Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Sa Bà chính là sự nhơ uế do tự tâm cảm nên

Sa Bà chính là sự nhơ uế do tự tâm cảm nên
(Sa Bà chính là sự nhơ uế do tự tâm cảm nên, nhưng đối với sự nhơ uế trong tự tâm, theo đúng lý phải nên chán lìa. Cực Lạc chính là sự thanh tịnh do tự tâm cảm thành, nhưng sự thanh tịnh nơi tự tâm, theo đúng lý phải nên vui cầu). Trong phần trên, tôi đã nói, hư không pháp giới đều là vật biến hiện bởi tự tánh của chúng ta. Thế giới hiện tại này, các cõi Phật trong mười phương và Tây Phương Tịnh Độ cũng chẳng phải là ngoại lệ, chúng đều do tự tánh biến hiện. Chân tâm của chúng ta rất đơn thuần thì cái được biến hiện sẽ là cõi Thường Tịch Quang. Sau khi tâm tánh đã mê thì do mê cạn hay sâu sai khác mà hiện ra chín pháp giới. Tây Phương có bốn cõi, ngoài cõi Thường Tịch Quang, trong mỗi cõi đều có ba bậc chín phẩm, toàn là đới nghiệp vãng sanh. Trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, các vị Đẳng Giác Bồ Tát nơi hội Hoa Tạng đều mang theo một phẩm sanh tướng vô minh, cũng là đới nghiệp vãng sanh. Trong các thế giới Phật khác, ba bậc chín phẩm phân chia rất rõ rệt, giữa mỗi tầng cấp có cách biệt, chỉ riêng Tây Phương thì ba bậc chín phẩm trong bốn cõi không chướng ngại. Do vậy, cổ đức nói: “Nhất sanh, nhất thiết sanh” (Sanh về một cõi là sanh về hết thảy). Đại Bồ Tát sanh vào Thượng Thượng Phẩm trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, đồng thời, Ngài cũng thấy đại chúng vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Tây Phương thù thắng như thế, cùng với các vị thượng thiện nhân tụ hội một chỗ, cái tâm cầu nguyện vãng sanh tự nhiên dấy lên. Tín nguyện là mấu chốt để vãng sanh, người đời nghe nói pháp môn Tịnh Độ, tâm cũng quy hướng, nhưng vẫn chưa thể lập chí phát nguyện cầu sanh, thật ra là do chưa tự giác ngộ. Người thật sự giác ngộ phải biết:
1. Đời người là khổ. Trong các kinh Đại, Tiểu Thừa, đức Phật đã khai thị tường tận. Chư thiên vui nhiều khổ ít, loài người thọ được mấy chục năm, khổ nhiều vui ít. Quán sát theo phương diện tạo nhân, tức là nhìn theo nghiệp tạo tác bởi thân – miệng – ý thì con người đại đa số là ác nhiều, thiện ít, quả báo trong đời sau nhất định khổ hơn.
2. Đời người là Không. Đời người như mộng, như huyễn, thời gian mấy chục năm thoáng qua. Bất luận giàu, nghèo, sang, hèn, đến lúc tắt hơi mới biết là rỗng tuếch thì chẳng phải là kẻ thông minh. Buổi tối đi ngủ, nhắm mắt lại, có khác gì đã chết? Thứ gì mới chính là của quý vị? Ngay cả thân thể cũng chẳng phải, huống hồ vật ngoài thân! Nếu giác ngộ, sẽ mở mang trí huệ, đắc đại tự tại, ý niệm được – mất sẽ giảm nhẹ, chuyện tổn người lợi mình sẽ chẳng làm nữa.
3. Đời người vô thường, biển xanh biến thành ruộng dâu, con người có sanh, lão, bệnh, tử, địa cầu luôn biến hóa, hoàn cảnh vật chất như thế đó. Người đời tợ hồ chẳng hề nhận biết, sự cảm nhận gần như đã chai lì, thiếu lòng nhân.
4. Đời người vô ngã. Tất cả hết thảy tội nghiệp đều do Ngã Chấp sanh ra. Nếu thật sự biết thân ta do Tứ Đại giả hợp thì tối thiểu là phiền não sẽ giảm bớt một nửa!
(PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH YẾU GIẢI GIẢNG KÝ – PHẦN 2 – Pháp sư Tịnh Không giảng thuật )
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *