Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Phước đức và công đức khác nhau, công đức và phước đức phải phân biệt rõ ràng, phải hiểu rõ ràng, đừng nên lầm lẫn

Đạt Ma Tổ Sư
Quý vị làm chuyện tốt, giúp đỡ người khác, đó là phước đức. Quý vị thấy thuở ấy, Đạt Ma tổ sư đến Trung Quốc, Lương Vũ Đế tiếp kiến Ngài. Có thể nói Lương Vũ Đế là một vị hộ pháp lớn nhất trong Phật giáo sử Trung Quốc, thật sự tận tâm tận lực hộ trì Phật pháp. Ông ta dùng thân phận đế vương, lập cho Phật giáo bốn trăm tám mươi tòa đạo tràng, tự viện, am, đường, hộ trì mấy chục vạn người xuất gia, chiếu cố họ, chính mình rất đắc ý. Đạt Ma tổ sư đến Trung Quốc, hai người gặp mặt, Lương Vũ Đế khoe khoang chính mình đã thay Phật môn làm những chuyện tốt đẹp như thế, hướng về Tổ thỉnh giáo, trên thực tế là khoe khoang: “Trong Phật môn, trẫm đã làm chuyện tốt đẹp nhiều ngần ấy, công đức có lớn hay không?” Đạt Ma tổ sư trả lời bằng một câu: “Trọn chẳng có công đức”. Lương Vũ Đế nghe câu ấy chẳng chịu nổi, rất bực mình, đuổi Tổ đi, chẳng biếu tặng gì. Đạt Ma tổ sư nói chẳng sai, Ngài là người thật thà. Nếu tán thán nhà vua vài câu: “Rất lớn, rất lớn”, vua sẽ khoái chí, hộ trì Tổ, [do Tổ không làm như vậy] nên nhà vua hậm hực. Đây là [Tổ Đạt Ma] nói rõ Lương Vũ Đế làm chuyện gì? Phước đức, chẳng phải là công đức. Công đức là gì? Công đức là tu hành. Trì giới có công, có công phu sẽ đạt được gì? Đắc Định, đắc Định là đức; có công phu tu Định sẽ khai trí huệ, do Định khai huệ, khai trí huệ là đức. Vì thế, những thứ ấy là thật, chẳng giả, chẳng dính dáng gì đến chuyện quý vị tu bố thí, cúng dường. Bố thí, cúng dường là tu phước, nhất định phải biết điều này. Nếu khi ấy Lương Vũ Đế hỏi: “Trẫm có phước đức hay không”? Nhất định tổ Đạt Ma sẽ giơ ngón cái lên: “Rất ư là lớn, phước đức của bệ hạ rất lớn!”
Phước đức và công đức khác nhau, quả báo của phước đức là trong ba thiện đạo, công đức chẳng phải vậy, công đức là vượt thoát lục đạo luân hồi, thành Phật, làm Tổ, đó là công đức. Công đức và phước đức nhất định phải phân biệt rõ ràng, phải hiểu rõ ràng. Chúng ta thường thấy trong chùa miếu ghi cái rương đựng tiền để người ta bỏ tiền vào là Công Đức Sương (rương công đức), lầm rồi, há phải là công đức? Người hiểu biết sẽ ghi là Phước Điền Sương (rương ruộng phước). Đó là đúng, quý vị đến gieo phước, [đó là] phước điền, chẳng có công đức. Dẫu quý vị bố thí chùa miếu nhiều đến mấy vẫn chẳng có công đức, mà là phước đức. Nhất định phải hiểu rõ điều này, đừng nên lầm lẫn. Chúng ta học Phật, phải phước huệ song tu, công đức và phước đức đều phải nên tu; quý vị chỉ tu công đức, không tu phước đức, sẽ thiếu phước! Trong kinh Phật có câu chuyện: “Tu huệ, bất tu phước, La Hán thác không bát” (Tu huệ, chẳng tu phước, La Hán đi khất thực, bát rỗng tuếch), A La Hán chứng đắc A La Hán quả, đó là công đức, nhưng thiếu phước báo, đi ra ngoài khất thực, chẳng được ai cúng dường, thiếu phước mà! Ngược lại, “tu phước, bất tu huệ, đại tượng quải anh lạc” (tu phước, chẳng tu huệ, voi to đeo chuỗi báu). Thời cổ, công cụ giao thông chưa có xe cộ. Tại Ấn Độ và Nam Dương đều dùng voi để thay thế, quốc vương ra ngoài ngồi trên lưng voi. Voi ấy là người tu hành trong quá khứ, tu phước, chẳng tu huệ, đời này đầu thai đọa trong súc sanh đạo, là vật cưỡi của quốc vương, khắp mình đeo các chuỗi báu, đó gọi là “đại tượng quải anh lạc”. Trong kinh, đức Phật thường nêu lên tỷ dụ này, dụng ý rất sâu. Nếu chúng ta thấu hiểu, hãy phước huệ song tu.
Đức Phật trọn chẳng cấm chúng ta tu phước, nhưng tu Huệ trọng yếu hơn tu phước, phải lấy tu Huệ làm chánh yếu, phải tu công đức. Trợ tu là phụ trợ thì tu phước kèm theo, phước huệ song tu. Bất luận tại gia hay xuất gia đều phải hiểu đạo lý này, vì sao? Đã gặp gỡ Phật pháp, Phật pháp thù thắng ở chỗ nó tạo cơ hội cho quý vị, ngay trong một đời này có thể viên thành Phật đạo, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, chuyện này rất hiếm có. Chẳng dễ thoát khỏi luân hồi! Đã sa vào hầm sâu này, chỉ có gặp gỡ Phật pháp thì quý vị mới có cơ hội vượt thoát luân hồi. Nhất là gặp gỡ Tịnh Độ, gặp gỡ Tịnh Độ mà nếu thật sự chịu tu tập, không ai chẳng thành công, thật sự giải thoát! Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì có thể nói thân thể này của chúng ta là thân cuối cùng trong lục đạo luân hồi, đời sau chẳng còn luân hồi nữa, điều này trọng yếu lắm! Quý vị nghĩ xem còn có chuyện gì quan trọng hơn chuyện này? Đời này chẳng thể vãng sanh, chắc chắn đời sau lại phải tiếp tục luân hồi. Chúng ta chẳng biết nỗi khổ luân hồi, nếu biết sẽ kinh sợ. Chắc chắn là luân hồi trong lục đạo thì thời gian trong tam ác đạo lâu dài, thời gian trong ba thiện đạo ngắn ngủi, tạm bợ; quý vị chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi, chắc chắn thời gian trong ác đạo sẽ dài lâu. Điều này chẳng khó hiểu, quý vị nhìn vào hoàn cảnh sống, trong cuộc sống hằng ngày, từ sáng đến tối, quý vị khởi lên mấy ý niệm là Giới, Định, Huệ? Khởi mấy ý niệm là tham, sân, si? Quý vị so sánh một chút sẽ hiểu ngay. Nếu thời gian khởi tham, sân, si dài hơn thời gian Giới, Định, Huệ, sẽ đi vào tam ác đạo, tâm tham là ngạ quỷ đạo, sân khuể là địa ngục đạo, ngu si là súc sanh đạo. Do vậy, nếu lắng lòng phản tỉnh một phen, [sẽ thấy] rất đáng sợ! Trong một ngày, từ sáng đến tối, xử sự, đãi người, tiếp vật, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, dấy lên niệm nào, nói câu nào, làm chuyện gì, quý vị hoàn toàn hiểu rõ, chẳng cần hỏi ai khác, còn chẳng biết đời sau bản thân mình sẽ sanh vào đâu ư? Vì vậy, muốn vãng sanh thì phải nắm vững câu Phật hiệu, đọc kinh mỗi ngày, tối thiểu là niệm một bộ kinh Vô Lượng Thọ, niệm một bộ kinh, niệm Phật hiệu càng nhiều càng tốt. Chắc chắn thời gian niệm Phật hiệu phải dài hơn thời gian suy nghĩ lung tung, quý vị mới có thể nắm chắc. Nếu không chống lại được, vãng sanh còn phải đánh dấu hỏi, chưa xác định. Tụng kinh, niệm Phật là công đức chân thật, tu thiện tích đức là chuyện tốt đẹp, phước huệ song tu, như vậy là đúng.
• Trích từ: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – Tập 95.
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không.
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hoà.
Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Xin thường niệm A DI ĐÀ PHẬT, nguyện cầu sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc.
Được gắn thẻ , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *