Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Trích lời Hòa thượng Tịnh Không trong Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký

Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2018 (Giảng lần 5) – HT Tịnh Không
Kinh này lấy Tín Nguyện Trì Danh làm tông yếu tu hành. Nếu không có Tín, sẽ chẳng đủ để khơi gợi Nguyện. Không có Nguyện, sẽ chẳng đủ để hướng dẫn Hạnh. Không có diệu hạnh Trì Danh, chẳng đủ để thỏa mãn Nguyện, hòng chứng thực Tín. Trong kinh, trước hết nêu bày y báo, chánh báo để sanh lòng tin. Kế đó là khuyên phát nguyện để hướng dẫn Hạnh, tiếp đến là dạy Trì Danh hòng mau đạt lên Bất Thoái. Tín là tín Tự, tín Tha, tín Nhân, tín Quả, tín Sự, tín Lý. Nguyện thì chán lìa Sa Bà, vui ưa Cực Lạc. Hạnh thì chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn.
Tín Tự là tin cái tâm một niệm hiện tiền của ta vốn chẳng phải là quả tim thịt, cũng chẳng phải là duyên ảnh (bóng dáng của các duyên), theo chiều dọc thì chẳng có trước sau, theo chiều ngang thì trọn không ngằn mé. Suốt ngày tùy duyên, suốt ngày bất biến. Các cõi nước trong mười phương hư không số nhiều như vi trần vốn chỉ là vật được biến hiện trong một niệm tâm của ta. Ta tuy hôn mê, điên đảo, mê hoặc, nhưng nếu một niệm hồi tâm sẽ quyết định được sanh về cõi Cực Lạc sẵn có trong tự tâm, chẳng còn ngờ vực gì! Đấy gọi là Tín Tự (tin vào chính mình).
Tín Tha là tin Thích Ca Như Lai quyết chẳng nói dối, Di Đà Thế Tôn quyết chẳng nguyện xuông, tướng lưỡi rộng dài của sáu phương chư Phật quyết chẳng nói hai lời. Tùy thuận giáo huấn chân thật của chư Phật, quyết chí cầu vãng sanh, chẳng còn ngờ vực gì, đấy gọi là Tín Tha (tin vào người khác).
Tín Nhân là tin tưởng sâu xa, tâm tán loạn xưng danh vẫn còn tạo nên hạt giống thành Phật [trong tương lai], huống hồ nhất tâm bất loạn, lẽ nào chẳng được sanh về Tịnh Độ? Đấy gọi là Tín Nhân (tin vào cái nhân).
Tín Quả là tin tưởng Tịnh Độ sâu xa là nơi các vị thiện nhân tụ hội, đều do Niệm Phật tam-muội mà được vãng sanh, như trồng dưa được dưa, gieo đậu được đậu, cũng như bóng nương theo hình, tiếng vang ứng theo âm thanh, quyết chẳng luống uổng. Đó gọi là Tín Quả (tin vào quả).
Tín Sự là tin tưởng sâu xa, chỉ một niệm hiện tiền trong hiện tại đã chẳng thể cùng tận, nên mười phương thế giới do tâm biến hiện cũng chẳng thể cùng tận. Quả thật có cõi Cực Lạc ở ngoài mười vạn ức cõi Phật, thanh tịnh, trang nghiêm tột bậc, chẳng giống như chuyện ngụ ngôn của Trang Sinh (Trang Tử). Đó gọi là Tín Sự (tin vào Sự).
Tín Lý là tin tưởng sâu xa mười vạn ức cõi thật sự chẳng ngoài một tâm niệm nhỏ nhoi của ta trong hiện tiền, bởi một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta quả thật chẳng có gì ra ngoài nó được. Lại tin sâu xa rằng y báo, chánh báo, chủ, bạn trong cõi Tây Phương đều là bóng dáng hiện trong một niệm tâm hiện tiền của ta. Toàn thể Sự chính là Lý, toàn thể Vọng chính là Chân, toàn thể Tu chính là Tánh, toàn thể Tha chính là Tự. Do tâm ta trọn khắp, tâm Phật cũng trọn khắp, mà tâm tánh của hết thảy chúng sanh cũng trọn khắp. Ví như một ngàn ngọn đèn thắp trong một căn phòng, ánh sáng đan xen trọn khắp, trùng trùng giao thoa với nhau, chẳng hề ngăn ngại. Đấy gọi là Tín Lý (tin vào Lý).
(Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký – Phần 2 – HT. Tịnh Không Thuật Giảng )
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *