Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Tại sao niệm Phật một thời gian thì tâm tánh bỗng trở nên khó chịu, luôn cau có, gắt gỏng với mọi người – có cách nào đối trị không?

Mạng sống có hạn - Đại Sư Liên Trì
Có thể nói cái hiện tượng người tu niệm Phật được một thời gian thì tâm tánh bỗng trở nên khó chịu, luôn bức bách cau có với mọi người chung quanh, đa phần người tu niệm Phật đều gặp phải.
Nhưng rất ít người nhận ra và uyển chuyển ngăn trừ nó, mà đa phần đều thuận theo mà khởi lên các niệm sân hận, để rồi gây tổn thương mọi người chung quanh, đồng thời tạo ra cho mình vô số ác nghiệp mà bản thân chẳng hay chẳng biết. Tại sao niệm Phật lại đi đến địa ngục, đạo lý chính là ở chổ này !
Vậy tại sao lại có cái hiện tượng này ?
Đây chính là nội khảo, nói một cách khác thì chính là phiền não ma đang khởi hiện hành làm chướng đạo người tu. Những tâm niệm sân hận này không khởi lên thì thôi, một khi đã khởi lên thì rất mạnh mẽ, mãnh liệt, đôi khi chỉ với một duyên sự nhỏ nhoi không đáng kể, cũng dễ dàng khiến cho ta nẩy sinh cau có, bực mình, gắt gỏng.
Đối trước hiện tượng này, nếu ta không có đủ Định lực và ý thức tỉnh giác để giác ngộ, thì tất bị nó lôi kéo, xoay chuyển, khiến cho thoái thất đạo tâm, đi đến đọa lạc.
Cổ Đức thường nói:
“Không sợ niệm khởi, chỉ e giác ngộ chậm”.
Giác ngộ như thế nào ? Chúng ta cần phải luôn quán sát rằng tất cả những phiền não sân hận đều không thật có, đều là hư huyễn. Nó được sanh ra từ trên những chấp chước thành kiến các nhân của chính mình trong một thời điểm nhất định mà thôi !
Do đó, không nên bám víu vào nó, càng không nên thuận theo nó.
Muốn đối trị cái hiện tượng này, đòi hỏi chính mình phải có ý thức tỉnh giác cao độ.
Khi phát hiện cái ý niệm sân hận đang muốn manh ma khởi lên trong tâm, thì liền lập tức dùng câu A Di Đà Phật để khống chế nó, đè nó xuống không cho nó khởi lên. Giống như lấy đá đè cỏ vậy, gốc rể tuy vẫn còn, nhưng nó không thể tiếp tục sanh trưởng được nữa.
Dụng công lâu ngày, thì gốc rễ cũng tự chết và tiêu biến đi !
Nếu ý thức tỉnh giác chưa cao, khi cái niệm sân hận này đã khởi hiện hành ra bên ngoài thành dáng vẻ sân giận rồi, thì mới phát hiện, khi đó phải làm thế nào ?
Cần phải niệm liên tục A Di Đà Phật thật mạnh mẽ lớn tiếng, hòng dùng oai lực của câu A Di Đà Phật làm suy giảm bớt sức ảnh hưởng của ý niệm sân hận. Không nên đã nhận ra cái ý niệm sân hận đang khống chế lấy mình, mà vẫn tiếp tục thuận theo nó mà tạo tác.
Có như vậy thì mới có thể khống chế và vượt qua nó. Nếu không chính mình phải nghĩ xem bao năm tu tập, nay chỉ vì một niệm sân hận không thể khống chế này mà đốt sạch tất cả công đức tu hành, có đáng hay không ?
Nếu đã niệm Phật liên tục lớn tiếng mà vẫn không cách nào khống chế được cơn giận của mình, thì cần phải rời khỏi cảnh duyên làm mình phát sanh sân hận đó. Ta có thể đi đâu cũng được, chỉ cần không tiếp tục tiếp xúc với cái duyên sân hận nữa là được.
Tuy rằng trong tâm vẫn còn uất ức, vẫn còn khó chịu, nhưng hình chung ta đã có thể khống chế được nó, làm giảm đi sức ảnh hưởng của nó. Ngay lúc này liền để khởi câu Phật hiệu A Di Đà Phật trở lại, thì những ý niệm sân hận tàn dư sẽ được quét dọn sạch sẽ, tâm lại trở về với trạng thái thanh tịnh, bình lặng.
Nói về phiền não ma thì chẳng phải riêng sân hận, mà còn có tham lam, ích kỷ, si mê, dục nhiễm, ganh ghét, nghi ngờ, kêu căng…
Đối với những phiền não ma này, khi chúng ta gặp phải thì cần có thái độ dứt khoát mà uyển chuyển vượt qua. Không nên tự mình sợ hãi lo lắng.
Giống như khi phát hiện trong nhà có trộm, thì chủ nhà cần phải có thái độ dứt khoát rõ ràng để đuổi tên trộm đi, thì tên trộm mới sợ hãi vì bị phát hiện mà thoái lui, không dám đến trộm nữa.
Nếu như ta bày tỏ thái độ sợ hãi lo lắng, thì tên trộm sẽ càng được nước mà làm tới, khi đó tiền của đều bị mất đi là điều không thể tránh khỏi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *