Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Thế giới động loạn nên đối mặt như thế nào?

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên
* “Gặp tai nạn mà sợ, càng ra sức tu hành, ấy chính là đại nhân duyên siêu phàm nhập thánh. Nếu hễ gặp cảnh chẳng thuận tâm liền sanh oán hờn, ấy chính là đại nhân duyên vĩnh viễn đọa tam đồ ác đạo.” (Ấn Quang Đại Sư khai thị)
* Nhìn vào thời cuộc hiện tại, nguy hiểm muôn phần, nếu chiến sự xảy ra, cả nước không một chỗ nào yên vui cả! Dẫu là chỗ chưa bị chiến tranh lan đến thì cái họa thổ phỉ so với chiến tranh còn khốc liệt hơn nữa! Hãy nên bảo hết thảy già trẻ, trai gái đồng niệm “Nam-mô A Di Đà Phật” và “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Ngoại trừ cách này ra, không có cách tốt lành nào khác! Đối với tai nạn nhỏ thì sẽ gặp dữ hóa lành. Dẫu cho mọi người đều cùng chết sạch, người niệm Phật sẽ nương theo Phật lực, hoặc sanh về Tây Phương, hoặc sanh vào đường lành. Chớ nên nói “đã không thể nào tránh khỏi cái chết thì niệm Phật vô ích!” Chẳng biết: Con người được thọ sanh làm người đều do nhân duyên tội phước đã gây trong đời trước tạo thành cái gốc [để quyết định] sanh vào nhà phú quý hay bần tiện. Người niệm Phật có tín nguyện sẽ được vãng sanh; dẫu không có tín nguyện cũng chẳng đến nỗi đọa vào ác đạo, há có nên chẳng niệm để tự mình lầm, lầm người ư?
(Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Trả lời thư cư sĩ Niệm Phật)
* Hiện thời tai nạn liên miên, hãy nên chuyên tinh dốc chí niệm Phật và niệm Quán Âm, cũng như khuyên người nhà và hết thảy những người hữu duyên [đều niệm]. Niệm Phật nên niệm sáu chữ, niệm bốn chữ cũng được. Như lúc đầu thì niệm sáu chữ, niệm đến nửa chừng hoặc lúc sắp ngưng bèn niệm bốn chữ. Nếu từ đầu đến cuối chẳng niệm Nam Mô sẽ thành ngạo mạn, coi thường! Trong kinh, phàm chỗ nào xưng danh hiệu Phật, không đâu chẳng đều có chữ Nam Mô, há nên tự lập chương trình?
(Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Thư trả lời cư sĩ Trác Trí Lập (thư thứ tư))
* Phàm tu trì nói chung hãy nên giản lược; nếu niệm quá nhiều thứ, đâm ra chẳng bằng chuyên niệm một thứ tốt hơn. Chỉ vì nhân dân hiện thời không ngày nào chẳng ở trong cảnh nước sâu lửa bỏng, hãy nên niệm thêm [danh hiệu] Quán Thế Âm Bồ Tát bao nhiêu đó câu; hoặc lập một thời riêng, hoặc trong công khóa, ngay sau khi niệm Phật xong bèn niệm tiếp [danh hiệu] Quán Âm bao nhiêu đó câu, rồi tới danh hiệu các vị Bồ Tát mỗi vị niệm ba lần hoặc niệm mười lần đều được. Còn như để dạy cho người mới phát tâm thì càng giản lược càng hay.
Cần biết rằng: Đạo lý căn bản của Niệm Phật là muốn làm cho con người sanh lòng tin, phát nguyện cầu sanh Tây Phương liễu sanh thoát tử, chớ nên chỉ phát tâm cầu sự giàu – vui trong thế gian mà chẳng cầu sanh Tây Phương. Hễ nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì tai nạn trong thế gian cũng tiêu diệt được, chứ không phải là niệm Phật chẳng thể tiêu diệt tai nạn! Quán Thế Âm Bồ Tát tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh Tây Phương. Niệm Quán Thế Âm cũng cần phải trước hết là nhằm cầu tiêu trừ tai nạn, nhưng chánh yếu là cầu vãng sanh Tây Phương.
(Thư trả lời cư sĩ Chương Dĩ Thuyên (thư thứ ba))
* Hơn nữa, hiện thời thế đạo nhân tâm đã bại hoại đến cùng cực. Thiên tai, nhân họa giáng xuống bất ngờ. Họa hoạn xảy đến chẳng thể lường trước, trốn cũng không được, ngừa chẳng thể ngừa. Nếu có thể y theo những gì Văn Sao, Gia Ngôn Lục đã nói, chí thành niệm Phật và niệm Quán Thế Âm, ắt sẽ âm thầm được gia bị, hoặc chuyển biến thành không có tai nạn gì, hoặc chuyển nặng thành nhẹ, quyết chẳng đến nỗi phải chịu tai ương giống như người không niệm Phật!
(Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Thư trả lời cư sĩ Châu Trọng Hoa (thư thứ nhất))
[ Ấn Quang Đại Sư Văn Sao ]
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *