Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Thân người là do Tứ Đại và Ngũ Uẩn giả hợp

Hòa Thượng Tịnh Không
Từ ngữ Tứ Đại chỉ tánh chất của vật chất cơ bản, bất cứ vật gì cũng đều do vật chất cơ bản kết hợp thành, hễ tụ thì thành hình, hễ tán bèn tiêu diệt. Chẳng hạn như viên phấn này do bột phấn hợp thành, nghiền vụn nó ra thì chẳng còn nữa, chỉ là bột phấn tụ hay tán mà thôi! Khi tụ thì chẳng sanh, khi tán thì chẳng diệt, quả thật là bất sanh bất diệt. Bất cứ vật chất nào cũng đều giống như vậy. Con người thì ngoài thân thể còn có tinh thần. Tinh thần chính là Thọ, Tưởng, Hành, Thức trong Ngũ Uẩn như Tâm Kinh đã nói, chúng thuộc về tác dụng tâm lý. Ý niệm trong tâm sanh diệt vô thường. Thân do Tứ Đại giả hợp, tâm là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Đấy là chân tướng của thân và tâm, kinh Phật gọi nó là “nhân vô ngã”. Nói cách khác, thân người là do Tứ Đại và Ngũ Uẩn giả hợp, không có Ngã Thể (bản thể của cái Ngã) trường cửu, nên gọi là “nhân vô ngã”. Đức Phật lại nói “pháp vô ngã”. Chữ Pháp chỉ cho hết thảy các pháp, trong hết thảy các pháp vốn không có Ngã. Hãy nên hiểu chữ Ngã vừa nói đó mang ý nghĩa “chủ tể”, và cũng có nghĩa là “tồn tại”. Chúng sanh bất giác, đối với hết thảy pháp lầm lạc nẩy sanh cái nhìn phân biệt, huống hồ hết thảy các pháp vốn sẵn không tịch (rỗng rang, vắng lặng). Kinh Kim Cang dạy: “Nhược phục hữu nhân tri nhất thiết pháp vô ngã, đắc thành ư Nhẫn, thử Bồ Tát thắng tiền Bồ Tát sở đắc công đức” (Nếu lại có người biết hết thảy pháp là vô ngã, đắc thành Nhẫn, thì công đức của vị Bồ Tát này vượt trỗi công đức của vị Bồ Tát nói trong đoạn trước). Trong cuộc sống hiện tại, nếu luôn luôn thấu hiểu ý nghĩa và cảm nhận Khổ, Không, Vô Ngã, Vô Thường, sẽ có ích rất lớn cho việc chán nhàm, lìa bỏ thế giới Sa Bà này. Tây Phương Tịnh Độ không có những hiện tượng ấy:
  1. Thứ nhất là không khổ, tức là không có các nỗi khổ, chỉ hưởng những niềm vui.
  2. Thứ hai là chẳng Không, [cõi Cực Lạc] có thật và vĩnh hằng. Các cõi nước trong mười phương thế giới là Tướng Phần của tám thức. Tướng Phần là vật chất. Do vậy, nó là Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã. Tây Phương không giống vậy, nó là Tướng Phần của tâm tánh, là vô lậu, là chân thường.
“Yếm uế, tu xả chí cứu cánh, phương vô khả xả. Hân tịnh, tu thủ chí cứu cánh, phương vô khả thủ” (Chán cái uế thì cần phải bỏ đến rốt ráo mới không còn gì để có thể bỏ được. Ưa tịnh thì cần phải giữ lấy đến rốt ráo thì mới không có gì để giữ được). Nếu bỏ thì phải bỏ sạch sẽ. Nếu hiểu Xả có nghĩa là chuyện gì cũng chẳng làm, chỉ chuyên tâm niệm Phật thì đã hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa của Xả. Chuyện gì cũng đều làm, lại còn làm tích cực, viên mãn hơn người khác. Tích công, lũy đức, nhưng trong tâm thì thứ gì cũng chẳng có, chỉ có một câu A Di Đà Phật. Trừ Phật hiệu ra, tất cả chấp trước, vướng mắc, lo sầu đều chẳng có. Đấy mới được tính là “xả đến mức rốt ráo”. Cái tâm cầu giữ lấy Tây Phương Cực Lạc thế giới phải mạnh mẽ tột bậc, chỉ có Tây Phương thế giới, chỉ có một đức Phật A Di Đà. Cổ đức bảo như vậy là “có Tịnh Độ”. Sách Diệu Tông Sao chép: “Nếu lấy bỏ đến mức cùng cực thì cũng chẳng khác gì không lấy, không bỏ”. Diệu Tông Sao do Tri Lễ đại sư (Tứ Minh tôn giả) viết, Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ do Trí Giả đại sư viết, lời Sao do Tứ Minh tôn giả viết nhằm chú giải lời sớ của Trí Giả đại sư. Trí Giả đại sư lâm chung niệm Phật vãng sanh. Ngài tu Quán Tưởng Niệm Phật, tu theo Thập Lục Quán Kinh để vãng sanh. Bốn loại niệm Phật được chép cặn kẽ trong Quán Kinh, nhưng Trì Danh đơn giản dễ dàng nhất, ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng nhất.
(Trích PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH YẾU GIẢI GIẢNG KÝ – PHẦN 2 – Pháp sư Tịnh Không giảng thuật )
Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *