Giảng kinh, Hòa Thượng Tịnh Không

[Media] Người niệm Phật không nên sợ chết

10 điều khó ở cõi Ta Bà so với cõi Tây Phương Cực Lạc
Người niệm Phật không nên sợ chết, sợ chết thì tín-nguyện-hạnh của bạn toàn là giả. Mục đích của người niệm Phật chúng ta chính là đến thế giới Cực Lạc, chính là thân cận A-di-đà Phật, cho nên đi càng sớm càng tốt, tại sao bạn lại sợ? Vừa muốn đi lại vừa lo sợ thì thành ra thứ gì chứ? Làm gì là thật? Không được lo sợ! Đi càng sớm càng tốt, thế gian này không có gì đáng để lưu luyến, đời ác năm trược, ở thế gian này một ngày là chịu thêm tội một ngày, vì sao không sớm một ngày đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để hưởng phước, thân cận Phật A-di-đà? Trong Kinh nói rất hay, đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì “Thanh hư chi thân, vô cực chi thể” (thân trong suốt thanh tịnh, thể không bị giới hạn). Không phải giống như cái thân ô uế như thế này, một ngày không tắm gội, trong lỗ lông tóc đều tiết ra mùi hôi thối, có cái gì đáng được yêu quý đâu? Biết được cái thân này bất tịnh, không sạch sẽ, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều có thân tướng giống y như Phật, đều là thân tử ma sắc vàng thật. Tại sao không chịu đổi cái thân này, tại sao còn lưu luyến cái túi da thối này chứ? Bạn còn lưu luyến cái túi da thối này thì ba chữ tín-nguyện-hạnh của bạn thảy đều không có, đều là giả. Cho nên, người chân thật niệm Phật thường hay nghĩ cái chết, không muốn sống nhiều hơn ở thế gian này nữa.
Niệm Phật Đường của Đại Sư Ấn Quang đáng để cho chúng ta học tập. Trong gian phòng của Đại Sư Ấn Quang không có bất cứ thứ gì, chỉ có miếng che thay đồ, giặt quần áo, không có thứ gì khác. Trong Phật đường nhỏ của Ngài có một tôn tượng Phật, một quyển Kinh A-di-đà, phía sau tượng Phật viết một chữ “Chết” thật to. Đại Sư Ngài dạy cho chúng ta làm thế nào tu tín-nguyện-hạnh, làm thế nào ngay trong đời này nhất định vãng sanh. Nhất định phải học phương pháp của Ngài, chúng ta không sợ chết, chúng ta mỗi ngày nghĩ chết. Người thế gian cho rằng chết rất đáng sợ, còn chúng ta chết rồi thì vãng sanh. Cái chết của chúng ta, dùng lời hiện nay mà nói là di dân. Chúng ta thoát khỏi Thế giới Ta-bà, di dân đến thế giới Cực Lạc, hân hoan vui thích mà đi. Chúng ta xả bỏ cái thân ô uế này, được thân kim cang bất hoại; xả bỏ hoàn cảnh đời sống xấu ác này của chúng ta, đến Tây Phương Cực Lạc trải qua hoàn cảnh thanh tịnh. Vậy mới là phát nguyện, mới gọi là thật tu hành. Mỗi tối lên giường nằm ngủ liền nghĩ Phật đến tiếp dẫn ta, mắt nhìn vào vách tường xem thử Phật có đến hay không. Ngày ngày đều nghĩ Phật đến, mỗi giờ đều nghĩ Phật đến. Buổi trưa ngủ, nghỉ ngơi cũng nghĩ Phật đến, xem thử Phật có đến hay chưa, hy vọng, trông mong vào Ngài, mong muốn Ngài đến sớm hơn một ngày. Ngày ngày ta đều trông ngóng thì cuối cùng cũng sẽ trông ngóng ra Phật. Hiện tại Phật chưa đến là vì chúng ta còn có chút việc chưa xong. Việc gì vậy? Phải đem Kinh này giảng cho xong, giúp đỡ chúng sanh nhiều hơn một chút, chúng ta đến thế giới Tây Phương Cực Lạc và dẫn thêm được vài người cùng đi. Ngày nay chúng ta đang làm việc này, chính là dẫn thêm một số người đi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Công việc này có ý nghĩa, các công việc khác không có ý nghĩa.
Phía sau “tín” có “huệ”, phía sau “nguyện” cũng có “huệ”. Tín mà không có trí tuệ thì không phải chánh tín, trong tín có tà tín, tư tưởng kiến giải của chúng ta có sai biệt. Nguyện cũng phải có huệ, nguyện mà không có huệ thì không phải thật nguyện. “Tin sâu, Nguyện thiết”. Thực hành huệ thì thực hành ngay ở trong bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này. Chúng ta đọc tụng, lý giải, y giáo phụng hành thì huệ của chúng ta liền đầy đủ.
“Hương Tượng” là đại biểu cho “Hạnh”. Trong chú giải của người xưa, sức mạnh của Hương Tượng rất lớn. Thời xưa khi khoa học chưa phát triển, vận chuyển đều nhờ vào động vật. Trong các động vật, động vật có thể kéo nặng, sức mạnh rất lớn là đại tượng (voi lớn). Sức mạnh của voi mạnh hơn rất nhiều so với trâu ngựa, những vật mà trâu ngựa kéo không nổi thì voi có thể kéo, cho nên voi (tượng) là đại biểu cho sức mạnh. Chúng ta dùng nó để biểu thị cho nguyện-hạnh, nguyện-hạnh có lực, nguyện-hạnh đại lực của chúng ta vô biên. Đó là ba điều kiện tu hành của Tịnh Độ. Ba điều kiện này rất cần thiết, thiếu đi một điều kiện thì cũng không được, nhất định phải đầy đủ viên mãn. Đầy đủ tín-nguyện-hạnh thì bạn nhất định vãng sanh.
TRÍCH TỪ BÀI GIẢNG; PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 10)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *