Giảng kinh, Hòa Thượng Tịnh Không

[Media] Người đồng tâm ấy, tâm đồng lý ấy

Xin có lời khuyên hết thảy người đời, nếu như quả thật không thể làm nghề gì để sống thì thà đi ăn xin. Nếu tạo nghiệp ác giết hại để kiếm miếng ăn, thà nhịn đói mà chết còn hơn
Phật pháp không chỉ nói đến người, Phật pháp nói đến vật, vật chính là thiên địa, quỷ thần đều bao gồm trong ấy. Chúng ta muốn sinh sống hạnh phúc, mỹ mãn, bạn phải nghĩ quỷ thần cũng mong muốn sinh sống hạnh phúc, mỹ mãn, súc sanh cũng hy vọng có được đời sống hạnh phúc, tốt đẹp, làm sao có thể ăn thịt chúng sanh cho được!
Việc này trong kinh nói rất rõ ràng, ăn thịt chúng sanh, sát hại chúng sanh sẽ bị những quả báo gì. Chúng ta có bằng lòng cắt thịt cho người khác ăn hay không? Cũng cùng một đạo lý ấy, chúng ta không muốn người ta đến ăn thịt mình, động vật nó cũng như vậy, nó đâu chịu cho người ta ăn thịt nó? Chúng ta giết nó, ăn thịt nó, nó có hoan hỷ hay không? Người đồng tâm ấy, tâm đồng lý ấy.
Thế nên ăn thịt chúng sanh, những oán hận này, oán hận của hết thảy chúng sanh vĩnh viễn sẽ không tiêu mất, khi gặp cơ hội thì chúng sẽ trả thù. Phật pháp nói: “Ăn nó nửa cân, trả nó tám lạng”, đời đời kiếp kiếp ăn nuốt lẫn nhau, dây dưa không dứt. Thân này của chúng ta có được là thân nghiệp báo, không có cách gì, nếu không có dinh dưỡng thì không thể duy trì mạng sống, vì phải duy trì mạng sống nên bất đắc dĩ mới phải ăn uống. Trong ăn uống đã là bất đắc dĩ rồi thì bạn phải biết nên ít kết oán thù với chúng sanh, ít tạo nghiệp.
Động vật có sinh mạng, thực vật cũng có sinh mạng, chúng ta ăn động vật là sai lầm, ăn thực vật cũng là sai lầm, nhưng so sánh hai thứ này, tình thức của động vật rõ ràng hơn thực vật. Hay nói cách khác, ý niệm báo thù của động vật không biết lớn hơn so với thực vật gấp bao nhiêu lần, cũng chính là chúng ta bỏ qua những vật có linh tánh lớn, không giết hại nó, còn thực vật thì linh tánh của nó yếu hơn rất nhiều, bất đắc dĩ nên mới ăn nó.
Trong giới kinh nói: “Tỳ Kheo thanh tịnh không giẫm lên cỏ xanh”, chân thật hiển thị ra lòng từ bi. Có đường đi tại sao không đi trên đường, cớ sao lại giẫm lên cỏ? Trừ khi là bạn không có đường đi, nhưng nhất định phải đi qua bên đó, đây cũng là bất đắc dĩ, bất đắc dĩ thì về tình có thể tha thứ, có thể thứ lỗi. Nếu như có đường đi thì bạn nhất định phải đi vòng theo con đường đó, không được bước lên cỏ.
Thế nên phải thương yêu, bảo vệ sinh mạng, thực vật cũng phải bảo vệ, phải có một trái tim yêu thương với người, với việc, với vật, tâm yêu thương chân thành, tâm yêu thương thanh tịnh, bất đắc dĩ mới phải ăn. Thế nên đức Phật dạy chúng ta năm phép quán trước khi ăn, thường giữ tâm báo ân. Giữa con người với con người có ân đức, con người cùng với hết thảy vạn vật cũng có ân đức.
Chúng ta mỗi ngày tu hành, niệm Phật tụng kinh, đoạn ác tu thiện, hồi hướng công đức đến hết thảy chúng sanh là báo ân. Cái tâm này thành khẩn biết bao, ý này hậu đạo biết bao, như vậy mới tương ứng với tâm tánh. Nếu như chúng ta không quán tưởng như vậy, không có thành ý này thì mỗi ngày đều tạo tội nghiệp. Bạn hiểu được đạo lý này, thường quán như vậy, những thực vật cung cấp dinh dưỡng cho bạn cũng có công đức, nó thật sự cúng dường cho bạn, bạn báo đáp lại cho nó, có báo đáp thì không phải là cướp đoạt, không kết oán thù với nó, chỉ kết ân đức với nó.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, tập 15)
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *