Cô Giáo Lưu Tố Vân, Giảng kinh

[Media] Bàn về việc hộ niệm vãng sanh

Quá khứ không cần thiết nhớ nhung - cô Lưu Tố Vân
(Trích từ bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai – năm 2020 của cô Lưu Tố Vân – tập 13)
Trói buộc khó cởi nhất là tình thân, ảnh hưởng tới việc lớn vãng sanh cũng là tình thân. Mỗi người chúng ta đều từng đối mặt với sinh ly tử biệt, hoặc là đang đối mặt, hoặc là sắp đối mặt với sinh ly tử biệt. Tình thân khó buông xuống, ái biệt ly khổ, đây là một trong tám khổ. Ngày 21 tháng 5 năm 2019 là ngày chồng tôi vãng sanh, 10 giờ 7 phút sáng tôi đút nước cho chồng tôi, đột nhiên phát hiện ánh mắt chồng tôi nhìn tôi hoàn toàn khác trước, ôn nhu, luyến tiếc, không nỡ, mắt chớp chớp nhìn tôi chằm chằm, hình như còn muốn đưa tay ra sờ khuôn mặt tôi. Tôi vừa thấy [liền nghĩ] hỏng rồi, vướng vào tình thân rồi, ngay lúc đó tôi dứt khoát, từ sau lúc 10 giờ 7 phút đút nước xong cho tới lúc 12 giờ 28 phút vãng sanh, tôi không còn xuất hiện bên cạnh ông ấy nữa. Lúc ông ấy ra đi, con trai tôi không ở bên cạnh, con gái cũng không ở bên cạnh, tôi cũng không ở bên cạnh. Theo cách nhìn của thế tục, hình như có chút vô tình vô nghĩa. Nhưng tôi không hề hối hận với quyết định của mình. Tôi biết được tôi không có năng lực giữ lại tánh mạng cho ông ấy, nhưng tôi có năng lực giữ được huệ mạng của ông ấy. Tôi không thể vì chuyện nhỏ mà để mất chuyện lớn, để tình thân chôn vùi pháp thân huệ mạng của ông ấy. Có người không hiểu cách làm của tôi, nói tôi đối xử với chồng vô tình vô nghĩa. Sai rồi! Tất cả những gì tôi làm, đưa ra quyết định có vẻ bất cận nhân tình như vậy, đó là tấm lòng chân tình thật ý của tôi dành cho chồng mình. Tôi chỉ có một suy nghĩ, đó là chặt đứt sự trói buộc của tình thân, loại trừ hết thảy sự quấy nhiễu, nhất định đảm bảo chồng tôi thuận lợi vãng sanh Tây Phương. Tôi đã làm được.
Về vấn đề này nhất định phải xử lý nghiêm túc, không được có chút lơ là bất cẩn nào. Bởi vì, một người một đời chỉ có cơ hội vãng sanh một lần, nhất định phải nắm chắc. Tuyệt đối không được để tình thân ảnh hưởng đến việc lớn vãng sanh. Nói tới vãng sanh, nhân cơ hội ngày hôm nay, tôi đem một số kinh nghiệm, bài học, những điều cần lưu ý liên quan đến việc tiễn người vãng sanh mà tôi từng tham dự ra chia sẻ giao lưu đúng sự thật với các bạn, để mọi người tham khảo. Chỉ để tham khảo mà thôi.
Thứ nhất, nếu như điều kiện cho phép, có thể vãng sanh ở nhà thì đừng đưa tới bệnh viện. Nếu như nhất định phải đưa tới bệnh viện, dù thế nào cũng không được để tuyến phòng ngự cuối cùng bị phá vỡ, đó là không thể cấp cứu, không được đưa vào phòng chăm sóc tích cực. Cấp cứu chính là chịu hình phạt địa ngục, thật quá tàn nhẫn. Họ đau khổ vạn phần nhưng không thể nói ra, họ chỉ có thể sân hận, bạn nói xem họ sẽ đi về đâu?
Thứ hai, mời người trợ niệm chỉ mời một nhóm, không thể mời hai nhóm. Tại sao vậy? Hai nhóm người thường không phục lẫn nhau, [người mất] ra đi tốt lành thì tranh công; ra đi không tốt thì đổ trách nhiệm cho nhau, nghiêm trọng hơn còn công kích lẫn nhau, bất lợi đối với sự hòa hợp. Ngoài ra phải mời nhóm trợ niệm tu cùng một pháp môn, bởi vì pháp môn khác nhau thì phương pháp phương thức trợ niệm vãng sanh cũng khác nhau. Chọn người tu cùng một pháp môn tới trợ niệm vãng sanh, càng khế cơ, càng tiện lợi hơn.
Thứ ba, thời gian nhóm trợ niệm tiến hành phải thích hợp, tốt nhất là ba ngày, năm đến bảy ngày cũng được. Nếu như thời gian dài hơn thì không thích hợp. Nếu trợ niệm một tháng, hai mươi ngày, người thân và nhóm trợ niệm đều mệt mỏi không chịu nổi, từ đó mà sanh ra tâm lý chán nản. Làm thế nào để nắm bắt được thời gian tiến hành? Đây là một vấn đề khó.
Có vài tình huống như sau:
Thứ nhất là [đối với người] biết trước thời gian, nắm chắc vãng sanh, không cần trợ niệm, đây là tình huống lý tưởng nhất. Lão Bồ Tát Lưu Tố Thanh, lão Bồ Tát Lưu Minh Hoa đều thuộc trường hợp này. Biết trước thời gian, tự tại vãng sanh, không cần trợ niệm. Vậy thì tại sao lại trợ niệm? Câu trả lời của lão Bồ Tát Lưu Tố Thanh là: “Tôi không cần trợ niệm, chớp mắt liền rời đi, đi theo đức Phật. Nhưng vì độ chúng sanh, cho nên vẫn phải làm theo hình thức này”. Hai vị lão Bồ Tát, một người trợ niệm năm ngày, một người trợ niệm ba ngày. Hình thức để độ chúng sanh mà thôi!
Thứ hai là [người] không biết trước thời gian, nhưng mà bên cạnh có người biết rõ, biết nhìn, có thể đoán ra đại khái. Ví dụ như một số người lớn tuổi, kinh nghiệm của họ nhiều, cũng có kinh nghiệm về phương diện này thì có thể tham khảo.
Thứ ba là [người] quay trở lại nhiều lần, nhìn thì có vẻ sắp đi rồi nhưng một lát sau thì quay trở lại. Có bốn nguyên nhân, thứ nhất là tham luyến cuộc đời này, không muốn đi; thứ hai là không buông xuống được, có vướng mắc, đặc biệt là bị tình thân trói buộc; thứ ba là oan gia trái chủ tới đòi nợ bám lấy không buông; thứ tư là người thân và nhóm trợ niệm có ý niệm bất thiện gấp gáp cầu mong thành tựu v.v… Nguyên nhân rất đa dạng. Tiễn người vãng sanh phải toàn tâm toàn lực, tâm chân thành vô cùng quan trọng. Nếu như ý kiến của người trong gia đình và nhóm trợ niệm không thống nhất thì phải tôn trọng ý kiến của người nhà. Nếu như cho rằng không như lý không như pháp thì nhóm trợ niệm có thể rời đi.
Thứ tư là lúc lâm chúng, bất kì hình thức gì cũng không dùng đến, đạo lý lớn thường đơn giản. Nếu như tu Tịnh Độ thì không tụng kinh, không trì chú, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, hơn nữa phải niệm bốn chữ. Càng đơn giản thì sức mạnh càng lớn, thọ dụng càng lớn. Không trọng hình thức mà trọng thực chất, tâm tịnh tức cõi Phật tịnh. Muốn tụng kinh Địa Tạng, kinh A Di Đà thì đợi sau khi vãng sanh bảy ngày hãy tụng. Nếu như thật sự vãng sanh, tụng kinh Địa Tạng có thể tăng phước cho họ, nâng cao phẩm vị của họ; nếu như không vãng sanh có thể giúp họ tiêu trừ đau khổ.
Thứ năm là bệnh nặng, bệnh nguy cấp, lúc lâm chung người thân bạn bè không được tới thăm, sau khi vãng sanh mười bốn tiếng đồng hồ mới được tới thăm. Trong mười bốn tiếng đồng hồ này không được khóc lóc, không được phép chạm vào thân thể [người mất], đến giường cũng không được phép chạm vào. Có thể xem tình hình cụ thể lúc đó, sau mười bốn tiếng mới tắm rửa, thay quần áo xong có thể đưa tới nhà tang lễ. Nếu như điều kiện cho phép thì ở nhà niệm Phật ba ngày cũng được. Tiễn người vãng sanh phải tiến hành theo thứ tự, do người chủ pháp thống nhất chỉ đạo, không được nhiều người chỉ đạo. Trong nhóm trợ niệm nếu có một người thật sự tu hành đắc đạo, thì người mất được lợi ích thật sự. Không khai thị, nếu nhất định phải khai thị thì nói ngắn gọn đơn giản, không được rườm rà dài dòng văn chương. Không khai quang, không cần khai quang quang tự khai, ai có thể khai quang cho Phật chứ. Điên đảo gốc ngọn bao nhiêu kiếp, ngày nay hiểu lý phải sửa đổi. Không thăm dò [thân thể], nếu nhất định phải thăm dò thì đợi sau mười bốn tiếng.
Thứ sáu, lúc nào thì phải nhịn ăn? Phải thuận theo tự nhiên, không thể gượng ép sắp xếp. Nhịn ăn là quá trình thanh lọc cơ thể cuối cùng, thông thường đều có quá trình này, cũng có một số trường hợp đặc biệt ngoại lệ, tình huống khác nhau. Ví dụ như, chồng của cư sĩ Điêu – lão Tề nhịn ăn mười ba ngày, chỉ uống nước lọc; chị gái Lưu Tố Thanh của tôi nhịn ăn bốn ngày, chỉ uống nước lọc; lão Bồ Tát Đổng Thụ Trân nhịn ăn 40 ngày, chỉ uống nước lọc, thật đúng là kỳ tích; chồng của tôi Lưu Minh Hoa, trước hôm vãng sanh một ngày buổi trưa chỉ ăn nửa chén cháo, coi như ông ấy không nhịn ăn. Sau khi mấy vị này vãng sanh đều rất sạch sẽ, gọn gàng, không tiêu tiểu gì nữa.
Thứ bảy, trợ niệm sau khi vãng sanh, không thể ít hơn tám tiếng đồng hồ, niệm mười hai tiếng, mười bốn tiếng thì tương đối bảo đảm, thần thức đã rời khỏi thân thể. Nếu như niệm hai mươi bốn tiếng, niệm ba ngày, đương nhiên càng tốt. Chuyện này phải căn cứ theo tình hình thực tế. Lúc trợ niệm tốt nhất là che mặt [người mất] lại, mục đích là không để người trợ niệm bị phân tán sự chú ý.
Thứ tám, nhớ kỹ ba điều tốt nhất. Điều thứ nhất là 49 ngày sau khi vãng sanh là thời gian chúng ta giúp đỡ vong linh tốt nhất, nhất định phải nắm chắc khoảng thời gian tốt nhất này, chỉ có 49 ngày duy nhất này, không được đánh mất cơ hội, mất rồi sẽ không gặp lại nữa. Điều thứ hai là sau khi vãng sanh trong 49 ngày, niệm Phật hồi hướng cho vong linh là phương pháp tốt nhất để chúng ta giúp đỡ người mất. Đặc biệt là trong bảy ngày đầu tiên, nhất định không được xen tạp chuyện gì khác, chỉ thật thà niệm bốn chữ A Di Đà Phật thì công lực mạnh nhất, nhận được lợi ích lớn nhất. Tụng kinh, trì chú hay những việc khác đều kém hơn câu Phật hiệu A Di Đà Phật. Có người thích đi nghe ngóng hỏi han xem người mất vãng sanh về nơi nào? Đây là cách làm ngu ngốc, không thích hợp nhất, đúng là không lo việc chính. Cách làm như vậy không giúp người vãng sanh chút nào. Chỉ có những người con người cháu bất hiếu mới làm như vậy! Nếu là con hiền cháu thảo thật sự thì nhất định trong 49 ngày này phải thành thật niệm Phật, giúp đỡ người vãng sanh được nâng cao phẩm vị, hoặc là giúp người vãng sanh tiêu trừ nghiệp chướng, tăng phước sanh vào cõi lành. Đây là việc chính. Điều thứ ba là niệm Phật 49 ngày hồi hướng cho người mất cũng là cơ duyên tốt nhất để chúng ta tu phước tu huệ, tích lũy công đức. Giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ chính mình, cả vũ trụ này đều là một thể.
Thứ chín, một niệm vãng sanh lúc lâm chung cần phải có những điều kiện nào? Đại Đức xưa giảng rất rõ ràng, một niệm vãng sanh lúc lâm chung ít nhất phải cần ba điều kiện. Thứ nhất là lúc lâm chung phải rõ ràng, không được mê hoặc. Lúc lâm chung mà mê hoặc thì sẽ không niệm Phật, có người nhắc nhở cũng rất khó tiếp nhận. Thứ hai là thời khắc mấu chốt này có thể gặp được Thiện tri thức nhắc nhở thì mau chóng niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh Độ, buông xuống vạn duyên. Thứ ba, có người vừa được nhắc nhở ngay lập tức tiếp nhận, ngay lập tức xoay chuyển suy nghĩ, đối với thế giới Ta Bà này không còn chút tham luyến nào, nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh Độ. Chắc chắn nhất đó là công phu niệm Phật của chính mình thành phiến, đạt được sự nhất tâm bất loạn, có thể làm chủ chính mình, nắm chắc niệm Phật vãng sanh, không cần trợ niệm. Chẳng phải lão Hòa thượng Hải Hiền là tấm gương tốt nhất đó sao? Chính mình không làm chủ được thì dựa vào ai cũng không dựa được.
Thứ mười, sau khi người mất vãng sanh, mọi việc nên làm đơn giản, không nên bày vẽ rình rang, không phô trương lãng phí, không làm hoành tráng. Nhớ kỹ nhất định không được sát sanh, phải dùng đồ chay hoặc đồ chay là chủ yếu; nhất định không được nhân cơ hội này để vơ vét, nhận tiền bạc, khiến người vãng sanh phải mang nợ, thật sự là hành vi đại bất hiếu.
Mười một, làm thế nào để ấn chứng [người mất] thật sự vãng sanh thế giới Cực Lạc? Điều đầu tiên chắc chắn nhất là [người mất] biết trước thời gian ra đi, tự mình nói ra: “Phật đến đón tôi rồi, tôi phải đi theo Phật.” Có người không nói ra nổi nhưng thể hiện bằng động tác. Như vậy chắc chắn không sai, nhất định vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Những điều khác như thân thể mềm mại, đỉnh đầu ấm, có tướng lành, hỏa thiêu có xá lợi v.v… thì cho thấy họ qua đời rất tốt, sanh đến ba đường Thiện, có vãng sanh thế giới Cực Lạc hay không? Có thể có, nhưng chúng ta cũng không thể dựa vào đó để xác nhận vãng sanh thế giới Cực Lạc.
Sáng sớm hôm nay lúc xem tài liệu tôi nghĩ ra hai mươi câu thế này, xin chia sẻ với mọi người:
Trên mạng truyền nhiều lời
Bạn phải biết lựa chọn
Thế nào là tiêu chuẩn
Lợi ích sự hòa hợp
Y pháp bất y nhân
Nhất định phải nhớ kỹ
Thận trọng ngôn và hành
Không được xen hỗn tạp
Giữ gìn thân khẩu ý
Nhất định đừng phạm lỗi
Nhân quả phải tự gánh
Ba nẻo đang đợi mình
Địa ngục không dễ thoát
Đừng nên nhảy vào đó
Tự làm phải tự chịu
Phật cũng không giúp được
Đều là lời nói thật
Bạn nên nghe khuyên bảo
Vực sâu mau dừng ngựa
Cứu lấy chính mình thôi.
Hai mươi câu này không nằm trong nội dung giảng hôm nay của tôi, là vào tám giờ mười lăm phút sáng nay lúc xem tài liệu tôi chợt nghĩ ra, tôi cảm thấy có thể mang lại gợi ý và giúp đỡ cho các bạn nên mang ra chia sẻ cùng mọi người. Tiết học hôm nay giao lưu tới đây thôi, cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *