Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Trừ năm tội Vô Gián và tội sát hại, còn những nghiệp ác nho nhỏ đáng phải đọa vào đường ác thì chẳng bao lâu đều được thoát khỏi cả

Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Kinh văn: “Bạch Đức Thế Tôn! Những kẻ nam người nữ ở cõi Diêm Phù Đề, lúc lâm chung thì thần thức hôn ám mê muội, không phân biệt được thiện ác, cho đến mắt và tai đều không còn thấy nghe gì nữa.
“Hàng quyến thuộc phải nên thiết đại cúng dường, chuyển đọc tôn kinh, niệm danh hiệu của Phật cùng Bồ Tát; những thiện duyên như thế có thể khiến cho người chết thoát khỏi các đường ác, và các ma quỷ,ác thần đều phải rút lui hoặc giải tán.
“Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh lúc lâm chung nếu được nghe đến danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát, hoặc một câu hay một bài kệ trong kinh điển Đại Thừa, con xem xét thấy hạng người ấy, trừ năm tội Vô Gián và tội sát hại, còn những nghiệp ác nho nhỏ đáng phải đọa vào đường ác thì chẳng bao lâu đều được thoát khỏi cả”.
Đức Phật bảo Quỷ Vương Chủ Mạng rằng: “Ông vì lòng đại từ nên có thể phát đại nguyện, ở trong sanh tử cứu hộ chúng sanh như thế. Như trong đời sau có kẻ nam người nữ nào đến thời điểm sanh tử, thì ông chớ rút lại lời nguyện đó, mà nên làm cho họ thảy đều được giải thoát, mãi mãi được an vui”.
Lược giảng:
Quỷ Vương Chủ Mạng lại bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Những kẻ nam người nữ ở cõi Diêm Phù Đề, lúc lâm chung thì thần thức hôn ám mê muội.” Lúc con người sắp chết thì khí ấm (noãn), hơi thở (tức) và các thức (sự hiểu biết) đều lìa khỏi cơ thể – xác thân không còn hơi ấm, hô hấp ngừng bặt và Thức Thứ Tám (thức A Lại Da) cũng lìa khỏi thân, đây gọi là “mạng chung” (sanh mạng hết). Khi vừa mới chết thì thần thức (tức là Thân Trung Ấm) rơi vào trạng thái hôn trầm mê muội, không còn sáng suốt tỉnh táo, không còn rõ biết gì nữa cả; đó là vì thần thức mới vừa tách rời khỏi cơ thể, chính mình vẫn chưa biết là mình đã chết.
“Không phân biệt được thiện ác, cho đến mắt và tai đều không còn thấy nghe gì nữa.”
“Không phân biệt được thiện ác” tức là không còn khả năng biện biệt, không thể biết được rõ ràng thế nào là thiện, thế nào là ác nữa. Lúc bấy giờ, kẻ lâm chung không còn nhìn thấy và cũng chẳng thể nghe thấy gì cả – tri giác về thấy và nghe đều không còn.
Vì thế, “hàng quyến thuộc phải nên thiết đại cúng dường, chuyển đọc tôn kinh, niệm danh hiệu của Phật cùng Bồ Tát.” Tất cả bà con thân thích bấy giờ nên vì người sắp chết mà làm những việc công đức tạo phước lành lớn, như thỉnh chư Tăng đến tụng kinh, hoặc tự mình tụng kinh cho người ấy.
Do đó, ở Trung Hoa khi trong gia đình có người vừa qua đời, hàng quyến thuộc thường thỉnh cầu chư Tăng tụng kinh trong suốt bảy thất (bốn mươi chín ngày), là cũng vì lẽ ấy. Như lúc Lão Hòa Thượng Hư Vân viên tịch (1959), Phật Giáo Giảng Đường tại Hương Cảng đã làm công đức tụng Kinh Đại Bát Nhã trong suốt một trăm sáu mươi ngày ròng rã. Đây là việc xưa nay chưa từng xảy ra – từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho đến nay, chưa có vị Tổ Sư nào viên tịch mà được tụng Kinh Đại Bát Nhã cả. Tổ chức một pháp hội lớn lao như vậy gọi là “thiết đại cúng dường”.
“Chuyển đọc tôn kinh” tức là trì tụng bộ kinh này – Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện.
“Những thiện duyên như thế có thể khiến cho người chết thoát khỏi các đường ác, và các ma quỷ, ác thần đều phải rút lui hoặc giải tán.” Bởi hàng quyến thuộc vì người chết mà làm các việc công đức, cho nên những nhân duyên thiện lành đó có thể hỗ trợ, giúp cho người chết xa lìa các ác đạo. Lại nữa, “đức đại tắc oan nghiệt tiêu” – kẻ có công đức lớn thì tội nghiệt cũng được giảm nhẹ hoặc tiêu tan; do đó tất cả ma quỷ và ác thần thảy đều thối lui, bỏ chạy hết, không còn đeo đuổi người ấy nữa.
Quỷ Vương Chủ Mạng lại bạch tiếp: “Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh ở Nam Diêm Phù Đề, lúc lâm chung nếu được nghe đến danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát – không cần nhiều, chỉ cần được nghe vỏn vẹn danh hiệu của một vị Phật hoặc một vị Bồ Tát mà thôi – hoặc một câu hay một bài kệ trong kinh điển Đại Thừa, con xem xét thấy hạng người ấy, trừ năm tội Vô Gián và tội sát hại, còn những nghiệp ác nho nhỏ đáng phải đọa vào đường ác thì chẳng bao lâu đều được thoát khỏi cả”.
Theo phần kinh văn trên, nếu có những người lúc lâm chung được nghe danh hiệu của một đức Phậ thay của một tôn Bồ Tát, một câu hoặc một bài kệ của kinh điển Đại Thừa mà thôi, thì có thể được tiêu trừ tất cả mọi nghiệp tội, ngoại trừ năm tội Vô Gián và tội sát hại. Năm tội Vô Gián (năm tội nghịch đáng phải đọa địa ngục Vô Gián) và tội sát hại thì vốn chẳng thể tiêu trừ được. Trong trường hợp những chúng sanh đó chỉ gây các nghiệp ác nho nhỏ, nhẹ hơn năm tội Vô Gián và tội sát hại một chút, song vẫn đáng phải đọa ác đạo, thì chẳng bao lâu Chủ Mạng Quỷ Vương cũng sẽ khiến cho họ được giải thoát, khỏi phải chịu tội.
Tuy nhiên, phần kinh văn trên cũng có thể được hiểu là cho dù các người đó có mắc năm tội Vô Gián hoặc tội sát hại thì cũng đều được giải trừ cả. Bởi nếu trong lúc cận kề cái chết, những người ấy có thể khởi lòng thành tâm đến cực điểm, thì mọi nghiệp chướng đều có thể rũ sạch; tuy nhiên, vấn đề là rất khó mà giữ được chánh niệm trong giờ phút tối hậu đó!
Đức Phật bảo Quỷ Vương Chủ Mạng rằng: “Ông vì lòng đại từ nên có thể phát đại nguyện, ở trong sanh tử cứu hộ chúng sanh như thế. Ông quả thật là có lòng đại từ bi nên mới lập thệ nguyện lớn lao này, chịu ở trong sự sanh tử của chúng sanh mà bảo hộ hết thảy chúng sanh! Như trong đời sau có kẻ nam người nữ nào đến thời điểm sanh tử, thì ông chớ rút lại lời nguyện đó, mà nên làm cho họ thảy đều được giải thoát, mãi mãi được an vui.”
KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN THIỂN THÍCH
Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng thuật
Vạn Phật Thánh Thành
Quyển Trung – Phẩm Thứ Tám
CÁC VUA DIÊM LA VÀ QUYẾN THUỘC KHEN NGỢI
XIN THƯỜNG NIỆM A DI ĐÀ PHẬT _()_
Được gắn thẻ , , , , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *