Giảng kinh, Hòa Thượng Tịnh Không

[Media] Giáo dục hiện thời đúng là kém hơn đời trước

Thiệt thòi là Phước - HT Tịnh Không
Thế giới Cực Lạc sung sướng, thế giới Sa Bà khổ sở. Lúc tôi mới học Phật vào sáu mươi năm trước, thấy kinh Vô Lượng Thọ giảng những khổ báo của chúng sanh, lúc đó, tôi cảm thấy Thích Ca Mâu Ni Phật nói hơi phóng đại một chút, thế gian này đâu đến nỗi khổ sở dường ấy? Nhưng đến hiện tại thì sao? Nay đọc lại kinh này, Thích Ca Mâu Ni Phật nói chẳng sai tí nào! Ngài nói về thế gian hiện thời của chúng ta!
Trong thế giới này, đúng là chẳng cần biết nghèo, giàu, sang, hèn, quý vị hãy xét coi có ai hạnh phúc? Có ai sống khoái lạc trong thế gian này? Người nào sống trong thế gian này có cảm giác an toàn? Tìm không ra! Nay chúng ta vì sao chẳng có phước báo nhân thiên như trong kinh đã dạy? Phước báo ấy đi đâu rồi? Thật ra là có phước báo, nhưng đã bị chính chúng ta phá hỏng! Vì sao? Chúng ta sống chưa ra người. Điều kiện tối thiểu để được coi là con người là “nhân giả ái nhân” (người có lòng nhân yêu thương con người). Sách Đệ Tử Quy chép: “Phàm thị nhân, giai tu ái” (phàm là người, đều phải yêu thương), người có lòng nhân yêu thương con người. Người Hoa nói đến “nhân”, [tức là] nhân trong “nhân nghĩa”, quý vị thấy bên cạnh chữ Nhân (人) là Nhị (二), đó là Nhân (仁). Nghĩ đến chính mình đồng thời nghĩ đến người khác, đó là Nhân; chỉ nghĩ tới mình, chẳng nghĩ tới ai khác, sẽ chẳng phải là Nhân. Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc dạy chúng ta: Chỉ có con người biết báo ân, tri ân, báo ân, con người hiểu biết [điều này]. Báo ân thì điều thứ nhất là báo ân cha mẹ. “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, trong kinh, đức Phật đã dạy chúng ta điều này. Tại Trung Quốc, đời đời kiếp kiếp tổ tiên dạy người khác như vậy. Nay chúng ta chẳng biết ân cha mẹ, mà cũng không biết ơn thầy, nói thật ra, hiện thời kẻ làm cha mẹ chẳng biết làm [tròn trách nhiệm của cha mẹ], luôn bận bịu với công chuyện của chính mình. Con thơ chẳng do chính mình nuôi dạy, toàn là giao cho người khác chăm bẵm, thiếu sót bổn phận đối với con, chẳng có ơn nghĩa với con, làm sao trẻ nhỏ biết báo ân? Thầy chẳng dạy học trò, chẳng thật sự dạy. Vì thế, học trò cũng chẳng biết cảm kích ơn thầy! Vấn đề này hết sức phức tạp, vì lẽ gì xã hội trở thành nông nỗi này? Bắt chước nói theo một câu trong Phật pháp, “là do vô lượng nhân duyên” rất phức tạp!
Đức Phật dạy chúng ta dùng tâm thái gì để sống, để ứng phó với xã hội hiện tiền? Đức Phật nói rất hay, chính quý vị phải nhận biết: “Tổ tiên bất thiện (vô tri)” (Tổ tiên chẳng lành (vô tri)), kinh Vô Lượng Thọ đã nói như vậy. Cha mẹ chúng ta chẳng biết, vì sao cha mẹ không biết? Ông bà không biết, chẳng dạy họ. Vì sao ông bà không biết? Ông bà cố chẳng dạy. Tính ngược lên từng đời một, tối thiểu là năm đời, năm đời trước đây cha mẹ thật sự dạy bảo. Vì lẽ nào, sau năm đời chẳng dạy nữa? Chẳng phải là cha mẹ không dạy, mà tại Trung Quốc, xã hội động loạn, kể từ khi nhà Thanh sụp đổ, quân phiệt cát cứ, xã hội động loạn, tiếp theo đó là chiến tranh Trung Nhật, tám năm kháng chiến đã phá sạch [nền tảng] gia đình. Vì thế, mãi cho đến ngày nay, tối thiểu có từ bốn đời đến năm đời thiếu sót sự giáo dục trong gia đình. Gia tộc chẳng còn nữa, gia tộc nay đã không có, lấy đâu ra gia giáo? Trước thời Kháng Chiến còn có gia tộc, còn có gia giáo. Lứa tuổi chúng tôi kể ra hết sức may mắn, sanh trưởng tại nông thôn; nếu sanh trưởng tại đô thị, gia giáo cũng không có, nhưng ở nông thôn thì có, còn bảo tồn nền văn hóa từ xưa. Quê hương chúng tôi lại tương đối đặc thù một chút, vào hai triều đại Minh – Thanh, cái nôi của Đồng Thành học phái ở ngay tại quê tôi. Phong thái học hành tại quê tôi rất thịnh, trong hương thôn có trường tư thục; cho nên còn dính líu đôi chút với gia giáo. Đại khái là sau năm Dân Quốc hai mươi mấy, khoảng từ năm Dân Quốc hai mươi ba, hai mươi bốn trở đi, không còn gia giáo nữa. Tư thục ở hương thôn đổi thành trường Tiểu Học, chẳng còn học cổ thư nữa; từ đấy về sau, đương nhiên chẳng còn ai biết đến chuyện này. Do vậy, hình thành tình trạng giáo dục hiện thời đúng là đời sau kém hơn đời trước. Hiện thời, hoàn toàn chẳng thấy [đức dục] nữa!
Trong kinh điển, đức Phật giảng hai cõi sướng và khổ, nay chúng ta hoàn toàn thấu hiểu, nhưng phải nhớ lời Phật khai thị: “Tổ tiên bất thiện (vô tri), bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả” (Tổ tiên bất thiện, chẳng biết đạo đức, không có ai nói). Không có ai giảng cho chúng ta, chúng ta làm chuyện sai quấy, đức Phật khoan hồng độ lượng, tha thứ, chẳng trách móc, chẳng chỉ trích chúng ta. Chúng ta cũng phải dùng tâm thái này để đối đãi hết thảy chúng sanh làm ác trong hiện tại, cũng phải giống như đức Phật khoan dung đối với bọn họ. Bọn họ đáng thương, vô tri mà! Nếu họ được tiếp nhận giáo dục văn hóa truyền thống Trung Quốc như thời cổ, sẽ chẳng làm như vậy. Hiện thời, khắp thế giới xã hội động loạn, tai nạn liên tiếp xảy ra, có phương pháp nào cứu vãn hay chăng? Phương pháp có chứ! Trước đây đã từng có người hỏi tôi, người ấy nói: Khi chúng tôi còn thơ, hễ gặp khó khăn sẽ nhờ cha mẹ [hướng dẫn cách] giải quyết. Nay chúng ta gặp khó khăn thì phải làm sao? Vẫn theo lệ ấy! Tìm đến tổ tiên, vấn đề sẽ được giải quyết, thật sự có thể giải quyết. Tổ tiên không còn trên đời, nhưng trí huệ và kinh nghiệm của tổ tiên truyền lại, ở nơi đâu? Trí huệ của tổ tiên ở trong kinh điển. Quý vị thấy những gì được biên tập trong Tứ Khố Toàn Thư là kinh, sử, tử, tập, trí huệ ở trong kinh và tử, còn kinh nghiệm thì sao? Kinh nghiệm trong phần sử, quý vị tìm tòi trong lịch sử, chắc chắn có phương pháp giải quyết. Tổ tiên biết rõ ràng, sợ người đời sau sơ sót, nên đã đặc biệt nêu ra một chân lý vĩnh hằng không thay đổi, đó là chân lý gồm tám chữ: “Kiến quốc, quân dân, giáo học vi tiên” (Xây dựng đất nước, cai trị dân chúng, giáo dục làm đầu). Dùng phương pháp gì để giải quyết vấn đề? Giáo học! Giáo học có thể giải quyết vấn đề. Nói theo căn bản Phật pháp, đức Phật biết khổ và sướng, khéo léo chỉ bày khổ và sướng, khổ do đâu mà có? Do mê hoặc, điên đảo mà có! Quý vị mê rồi bèn làm chuyện sai trái, sẽ bị khổ báo, mê mất rồi! Nếu quý vị giác ngộ, tỉnh ngộ, sẽ chẳng làm chuyện ác, sẽ đoạn ác làm lành, bèn lìa khổ, được vui. Đây là một đại tiền đề, đại nguyên tắc.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 13)
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *