Giảng kinh, Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

[Media] Chúng ta phải “Y pháp bất y nhân”

HT Tịnh Không Người tu hành
Đạo tràng chúng ta có một số đồng tu từ phương xa đến đây để tham học, tham gia pháp hội của chúng ta để cùng nhau tu học. Nhưng xã hội hiện đại, chúng ta phải hiểu rõ, phải sáng tỏ, cổ nhân nói: “Đạo cao một thước, ma cao một trượng”. Quí vị đồng tu hãy quan sát tỉ mỉ, cần nên hiểu rõ, ngày nay Phật pháp so với một số ngoại đạo khác, so với một số ma, ngoại ma thì kém xa, bất luận ở phương diện nào cũng không sánh bằng người ta. Chúng ta căn cứ kinh luận học tập pháp môn niệm Phật, người bên ngoài phá hoại rất nhiều, nói niệm Phật không thể thành tựu, nhất định cần phải tu pháp môn nào đó khác. Tại sao họ phải làm như vậy? Không mong cho bạn vãng sanh Tịnh Độ, không mong cho bạn thoát khỏi luân hồi. Tại sao họ phải làm như vậy? Ở trong kinh điển Phật nói rất rõ ràng, năm xưa, ma vương Ba Tuần đã tìm đến Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật rất từ bi, người nào cũng tiếp kiến. Ba Tuần nói với Phật Thích Ca Mâu Ni rằng, ông muốn phá hoại Phật pháp. Phật bảo với ông ta, tất cả pháp mà Phật đã nói là pháp thuần chánh, không có người nào có thể phá hoại được. Ba Tuần liền nói: “Đợi đến thời kỳ Mạt Pháp của ông, tôi bảo ma tử, ma tôn của tôi thảy đều xuất gia, khoát áo cà sa của ông để phá hoại Phật pháp của ông”. Phật Thích Ca Mâu Ni nghe xong liền rơi lệ, không nói một lời nào nữa! Thời kỳ Mạt Pháp, ma tử, ma tôn sẽ rất nhiều, chuyên đi cản trở người tu hành, chuyên đi phá hoại tín tâm của người, cho nên trước khi Thế Tôn nhập diệt, răn dạy đệ tử đời sau bốn câu nói gọi là “Tứ y pháp”. Nếu như bạn có thể làm theo bốn câu nói này, sức của ma lớn cỡ nào cũng không thể phá bạn được.
Tứ y pháp, câu thứ nhất là “y pháp bất y nhân”. Pháp là gì? Pháp là kinh điển. Chúng ta dựa theo những điều đã nói trong kinh điển mà tu học, người ta bất kể nói như thế nào, nếu không giống như những gì kinh điển đã nói thì chúng ta không tin theo họ. Bạn nghe theo họ thì là bạn học với họ chứ không phải học với Phật, bạn đổi thầy giáo rồi, cũng đổi pháp môn rồi, bạn làm sao có thể thành tựu trong Phật pháp được? “Y pháp bất y nhân”, câu nói này Đại sư Thiện Đạo chú giải trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, chương Thượng Phẩm Thượng Sanh, Ngài đã nêu ra quá nhiều ví dụ rồi. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật chúng ta giảng rồi, chương Thượng Phẩm Thượng Sanh này cũng đặc biệt nói rồi, đều có băng ghi âm lưu hành.Quí vị có thể nghe thật nhiều lần, thì tín tâm của bạn sẽ không dao động.
Vẫn có rất nhiều người cực lực phản đối chúng ta tụng bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, họ nói bản này là bản do cư sĩ tại gia hội tập, không thể tin được, nhất định phải bảo mọi người tụng nguyên bản dịch. Lời nói này dường như cũng có đạo lý, nhưng dụng ý cuối cùng của họ là gì vậy? Quí vị suy nghĩ liền hiểu ngay, tôi không cần phải nói nữa. Hội tập không phải Hạ Liên Cư mở đầu, mà là cư sĩ Vương Long Thư mở đầu, cư sĩ Ngụy Mặc Thâm kế tục, Hạ Liên Cư là người thứ ba. Tại sao không phản đối hai người trước, mà cứ phản đối người này vậy? Hơn nữa bản hội tập của cư sĩ Vương Long Thư đã đưa vào Đại tạng, đã đưa vào “Long Tạng” triều Thanh rồi, bạn nên kiện ra tòa với Hoàng đế Càn Long, nói Hoàng đế Càn Long sai rồi, những cao tăng đại đức mấy năm đầu triều Thanh đó đều không có mắt, bạn mới thật là thiện tri thức. Làm gì có kiểu đạo lý này! Bạn nói bộ kinh này không được, nhưng bộ kinh này lưu thông mười mấy năm nay, người nương theo bản kinh này tu hành niệm Phật, vãng sanh tướng lành hy hữu. Tận mắt chúng ta đã thấy, chính tai đã nghe, có đến mấy chục người rồi. Đây là chứng cứ. Bạn ngày nay phản đối, bạn biểu diễn vãng sanh cho tôi xem thử. Nếu như bạn mắng họ một trận, phê bình, bài xích, bạn hãy đứng ở đó vãng sanh thì tôi lập tức tin liền. Không có bản lĩnh này, chúng tôi xem bạn sau này ra đi như thế nào? Cho nên, không thể làm việc theo tình cảm.
Mọi người đều biết, Đại sư Ấn Quang là Bồ Tát Đại Thế Chí ở thế giới Tây Phương Cực Lạc tái lai, đây là người gần như không có ai dám phản bác. Đại sư Ấn Quang đối với hai bản hội tập phía trước hoàn toàn không nói hội tập là sai lầm, phê bình của Ngài là hội tập đã sửa đổi văn tự của nguyên bản dịch. Ngài chỉ trích điểm này, chứ không nói hội tập là sai lầm. Ngài phê bình đúng, điều này khỏi bàn cãi. Chính do một nguyên nhân như vậy, nên lão cư sĩ Hạ mới làm hội tập lần thứ ba, tránh lỗi lầm của người trước. Bản hội tập này từng câu, từng chữ đều là lấy trên nguyên bản dịch, không có sửa đổi. Quí vị có thể đem năm loại nguyên bản dịch để đối chiếu mà đọc.
Hạ lão trước khi vãng sanh đã nói với học trò của Ngài, cuộc nói chuyện lúc đó tức là chúng ta hiện nay gọi là lời tiên tri.Ngài đã nói đúng, Ngài nói bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ này tương lai là từ nước ngoài truyền vào Trung Quốc.Lúc đó học trò nghe xong đều chẳng hiểu gì cả, sao lại truyền từ hải ngoại vào Trung Quốc? Câu thứ hai Ngài nói là bản hội tập của Ngài sẽ truyền đi khắp thế giới.Ngày nay chúng ta nhìn thấy hiện tượng này, lời Ngài nói đã thành hiện thực rồi, quả nhiên không sai. Cho nên, chúng ta phải “Y pháp bất y nhân”, những điều người ta nói tương ưng với nghĩa thú của kinh giáo, chúng ta có thể tin. Điều họ nói không tương ưng với những gì kinh điển đã nói, chúng ta không nghe là tốt hơn, cũng không cần phải phê bình, không cần nói ra. Tại sao vậy? Hiện nay thời đại này tự do dân chủ rộng mở, mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận, họ không phạm pháp, chúng ta không cấm được. Họ nói chuyện của họ, mình làm chuyện của mình, chúng ta không nghe là được rồi. Thế Tôn 3.000 năm trước đã biết rất rõ về tình trạng xã hội hiện nay, cho nên bốn câu này là ngăn ngừa tệ nạn hiện nay, chỉ sợ phá hoại đạo nghiệp của chúng ta. Đây là từ bi đến tột đỉnh.
(Trích: Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ 10, tập 107)
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *