ảnh một người khát nước đào giếng ở trên cao nguyên. Hình ảnh chúng ta đau khổ trong đồng hoang sanh tử, đi tìm đạo, chẳng khác gì người thèm nước, đang bị khô bỏng cổ giữa sa mạc. Mỏi gối chồn chân tìm được Bồ tát hay Phật trên cuộc đời cho ta dòng suối mát giải thoát, ắt hẳn không phải là việc đơn giản.
Đứng trên vùng đất khô, cao, đào tìm nước tất nhiên khó quá. Nhưng ráng sức đào qua lớp đất cứng, đến lớp đất mềm, khác nào chúng ta hạ quyết tâm tìm đạo không biết mỏi mệt, niềm tin đạt đến đỉnh cao. Vượt qua được những sự tầm thường của cuộc đời, sẽ thấy được cái phi thường hiện hữu ở phía sau, bắt gặp những tâm hồn lớn. Nếu chúng ta đào một lúc, thấy đất cứng quá và buông bỏ, thì giống như người loay hoay tìm kiếm ở trần gian, không gặp ác Tăng cũng gặp nghiệp Tăng.
Hành giả phải ra công đào không ngừng. Từ khô cháy nóng bỏng cổ trong đồng hoang sanh tử chưa gặp được Phật nói kinh Pháp Hoa, nhưng gặp bậc chân tu La hán nào đó, chúng ta cũng mát lòng là đã gặp đất ướt. Hành giả ra công đào sâu nữa sẽ gặp bùn, chưa phải nước, nghĩa là sẽ gặp Bích chi Phật. Trong bùn, nước bắt đầu rỉ; nói cách khác, chân lý bắt đầu xuất hiện. Bích chi Phật chỉ cho thấy, giải thích cho hành giả hiểu. Từ đó về sau lộ trình tu của hành giả trở thành nhẹ hơn, chịu cực đào sâu xuống thêm một chút sẽ có nước trong, hay gặp Bồ tát. Bấy giờ, mọi vấn đề tự nhiên được giải quyết, khỏi thắc mắc, buồn phiền, khỏi làm những việc vô lý.
Rất tiếc, chúng ta vì sống ở cao nguyên quá xa dòng sông, từ bao đời quay cuồng trong sanh tử đẩy ta xa dần dòng thác trí tuệ Như Lai. Tuy nhiên, ngày nay nương được Tam thừa giáo, tìm được nước uống. Đến ngày nào đó cũng gặp được Pháp Hoa, đạt được giải thoát, được chư Phật phóng quang gia bị.
Dù hành giả ở nơi vắng vẻ, không có người nghe pháp, Phật sẽ sai hóa Tỳ kheo đến nghe và sai thần nhân hộ trì người nói pháp. Nếu giảng kinh, có quên ý nào, Phật sẽ nhắc. Thực sự là hành giả Pháp Hoa, phải được Phật hộ niệm, phải được Phật khiến người đến nghe pháp và bảo vệ Pháp sư. Trái lại, Như Lai không gia bị cho hành giả được, vì hành giả chưa thực sự có kinh Pháp Hoa, không phải là Pháp thân Bồ tát, nên Pháp thân Phật không gia bị đến được. Hành giả phải thọ nạn là điều tất yếu, chết là việc bình thường.
Muốn biết mình thọ trì đúng hay sai pháp, hãy xem cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Thọ trì rồi đời sống hành giả mỗi ngày thăng tiến hơn, cuộc sống giải thoát hơn, được Phật hộ niệm, thiện thần che chở. Dù hoàn cảnh nào cũng an ổn và thường xuyên liên hệ với Phật, Bồ tát trong cảnh giới Pháp Hoa. Đó mới chỉ là công đức của người đang đi tìm đạo, chưa phải là Bồ tát. Riêng đối với những người nay nghe tin, mai đổi ý, họ thọ trì chưa đúng cách và nghiệp ác đồng khởi theo kinh, chắc chắn không thể nào vượt qua năm trăm do tuần đường hiểm để đến Bảo sở.
Phần thứ nhất của phẩm này thuộc phần tự hành, dạy rằng nếu ta chưa đủ sức làm người khác phát tâm, thì cũng đừng làm họ oán ghét. Phật cũng nói kinh này khó tin, khó làm. Chính Ngài cũng đã trải qua bốn mươi năm dùng phương tiện dẫn dắt mà còn có năm ngàn Tỳ kheo bỏ chúng hội ra đi, huống gì sau khi Phật diệt độ.
Phật dạy rằng không phải bất cứ ai cũng trao cho kinh này. Lịch sử kinh Pháp Hoa ở nước ta từ thời Chi Cương Lương Tiếp đến nay hơn một ngàn năm trăm năm, số người thọ trì đọc tụng rất hiếm. Xưa kia, những vị cao Tăng trong núi mới thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa, không phổ biến rộng rãi như ngày nay.
(Trích Phẩm Pháp Sư Thứ 10 – Lược giải kinh Pháp Hoa – HT.Thích Trí Quảng)
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *