Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Tiền cứu trợ

Không nên tuỳ tiện xuất gia!
Khi tôi còn trẻ, đọc bộ Văn Sao của Đại Sư Ấn Quang, tôi cảm thấy việc mà Ngài đã làm suốt cả cuộc đời rất đáng để cho chúng ta học theo, chỉ có điều tốt không có điều sai trái. Ngài làm những công đức gì? In kinh bố thí. In kinh rất tốt, đây là công đức chân thật. Bạn in một số kinh sách tặng cho mọi người, họ muốn xin thêm mấy quyển cũng không sao, bạn cứ cho họ thêm mấy quyển. Họ đem kinh đi bán lấy tiền thì họ có lỗi hay không? Không có lỗi, họ đem đi bán, có người mua lại, người mua thì đương nhiên phải đọc, khi họ mang đi bán thì chúng ta được hai loại bố thí, chúng ta bố thí kinh sách là bố thí pháp, họ bán được tiền, họ có tiền thì có thể sống được, vậy là đối với họ, chúng ta đã bố thí tài. Không nên sợ!
Chúng ta in kinh sách là để tặng chứ không bán, nhưng vì sao họ lại đi bán? Không nên để ý đến họ, ta nên giữ tâm bình khí hòa, vẫn luôn vui vẻ, đây là công đức chân thật. Điều này không phải là việc không tốt, nhưng nếu làm những việc khác để tu phước thì rất khó nói. Bởi vì rất nhiều việc từ thiện, trước đây các vị đồng tu chúng ta rất nhiệt tình làm, nhưng hiện giờ nghe nói họ không làm cứu trợ nữa, nguyên nhân vì sao vậy? Vì tiền cứu trợ đã bị người ta ăn hết, điều này rất khó nói, tiền không đến được tay của người bị nạn, thế nhưng việc từ thiện này có nên làm hay không? Vẫn phải làm, bản thân chúng ta làm, bản thân chúng ta phát tâm thì chúng ta có phước, có công đức. Nếu họ chiếm đoạt tiền cứu trợ này thì họ có tội, tội này không phải là ta gây ra cho họ mà là họ tự tạo. Chúng ta hoàn toàn không phải đem tiền cho họ hưởng thụ, số tiền này là chúng ta nhờ họ đi cứu giúp dân bị nạn. Cho nên mỗi người đều có nhân quả của mỗi người, vậy thì bạn sợ gì chứ? Cứ yên tâm mà làm, nhìn thấy những sự việc như vậy rồi nếu có suy nghĩ sai lầm là không dám đi làm nữa thì cơ hội tu phước của chúng ta không còn nữa, đã bị đoạn mất rồi. Đây là điều sai lầm, mỗi người đều có nhân quả riêng của chính mình.
Ở Singapore có một người rất tuyệt vời, đó là Pháp sư Đàm Thiền, không biết các bạn có biết Ngài hay không. Ông sống ở trong miếu Thành Hoàng, đã nhiều năm rồi tôi chưa gặp ông, cuộc sống của ông rất bần hàn, tôi vô cùng tôn kính ông. Ở trước miếu Thành Hoàng ông bày một cái sạp nhỏ để bán nhang và giấy tiền. Bạn thấy những người đến miếu Thành Hoàng đốt nhang đều phải mua 2-3 đồng. Ông đã bán được nhiều năm rồi, cũng có thể dành dụm được nhiều tiền. Ông dùng tiền rất là rộng rãi, thường đem tiền đi làm việc tốt. Tôi biết là ông có xây chùa, mười mấy năm trước, khoảng 15 năm trước, tôi gặp ông ở San Francisco, chúng tôi quen biết nhau lúc ở San Francisco. Ở San Francisco có một đạo tràng Đại Giác Liên Xã là do ông góp tiền xây cất, tôi biết được là do tôi ở nơi đó giảng kinh mấy lần. Kinh phí xây cất đạo tràng Đại Giác Liên Xã tổng cộng là 700 ngàn, Pháp sư Đàm Thiền đóng góp 400 ngàn đô la Mỹ. Nghe nói ở Phước Châu có ngôi chùa Tây Thiền cũng là do ông đóng góp mấy triệu đô-la Mỹ. Sau khi đóng góp tiền, ông tuyệt đối không nghe không hỏi, chỉ nói một câu, “nhân quả của mỗi người thì mỗi người chịu trách nhiệm”, ông chỉ dặn dò một câu này là xong việc, chẳng để ý đến chuyện gì, được đại tự tại. Ông không bận tâm, không lo lắng.
Khi ông đóng góp cho bạn chỉ nói một câu “nhân quả của mỗi người thì tự mỗi người gánh chịu”, bạn đem tiền làm việc tốt thì bạn có công đức, bạn làm việc xấu thì bạn có tội. Bạn làm được việc tốt thì ông cũng không kể công, bạn tạo tội thì tương lai bị đọa vào Vô Gián địa ngục, ông cũng chẳng có liên lụy gì. Hai bên đã giao ước rõ ràng, mỗi người phải tự gánh chịu nhân quả của mình. Cách làm này rất đúng pháp, làm rất hay, chúng ta nên học tập điều này. Cả cuộc đời của Đại Sư Ấn Quang là in kinh, in kinh bố thí chắc chắn là không có lỗi lầm.
(Trích: Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ 10, tập 339)
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *