HT Thượng Trí Hạ Quảng, Thiên Thai Tông

Nhứt Phật thừa – HT Thượng Trí Hạ Quảng giảng giải.

Nhứt Phật thừa
Một trong những tư tưởng nổi bật hàm chứa trong kinh Pháp Hoa theo Phật dạy là tư tưởng duy nhứt Phật thừa. Ngoài ra, Đức Phật còn nhấn mạnh rằng mặc dù có Nhứt Phật thừa, nhưng Ngài thuyết Tam thừa; nghĩa là Phật dùng phương tiện đưa ra Tam thừa để dẫn đến cứu cánh Nhứt Phật thừa. Trong khi các kinh khác thường đề cập đến Tam thừa hay Ngũ thừa. Và người ta thường nghĩ rằng đó là ba hay năm con đường khác nhau hướng đến những mục tiêu khác nhau. Tu Thanh văn thì nghĩ hướng đến Niết bàn, hàng Duyên giác hướng đến trí tuệ và hàng Bồ tát nghĩ đến cứu nhân độ thế, người tu phước báo nhân thiên thì làm những việc thiện để hưởng phước lạc cõi Trời, cõi người, không tái sanh vào ba đường ác. Vì vậy, nhiều người hiểu lầm rằng phải đi theo các con đường riêng biệt và chỉ đạt được những quả vị riêng biệt đến chừng đó thôi.
Kinh Pháp Hoa khẳng định Nhất Phật thừa, theo đó tất cả hành giả từ khi phát tâm thể nghiệm pháp Phật trong cuộc sống, trải qua quá trình tu nhanh hay chậm, ngắn hay dài, tùy ở nghiệp lực, phước đức, nhân duyên của mỗi người khác nhau, nhưng cuối cùng ai tu theo pháp Phật đều đạt đến quả vị Phật, thành Phật, nhất định như vậy, chứ không thể thành cái gì khác. Thật vậy, Đức Phật dạy rõ rằng người có tâm tán loạn, đau khổ buồn phiền tột độ tiêu biểu cho người đang đọa địa ngục A tỳ, họ chỉ nhớ và thốt lên được hai chữ “Mô Phật”, thì Phật cũng thọ ký cho họ sẽ thành Phật trong tương lai. Vì ở hoàn cảnh đau khổ mà nhớ nghĩ đến Phật, nhờ nhân lành ấy, họ sẽ thoát được cảnh khổ và từ đó phát tâm tu tiếp. Đương nhiên, họ còn phải trải qua quá trình tu tạo đầy đủ phước đức trí tuệ của Bồ tát hạnh mới thành Phật.
Có thể hiểu rằng Nhứt Phật thừa là con đường đi thẳng từ phát tâm tu thoát khỏi ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, được mang thân người và trở thành người có đủ năm phước, cho đến cõi Trời, rồi tiếp tục tu pháp của Thanh văn. Cần lưu ý rằng theo Thanh văn thừa để được Niết bàn hữu dư y là Niết bàn ngay trong cuộc sống “Bây giờ và ở đây”. Thật vậy, nếu tâm chúng ta hoàn toàn giải thoát, thanh tịnh, trong sáng, không bị hệ lụy bởi hoàn cảnh thuận nghịch là đã nắm bắt được Niết bàn hữu dư y; đó là trạng thái mà người tu phải an trụ cho được trong cuộc sống. Chưa có Niết bàn trên cuộc đời này, đừng mong đi vào Niết bàn tịch diệt xa xăm sau khi chết gọi là vô dư y Niết bàn.
Từ hữu dư y Niết bàn, chúng ta phát hiện được tánh tịnh Niết bàn là chân tánh thanh tịnh của chúng ta và khi nắm bắt được tánh thanh tịnh, cũng như sống được với tánh thanh tịnh, chúng ta mới phát hiện thêm Niết bàn vô trụ xứ của Bồ tát. Nghĩa là ở đâu và làm bất cứ việc gì cũng thể hiện tánh thanh tịnh của chúng ta để tác động cho nơi đó được thanh tịnh theo; đó chính là chân thật Niết bàn. Vì thế, tiến bước theo dấu chân Phật, chúng ta không mong đi vào chốn tịch diệt mà nhà Thiền thường quở trách là trở thành than nguội củi mục. Thiền nhắc chúng ta thể hiện tinh thần “Tịch diệt phi tịch diệt”, tức sống với vô trụ xứ Niết bàn, thì ở nơi này hay nơi khác đều nhằm hiện thân giáo hóa chúng sanh.
Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã khẳng định rằng người chứng quả vị A la hán mà không tin Pháp Hoa, nghĩa là không tiếp tục thực hiện Bồ tát hạnh thì không phải là A la hán thật. Pháp Hoa là con đường xuyên suốt từ sơ phát tâm cho đến đạt được Phật quả, không thể khác. Tuy nhiên, trên bước đường tu, chúng ta có kết quả từng bước khác nhau. Bước đầu chúng ta phải chứng được Nhứt thiết trí là trí của hàng Thanh văn và dùng trí này để quán sát tất cả sự vật. Huệ Tư Thiền sư gọi là tam trí tam quán. Chứng được Nhứt thiết trí, tức đạt được Niết bàn thứ nhất là hữu dư y Niết bàn, thì ta còn sống trên cuộc đời nhưng khác với mọi người là không bị phiền não quấy rầy.
Để hướng đến mục tiêu này, theo Phật đạo có nhiều phương cách khác nhau gọi là vô số phương tiện. Ai nương được pháp nào, thực hành pháp đó; không có pháp cố định cho mọi người, vì mỗi người phải tu theo hoàn cảnh tương ưng với mình. Người đang ở trên sông tất nhiên phải dùng thuyền bè, người đi trên đất liền, phải dùng xe. Tất cả phương tiện tu mà mọi người áp dụng không giống nhau và không lúc nào giống lúc nào. Đối với giai đoạn tu Thanh văn, cần có Nhứt thiết trí để phá trừ phiền não. Không có trí tuệ ví như người tu mù suốt đời không được gì, hay được rất khó mà mất thì dễ. Người có trí tuệ đạt được thành quả dễ dàng và không đánh mất thành quả. Tôi nhắc quý vị cố gắng giữ gìn, đừng để mất thành quả tốt đẹp.
Trên bước đường tu, sở đắc là cái được của chúng ta, mỗi ngày tu hành phải đạt được những gì Phật dạy, không thể không được gì. Đối với tôi, sở đắc trong đạo quan trọng nhất là quyến thuộc Bồ đề. Xây dựng quyến thuộc Bồ đề không dễ; nói cách khác, sống như thế nào để mọi người quý mến chúng ta, sống cùng lý tưởng với chúng ta là điều rất cần thiết. Cần đặt mục tiêu phấn đấu tạo được quyến thuộc Bồ đề trên bước đường tu, tức có thêm nhiều người hiểu, tin tưởng, cảm mến và hợp tác với chúng ta. Thiếu quyến thuộc Bồ đề không thể hành Bồ tát đạo, tạo công đức.
Phật dạy từ bỏ quyến thuộc ngu si, tức bỏ những gì gây trở ngại cho việc thăng hoa đạo đức và tri thức; không bỏ quyến thuộc Bồ đề. Người vô trí nghe bỏ liền bỏ tất cả, nhưng bỏ rồi, sau thấy người khác có quyến thuộc tạo được nhiều công đức thì hối hận. Quý vị cần cân nhắc ý này, khuyên người từ bỏ gia đình và sự nghiệp để vào chùa tu, nhưng tu thì phải được gì, không phải bỏ để mất trắng. Theo Phật, bỏ gia đình và tình thương nhỏ hẹp để có tình thương bao la, bỏ quyến thuộc ngu si để có quyến thuộc Bồ đề, bỏ việc nhỏ để làm việc lớn hơn. Chúng ta sanh vào dòng họ Thích Ca, làm việc của Đức Thích Ca, nối nghiệp của Đức Thích Ca là được thành quả lớn lao vô cùng.
Trên quá trình tu theo Nhứt Phật thừa là đi trên con đường xuyên suốt từ phát tâm cho đến chứng Nhứt thiết trí của Thanh văn thì đã có phần tương đối dễ dàng hơn trước. Thật vậy, có Nhứt thiết trí hay trí Bát nhã, đến sông chúng ta tìm thuyền để qua, khi lên bờ, bỏ thuyền dùng xe, không đeo theo thuyền hoài. Người khôn dùng trí Bát nhã để vượt phiền não. Người dại tuy tánh tốt, nhưng dễ phiền não, cái gì hợp ý thì họ cho hết, nhưng ngược ý là sống chết liền. Có trí Bát nhã, hay Nhứt thiết trí, chúng ta xử sự với cuộc đời khác với phàm phu. Phải dùng trí Bát nhã để vượt sông mê bể khổ mà nguồn cội của nó là nghiệp và phiền não. Vì chỉ có trí Bát nhã mới có thể kiểm soát được phiền não của chính mình và tự mình làm được cho mình, không ai làm thay được. Trí tuệ thì vô hình, phá phiền não cũng vô hình và vượt sông mê bể khổ cũng vô hình. Như vậy, chủ yếu là ở tâm thức của chúng ta.
Phật dạy rằng phải tỉnh táo, sáng suốt, phiền não khởi lên chỗ nào vượt ngay chỗ đó. Thí dụ gặp người vô lễ, ta buồn. Thử nghĩ xem phiền não đã khởi lên ở đâu. Người vô trí nghĩ phiền não khởi từ đối tượng của ta, nên phải diệt ngay đối tượng này. Hiểu như vậy là sai. Hoặc phiền não khởi chỗ này thì bỏ đi chỗ khác. Xưa kia A Nan cùng đi với Đức Phật trên bước đường vân du hóa độ, gặp nhóm người hung dữ vô lễ, A Nan xin Phật đi nơi khác. Phật dạy rằng khi nào Ngài giáo hóa nhóm người này trở thành hiền lương, Ngài mới rời đi. Nếu quý vị ở chùa có chuyện tranh cãi, liền bỏ sang chùa khác, giải quyết như vậy e rằng phải lang thang cùng kiếp, càng nguy hiểm. Hoặc có người gây sự, mình diệt họ, đuổi đi. Mình diệt người chẳng lẽ họ để yên, họ sẽ diệt lại mình. Kết quả là người thắng sanh kiêu ngạo, người thua sanh oán thù tạo thành mối oan gia tương báo trong hiện đời và nhiều đời sau, chẳng ích lợi gì cho việc tiến tu đạo hạnh. Người đã tạo oan nghiệp trong vô số kiếp, chắc chắn hiện đời ở đâu cũng không được yên lành. Có vị thưa rằng đã tụng một trăm bộ Pháp Hoa mà vẫn không được ở yên; vì người này tụng Pháp Hoa, chứ không tu Pháp Hoa.
… Phiền não khởi lên ở đâu diệt ở đó. Phiền não khởi từ tâm, từ tham vọng của mình. Dùng trí Bát nhã, tâm Bồ đề để tiêu diệt ngay trong lòng mình. Có người vô lý gây sự, ta dùng trí Bát nhã quán sát thấy rõ tại sao họ gây sự. Có trí là có giải đáp liền. Gây sự với nhau trên cuộc đời này thường chỉ vì lợi danh, tình ái. Chúng ta tu hành, loại bỏ lý do tình cảm, chỉ còn lợi danh. Nếu người vì lợi danh gây sự, chúng ta khởi phiền não, nên diệt ngay phiền não trong tâm mình thì hoàn cảnh bên ngoài sẽ hoàn toàn đổi khác. Thí dụ phải sống chung với người luôn muốn lợi nhiều cho họ, ta tu bằng cách thực hiện hạnh xả, nghĩa là nhường cái lợi cho họ, chắc chắn họ không có lý do gây sự với ta. Nhường quyền lợi cho người, có trí tuệ thấy ta không mất gì cả; vì nhường nhịn với tâm nhẫn nhục thực sự, người khác sẽ bắt đầu để ý quý mến ta. Thật vậy, nhờ phiền não chúng ta đã đoạn tận, cho nên họ nhận ra ngay cái xấu của đối tượng kia. Điển hình như thái độ của ông Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp thấy vua Tần Bà Sa La cúng vườn Trúc Lâm cho Phật, ông nghĩ rằng ông là quốc sư, nhưng vua lại không tặng ông, mà cúng Phật, nên khởi tâm oán hận Phật. Tại có Phật đến, vua mới lạnh nhạt với ông. Vua càng kính trọng Phật, ông này càng đau khổ. Phật không mong cầu phước báo vật chất, nhưng phước tự động tìm đến với Ngài. Phật liền đến tu viện của ông để tặng lại ông khu vườn của vua cúng cho Ngài với lý do ông có năm trăm đệ tử cần tịnh xá này hơn Ngài. Ông thấy Phật cao cả quá, còn mình thì hèn mọn, nên sụp lạy Phật. Dù Phật đã giao cho ông Trúc Lâm, nhưng mọi người vẫn nghĩ đó là của Phật, còn Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp chỉ là quản gia mà thôi. Người có trí không sanh vọng tâm, không giữ của cải vật chất, nhưng không hề mất, bỏ sự nghiệp vật chất, họ được phước đức lâu dài và Thánh tài vô tận.
Vì vậy, có Nhứt thiết trí, chứng quả vị A la hán thấy rõ mối oan gia đời trước giữa ta và người, cho nên hiện đời, dù ta xử sự tốt, họ cũng không nghĩ ta tốt. Theo Phật dạy, cần quán sát mối tương quan nghiệp báo giữa ta và họ từ đời trước dẫn đến sự bất hòa vô cớ trong đời này, để từ đó tìm cách hóa giải cái nợ oan trái đó thì phiền não không còn ngự trị trong tâm ta và tâm người. Đó chính là ý nghĩa thực sự của “Phiền não khởi lên nơi nào thì diệt nơi đó”. Còn bỏ đi nơi khác chỉ trốn nợ tạm thời thôi. Nếu có trốn nợ chăng nữa, cũng phải biết tu hành thăng hoa được đạo hạnh thì sau đó gặp lại mới giải quyết được oan trái một cách êm đẹp. Ý này được Phật dạy trong phẩm An Lạc Hạnh thứ 14 của kinh Pháp Hoa, gọi là thệ nguyện an lạc. Nghĩa là khi không có phước mà lại có nhiều nghiệp, ta phải tạm thời lánh đi nơi khác để tu tạo công đức, rồi trở về trả món nợ cũ.
Trên bước đường tu, hàng Thanh văn chứng được Nhứt thiết trí là trí tuệ thuần lý do suy nghiệm mà chứng được trên lý thuyết. Sau đó, hành Bồ tát đạo mới đạt đến Đạo chủng trí là trí tuệ có được do đụng chạm với thực tế. Thật vậy, trải qua sự cọ xát, mài dũa, hiểu biết mới thành hiện thực, đúng đắn. Chẳng hạn gặp việc đáng buồn mà không buồn, thì cái biết và thực hành mới đồng nhau. Trên lý thuyết, chúng ta nghĩ việc gì đó đơn giản, nhưng đến khi đụng việc này, chúng ta lại thấy phức tạp, không thể chịu nổi. Việc chưa chạm trán là chưa khắc phục thì chúng ta vẫn còn phản ứng xấu; đó là nghiệp và phiền não luôn tiềm ẩn trong ta. Cho đến bao giờ, đối mặt với mọi vấn đề và giải quyết tất cả hoàn toàn ổn thỏa là đạt đến Nhứt thiết chủng trí, tức trí và lý đã hợp nhất. Nói cách khác, đó là Minh Hạnh Túc, một trong mười khả năng siêu tuyệt của Đức Phật, thể hiện lời nói và hành động luôn đi đôi với nhau. Còn chúng ta chỉ nói được những việc của Phật làm.
Chứng Đạo chủng trí, Bồ tát nói gì làm đó, giải thích lời Phật dạy và thể hiện lời Phật dạy trong cuộc sống của chính mình. Người tu được Nhứt thiết trí của Nhị thừa tiếp tục hành Bồ tát đạo có phần dễ dàng. Nhưng chứng quả vị Thanh văn, Duyên giác mà vào vô dư Niết bàn là phạm sai lầm mà Phật khiển trách là tiêu nha bại chủng, tức làm hư hoại hạt giống Phật.
Như đã nói nếu đã chứng được quả vị của Thanh văn, Duyên giác để tiến qua giai đoạn hành Bồ tát đạo sẽ được dễ dàng hơn người không kinh qua hai giai đoạn đầu. Nhưng thử nghĩ xem người không trải qua giai đoạn tu Thanh văn, Duyên giác, có thể hành Bồ tát đạo được hay không. Kinh Pháp Hoa dạy rằng nếu chúng ta tiếp nhận được cốt lõi của Pháp Hoa là có thể đi tắt, không tu Thanh văn, Duyên giác, nhưng cầu Tối thượng thừa, hành Bồ tát đạo. Trong phẩm Phương Tiện thứ hai, Đức Phật cũng đã khẳng định rằng Xá Lợi Phất còn phải dùng niềm tin để vào đạo, không phải dùng trí tuệ. Tuy chưa chứng Nhứt thiết trí của hàng Nhị thừa, còn là phàm phu, nhưng chúng ta hoàn toàn đặt niềm tin ở Phật là vị đại Đạo sư toàn giác, tin ở giáo pháp của Phật và tin Tăng bảo, tức nương vào lực Tam bảo, chúng ta có thể hành Bồ tát đạo dễ dàng. Thí dụ quý Tăng Ni thành tựu những việc làm từ thiện lớn lao, dù bản thân không có tiền bạc, vì nhờ nương lực Tam bảo, nương lực của Giáo hội, của chư Tăng, của giáo pháp Phật. Quý vị thử nghiệm xem nếu ở ngoài thế gian, e rằng chúng ta khó làm được những việc lớn; nhưng sống trong chánh pháp của Phật, thực tế cho thấy những việc khó luôn ở trong tầm tay mình.
Nương theo Phật lực, Pháp lực và Tăng lực, chúng ta có thể phát huy năng lực của bản thân để trở thành mẫu người được quý mến trên cuộc đời. Ý này được kinh Pháp Hoa dạy rằng hành giả Pháp Hoa không trải qua giai đoạn tu Thanh văn, Duyên giác mà đi thẳng vào Bồ tát đạo, để tự hành hóa tha, một mặt làm cho ta, một mặt làm cho chúng sanh. Chúng ta chưa là Phật, nhưng được người quý kính, vì họ kính Phật, nên tôn trọng chúng ta. Phải nhận ra ý này. Chúng ta phát Bồ đề tâm tu hành, gặp lúc Phật pháp hưng thạnh và nương theo Tam bảo mà hành Bồ tát đạo, đi con đường tắt, không qua Thanh văn, Duyên giác, cũng không tạo phước báo nhân thiên. Tuy không cầu phước báo nhân thiên, nhưng chúng ta làm việc từ thiện, rõ ràng đó là việc của chư Thiên ban phước cho người.
Không tạo phước báo nhân thiên, không tạo quả Thanh văn Duyên giác, nhưng lấy phước báo của nhân thiên và của Thanh văn Duyên giác để hành Bồ tát đạo. Tuy nhiên, khi hành đạo, nếu khởi một niệm sai lầm, phước báo liền tiêu tan và tội sanh ra. Thật vậy, làm việc khó thành công, nhưng khởi ý niệm ta làm được là sai; vì phước báo, tiền của là của mười phương bá tánh tập hợp lại. Thí dụ các ban Đại diện Phật giáo tỉnh thành cúng dường các trường hạ, tiền của, phẩm vật cúng dường là của đàn na tín thí đóng góp. Quý Thầy chỉ là người đại diện tiếp nhận và chuyển giao đến đúng nơi mà Phật tử phát tâm cúng. Nhờ nương vào lực Tam bảo và sự hộ trì của Hộ pháp Long thiên mà quý vị hoàn thành được Phật sự này. Không ý thức như vậy, lại khởi ý niệm tự mãn, cho rằng nhờ mình mới được, công đức sẽ mất.
Tu Pháp Hoa, chúng ta đi tắt vào Phật thừa, nhưng thực sự phải nương nhờ Phật lực, Bồ tát lực và Hộ pháp Long thiên mới hành đạo được; không phải thực lực của chính mình. Thực chất chúng ta chưa phải là Bồ tát thực sự, chúng ta chỉ mới là Bồ tát sơ phát tâm, là Bồ tát trong nhân gian, hay là quyến thuộc của Bồ tát. Ví như người thân giàu có gởi cho chúng ta một số tiền lớn nhờ ta cúng dường trường hạ thì ta mới làm được việc này. Tương tự như vậy, chúng ta có quen biết với Bồ tát lớn, các ngài tín nhiệm ta là người đáng tin cậy ở Ta bà, không gian tham, mới gởi những phương tiện cho chúng ta làm. Theo kinh nghiệm riêng tôi, hành đạo được là do Phật hộ niệm, do chư vị Bồ tát mười phương tạo điều kiện cho tôi làm, do Hộ pháp Thiên long ủng hộ.
Ý thức sâu sắc tinh thần như vậy, chúng ta trở lại phẩm Pháp sư thứ mười của kinh Pháp Hoa, theo đó phân chia người trì kinh Pháp Hoa có ba hạng. Thứ nhất là những vị đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vì thương nhân gian mà sanh lại đời này. Các Ngài không cần nương lực ai cả, vì chính các Ngài có đầy đủ khả năng hoàn thành mọi việc mỹ mãn. Đức Phật Thích Ca dạy như vậy, chúng ta phải hiểu ngay rằng Đức Phật muốn giới thiệu chính Ngài. Nếu hiểu lầm đó là chúng ta thì bị đọa. Vì kinh Pháp Hoa khẳng định rõ Phật thành Phật từ vô lượng kiếp và Ngài hiện thân ở nhiều quốc độ dưới nhiều dạng hình khác nhau để giáo hóa chúng sanh.
Thứ hai là hàng Bồ tát từ nhân hướng quả gồm có Bồ tát từ Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi hướng gọi là tam Hiền và Bồ tát Thập Thánh. Chúng ta tự xét mình có ở trong hàng này hay không. Các ngài là những người tái sanh trên cuộc đời này để thay Phật xiển dương chánh pháp; nên được Phật lấy y trùm cho, ở chỗ vắng vẻ thì Phật sai hóa nhân đến cung kính cúng dường, nếu người ác đến hại, Phật sai Hộ pháp giữ gìn và người hại phải bị chuốc họa. Thấp nhất của hàng tam Hiền là Bồ tát đã trụ tâm ở Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không còn thoái chuyển, không bị hoàn cảnh tác động, không buồn giận lo sợ. Bồ tát ở cấp bậc này hoàn toàn an trụ trong pháp Phật, kiến giải mọi việc theo chánh pháp. Các ngài được Phật lấy y trùm cho nghĩa là được Phật che chở, bảo vệ.
Trên bước đường tu, tuy chưa thuộc hàng tam Hiền, chúng ta sống trong Nhà lửa tam giới, nhưng quyết tâm tu theo Nhứt Phật thừa, nếu an tâm lập mạng trong pháp Phật, cũng được an lành vô cùng, vì có Kim Cang Bát bộ giữ gìn, có Tam bảo lực gia bị, không bị tác hại và nếu ở ẩn nơi hoang vắng cũng có người tìm đến nghe pháp.
Hạng người thứ ba chính là chúng ta mà kinh Pháp Hoa ví như người ở trên cao nguyên đào giếng. Đào xuống đất khô nghĩa là phước chưa sanh, chúng ta mới phát tâm Bồ đề, khó khăn không ai giúp, tu ở giai đoạn này khổ lắm. Nếu gặp khó khổ mà không tin Phật, không tin lời Phật dạy, ví như đào giếng đổ mồ hôi không thấy nước liền không đào nữa. Hạng người này không có ý chí, không nói đến.
Nhưng người càng khó khổ càng quyết chí tu hành để vượt lên, kinh diễn tả ý này là người ra công đào giếng không ngừng nghỉ; dù không thấy nước, nhưng tin có nước và ráng sức đào. Hòa thượng Thiện Hoa dạy rằng nhờ có người bài báng gây khó khăn, chúng ta mới nỗ lực tu nhiều hơn. Mới phát tâm Bồ đề thường gặp như vậy. Còn thực sự là Bồ tát tái sanh để độ đời thì mọi việc đối với các ngài rất nhẹ nhàng và đơn giản, vì các ngài đã đầy đủ tư cách và khả năng để thay Phật giáo hóa độ sanh. Trong khi chúng ta chỉ mới tập sự làm theo Phật, phải nỗ lực tu hành gian khổ vô cùng, nhưng hạ quyết tâm tu dù có phải tan thân mất mạng cũng không khiếp sợ, đời sau tiếp tục tu nữa. Quyết tâm như vậy là biết sắp đến đất ướt, đất bùn, thấy hơi mát mẻ. Nghĩa là mới tu, buồn nhiều; tu lâu, phiền não vơi lần, lòng tham lam ích kỹ của chúng ta nhẹ đi, nhu cầu vật chất giảm bớt, chúng ta cảm thấy an vui. Có thể tạm phân chia ba giai đoạn tu hành mà chúng ta trải qua trong quá trình “ở trên cao nguyên đào giếng”. Giai đoạn một, hành giả còn nhiều tánh xấu, nhiều đòi hỏi mà không được gì, gặp khó khổ vô cùng. Giai đoạn hai, hành giả nỗ lực tu vượt khó, cuộc sống nhẹ nhàng hơn, phiền não vơi bớt và giai đoạn ba, không còn mong cầu gì, nhưng phước lạc tự tìm đến hành giả là nghiệp đã hết và phước đã sanh, hành đạo thành công dễ dàng.
Mong rằng quý vị bước theo dấu chân Phật, thẳng tiến trên lộ trình Nhứt Phật thừa, nương được Phật lực, Bồ tát lực và Thiên long Bát bộ hộ trì để thành tựu mọi công đức trong hạnh nguyện tự hành hóa tha, viên mãn quả vị Bồ đề.
HT Thượng Trí Hạ Quảng giảng giải.
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *