Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Thật Tướng của các pháp, chân tướng của nhân sinh và vũ trụ

Thật Tướng của các pháp, chân tướng của nhân sinh và vũ trụ
“Thật Tướng của các pháp, chân tướng của nhân sinh và vũ trụ”. Đối với tự tánh, nếu chẳng phải là người thật sự khai ngộ, quý vị sẽ chẳng có cách nào cảm nhận sự tồn tại của nó.
Thật sự giác ngộ thì cũng có thể nói là sẽ thật sự liễu giải khá nhiều hiện tượng trong vũ trụ, hiểu rõ chúng rốt ráo là chuyện như thế nào, hiểu rõ ràng, rành rẽ thì gọi là “thông đạt chư pháp Thật Tướng”. Cái hay của thông đạt là chẳng còn mê nơi huyễn tướng, đó là điều tốt đẹp thứ nhất. Điều tốt đẹp thứ hai là trên thực tế, quý vị chẳng còn tạo nghiệp. Nói cách khác, không tạo nghiệp, quý vị sẽ không lãnh quả báo, tự nhiên vượt thoát lục đạo, vượt thoát mười pháp giới. Chúng ta học tập Phật pháp cũng nhằm mục đích này. Vì sao phải học tập? Cuộc sống mê hoặc, điên đảo rất khổ. Nói thật ra, những nỗi khổ ấy rất oan uổng, vì sao? Căn bản là những chuyện ấy chẳng tồn tại, đúng là giống như nằm mộng. Trong mộng cũng tạo nghiệp ư? Cũng hiển thị “thiện có thiện quả, ác có ác báo”. Chuyện ấy có thể chẳng giả! Chỉ cần quý vị có chấp trước, chuyện ấy bèn trở thành có thật, có những huyễn tướng ấy. Ngày nào giác ngộ, những hiện tượng ấy vốn giống như kinh Phật đã nói: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Quý vị thật sự hiểu rõ, thật sự giác ngộ, trong các hiện tượng ấy, bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên, tâm quý vị đều bất động, trí huệ và từ bi thật sự sanh khởi từ nội tâm nhằm giúp cho mọi người giác ngộ. Vậy thì cuộc sống hiện tiền của quý vị xác thực là chẳng hai, chẳng khác với cuộc sống của các vị Pháp Thân Bồ Tát trong kinh Hoa Nghiêm. Đấy mới là cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn mà người thế gian mơ tưởng, quý vị đã đạt được. Sau đấy, mới chứng thực “lìa khổ, được vui” như kinh Phật đã nói, vì quý vị thật sự lìa khổ, thật sự đạt được lạc. Quý vị đã chứng thực câu nói “lìa khổ, được vui”. Câu nói ấy chẳng phải là lời hư giả!
Vì vậy, đối với các bậc đại đức trong Tông Môn, tức là các vị đại đức trong Thiền Tông, hai câu nói ấy rất hay, điều quan trọng nhất là đối với vạn vật, quý vị phải vô tâm. Cái tâm ấy là tâm gì? Tâm chấp trước, tâm phân biệt, cũng có nghĩa là: Chúng ta đối với hết thảy vạn sự vạn vật chớ nên có phân biệt, chớ nên có chấp trước, vì khắp pháp giới hư không giới và chính mình là một Thể. Chúng ta đã học Hoàn Nguyên Quán, những điều được giảng trong ấy còn rõ ràng hơn những gì khoa học hiện đại đã nói. Khoa học hiện đại phát hiện: Tất cả hết thảy hiện tượng, bất luận là hiện tượng vật chất hay hiện tượng tinh thần do đâu mà có? Từ trong Vô sanh ra Hữu. Phát hiện ấy cũng rất tuyệt diệu, nhưng vì sao từ trong Vô sanh ra Hữu, họ chẳng nói rõ ràng! Nhưng Hoàn Nguyên Quán đã giảng rất rõ ràng “vì sao từ trong Vô sanh ra Hữu?” Vì trong cái Vô ấy là tự tánh. Đối với tự tánh, nếu chẳng phải là người thật sự khai ngộ, quý vị sẽ chẳng có cách nào cảm nhận sự tồn tại của nó. Vì nó chẳng phải là hiện tượng vật chất, nên năm thức trước (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức) chẳng khởi tác dụng. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đều chẳng thể tiếp xúc, vì nó chẳng phải là vật chất. Nó cũng chẳng phải là hiện tượng tinh thần, nên thức thứ sáu là ý thức cũng chẳng cảm nhận được, thức thứ sáu lẫn thức thứ bảy đều chẳng thể cảm nhận. Nó thật sự tồn tại, lại còn là không lúc nào chẳng tồn tại, không đâu chẳng tồn tại. Nó là bản thể của vạn sự vạn vật, nói theo triết học sẽ là “bản thể của vạn vật”, còn nói theo Phật pháp sẽ là “tự tánh của vạn sự vạn vật”. Danh xưng tuy khác nhau, nhưng nói về cùng một chuyện.
Vì lẽ đó, các nhà khoa học và triết gia không thể kiến tánh, nguyên nhân là do họ chẳng buông phân biệt, chấp trước xuống! Bất quá, các khoa học gia cận đại cũng nói là phải buông phân biệt, chấp trước xuống, nhưng họ chẳng nói “không khởi tâm, không động niệm”. Nếu thật sự có thể buông phân biệt, chấp trước xuống, những người ấy sẽ sanh vào đâu? Sanh trong bốn thánh pháp giới, họ là Phật hoặc Bồ Tát trong bốn thánh pháp giới, thuộc cảnh giới ấy. Cao lắm, đích xác là rất cao, nhưng phải biết: Họ chưa kiến tánh, nên chẳng thoát khỏi mười pháp giới. Họ chẳng biết tình hình cuộc sống trong cõi Thật Báo của chư Phật Như Lai. Họ có thể biết, có thể hiểu Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát trong bốn thánh pháp giới. Điều đó đã là rất khó có, rất chẳng dễ dàng! Do đó, buông xuống là trọng yếu, nay họ cũng dạy người khác buông xuống. Ở đây, buông xuống được gọi là “vô tâm”. Vô tâm đối với vạn vật, tức là quý vị chớ nên chấp trước, chớ nên phân biệt đối với vạn vật, nhất định phải biết chúng nó và chính mình có cùng một Thể. Kinh Kim Cang nói “nhất hợp tướng”, ý nghĩa này rất sâu! Vì thế, hết thảy vạn vật vây quanh chúng ta chẳng có mảy may chướng ngại. Hư không chẳng trở ngại muôn hình tượng rạng ngời, muôn hình tượng rạng ngời cũng chẳng có mảy may chướng ngại hư không tồn tại. Đó gọi là “Thật Tướng của các pháp, chân tướng của nhân sinh và vũ trụ”.
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA – Tập 134 __(((卍)))__
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *