Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Vậy thì phải làm sao? Đi không được!

Tìm ra hạnh phúc đích thực ngay trong bản thân mình
Lần này tôi vừa mới đi tham dự hội nghị hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Nhật Bản trở về. Liên Hiệp Quốc một năm mở không biết bao nhiêu lần Hội Nghị Hòa Bình, đã làm được năm, sáu năm rồi, mà thế giới này vẫn càng ngày càng loạn, hòa bình thì càng ngày càng mất hy vọng. Đây là do nguyên nhân gì vậy? Chúng ta vẫn phải tìm cho ra cái nguyên nhân này. Tôi tham gia hội nghị này chỉ mới là lần thứ hai, lần thứ nhất là năm ngoái tổ chức tại Băng Cốc, tôi đã tham gia qua một lần. Lời nói của người Trung Quốc ngày xưa rất hay, trên Kinh cũng có nói, rất nhiều các vị đồng học đều đọc qua Tứ Thư. Sách Đại Học đó là Kinh, ba cương tám mục của Đại Học: cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Làm những hoạt động về thế giới hòa bình là bình thiên hạ. Bình thiên hạ nếu dùng lời của người hiện nay mà nói, chính là thiên hạ thái bình, người trong thiên hạ đều có thể được đối đãi bình đẳng, vậy thì sẽ chung sống hòa thuận. Sự việc này, trên Kinh đã nói rất hay, từ thiên tử cho đến thứ dân đều là lấy tu thân làm gốc. Chính thân bạn không tu, thì bất kỳ cái gì cũng không thể nói, ngày ngày hội họp thì có ích gì? Ngày ngày giảng Kinh, ngày ngày niệm Phật có tác dụng gì chứ? Người xưa châm biếm những người niệm Phật là một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, hai mươi vạn tiếng Phật hiệu, là “hét bể cổ họng cũng chỉ uổng công”. Nguyên nhân là gì? Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng uổng công, bạn ngày ngày niệm Phật công phu không đắc lực. Vừa rồi có một vị đồng tu, tôi vừa vào cửa thì nhìn thấy tờ giấy này, tôi xem qua, người đó là phát tâm học giảng Kinh, giảng Kinh công phu không đắc lực, vọng tưởng phân biệt chấp trước đầy dẫy. Phật pháp nói đến tu hành thì phương pháp rất nhiều, đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, vấn đề là muốn bạn biết. Đại đức Tông môn thời xưa, Thiền Tông khi kiểm tra người học sẽ hỏi “bạn có biết không?”. Câu nói này ý nghĩa sâu rộng. Bạn phải biết, niệm Phật bạn phải biết niệm, học giáo bạn phải biết học, giảng Kinh bạn phải biết giảng, biết rồi thì bạn sẽ thành tựu, sẽ tương ưng. Vì sao mà bạn không biết? Vì phiền não tập khí chưa trừ. Vì sao mà chưa trừ vậy? Vì nền tảng của bạn chưa tốt.
Cho nên tại chỗ này tôi xin báo cáo với các vị, Học Viện Tịnh Tông tại Úc Châu của chúng ta hiện tại đang học cái gì? Học Đệ Tử Quy. Vì sao phải học Đệ Tử Quy? Bạn làm được Đệ Tử Quy rồi, thì bạn sẽ biết. Cho nên chúng ta dùng thời gian hai năm để làm ra một sự chuyển biến, việc này rất quan trọng. Cũng giống như chúng ta muốn xây nhà lầu, trước tiên chúng ta dùng hai năm để xây nền móng. Cái móng này sau khi xây xong, thì xây cái nhà như thế nào ở bên trên đều không có vấn đề gì. Các vị hiện tại học giáo cũng vậy, giảng Kinh cũng vậy, niệm Phật cũng vậy, không có cái nền móng, không có cái gốc. Trong tình hình như vậy cho đến khi già, đến khi chết, giống như Tô Đông Pha đến lúc lâm chung nói “chỗ này dùng không đắc lực”. Tô Đông Pha không có thành tựu. Khi tôi mới học Phật, còn chưa xuất gia, Thầy Lý đã cảnh báo tôi, bởi vì khi đó còn là thân phận cư sĩ. Ngài đã nói với tôi, người xưa đừng học Tô Đông Pha, người nay đừng học Lương Khải Siêu. Hai người này đều là nhân vật vô cùng nổi tiếng ở trong giới Phật giáo, nhưng đều không có thành tựu, nói đến Phật học thì họ đều thông thạo, nói rõ ràng đâu ra đấy, mà một câu cũng không làm được.
Phật pháp, các vị vẫn phải nên hiểu rõ, tôi lần đầu tiên gặp Tổng thống Nathan, vào lúc đó ông chưa làm Tổng thống, chúng tôi cùng nhau dùng cơm. Ông ngồi cùng hàng ghế với tôi, ông nói với tôi, ông là người ấn Độ giáo, ông nói ông tôn kính Phật giáo nhất, Phật giáo trọng thực chất chứ không trọng hình thức. Tôi nghe xong rất lấy làm kinh ngạc, bởi vì đây là lần thứ hai tôi nghe được trong cuộc đời, lần thứ nhất là Chương Gia Đại Sư nói với tôi, Phật giáo trọng thực chất không trọng hình thức, lần thứ hai là ông Nathan nói với tôi. Tôi biết được đó là người hiểu biết, người không hiểu biết thì sẽ không nói được câu nói này. Nói một cách khác, Phật giáo trọng thực tiễn, trọng ở làm, tín giải hành chứng là trọng ở hành, bạn chưa làm được mà! Chúng tôi nói điều cơ bản nhất, đơn giản nhất, điều đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát tu, thập thiện nghiệp”, bạn đã làm được hay chưa? Đây là bước đầu tiên của người chân thật học Phật, bạn có thực hành được thập thiện nghiệp hay không? Bốn câu này, thì hiếu thân tôn sư, từ tâm bất sát là trì giới, đây là dạy bạn dự bị công phu cho việc học Giới, hết thảy đều áp dụng vào trong thập thiện nghiệp. Không những là trên sự tướng bạn phải làm được Thập thiện nghiệp, không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục (người tại gia thì không tà dâm), không vọng ngữ, không lưỡng thiệt. Đây là sự. Chân thật làm được là ở đâu? Là ở tâm địa công phu, đối với tất cả chúng sanh tuyệt đối không có ý niệm muốn tổn hại, thì giới điều không sát sanh của bạn mới có gốc rễ. Điều thứ hai là đối với tất cả chúng sanh tuyệt đối không có cái ý niệm chiếm lấy tiện nghi của người khác, đây là giới không trộm cắp, thì bạn đã có cái gốc rễ. Bạn không trồng cái gốc từ chỗ này thì bất luận tu học cái pháp môn nào, dù là pháp môn Tịnh Tông thù thắng đến như vậy, tuy là đơn giản dễ dàng, thành tựu thù thắng, nhưng bạn cũng không có cách nào đắc lực. Cho nên nhà Phật thường nói nhân giới được định, nhân định khai huệ. Chúng ta ngày nay sinh vào thời đại này vô cùng bất hạnh, từ nhỏ đã không có ai dạy. Không phải chúng ta không muốn học, không phải chúng ta không chịu học, mà là không ai dạy. Đến khi tuổi đã già gặp được Phật pháp thì mới hiểu ra, hiểu được rồi thì bạn phải thật làm, vào lúc này thì việc học đích thực là khó khăn rồi. Vì sao vậy? Thói hư tật xấu đã tập thành từ lúc nhỏ, bây giờ muốn sửa chữa thì không dễ sửa. Nhưng bạn không thể không sửa, nếu bạn không sửa thì bạn không có cách nào để vãng sanh, bạn niệm Phật hiệu một ngày được mười vạn tiếng, nhưng bạn cũng không có cách nào để đạt được công phu thành phiến. Cho nên bạn niệm Phật niệm cả một đời, ở chỗ này nói vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc hoa sen nhỏ nhất là nửa do tuần, thì e rằng hoa sen của bạn cũng không nổi một trượng.
Vậy thì phải làm sao?
Đi không được!
(Trích: Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ 10, Tập 311)
Được gắn thẻ , , , ,

2 bình luận trong “Vậy thì phải làm sao? Đi không được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *