Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Phật giáo biến chất thành Tôn giáo

Phật giáo biến chất thành Tôn giáo - HT Tịnh Không
Chúng ta học Phật, có thể nói là cơ duyên vô cùng thù thắng. Chúng ta gặp được chân thiện tri thức, dẫn dắt chúng ta hiểu biết về Đức Thế Tôn, học tập theo ngài, sự chỉ đạo này vô cùng chính xác. Hiểu biết về Đức Phật, thân phận của ngài là gì? Ngài không phải là nhà Tôn giáo, ngài là nhà giáo dục, suốt đời làm công việc dạy học.
Hiện nay tất cả nghi thức trong Phật giáo, những pháp sự trong nhà Phật, vào thời Đức Phật hoàn toàn không có. Đến việc tu hành, hiện nay chúng ta thường thấy như Thiền thất, Phật thất, trong thời Phật có chăng? Không có, lúc Đức Phật tại thế chưa từng có khi nào niệm Phật cùng với mọi người, không có. Cũng không có tu thiền thất hay Phật thất với mọi người, không có. Quả đúng như cổ đức nói: Sư phụ nhận vào chùa, tu hành do mỗi người. Họ chỉ dạy cho quý vị, giải đáp vấn đề cho quý vị, quý vị đã hiểu hết. Còn việc tu hành chứng quả như thế nào, là việc của mỗi chúng ta. Nên Phật giáo nói “khai thị ngộ nhập”, trong Kinh Pháp Hoa đã nói như thế. Phật đối với đệ tử chỉ thực hành hai chữ khai thị. Khai là gợi mở, thị là chỉ thị, làm như vậy để chúng ta thấy, ngài làm gương cho chúng ta noi theo. Ngộ nhập là việc của mỗi chúng ta, việc của mỗi người đệ tử. Học trò tiếp thu khai thị của thầy, phải có năng lực ngộ nhập, đó mới là thành tựu thật sự, mới được đắc pháp. Ta phải ngộ nhập mới được, điều này quan trọng hơn tất cả.
Sự suy yếu của Phật giáo, Phật giáo biến chất thành Tôn giáo, thời gian chưa bao lâu, Phật giáo biến thành Tôn giáo. Trước đây pháp sư Đạo An nói với tôi, chắc không quá 300 năm, vì sao vậy? Thời nhà Thanh vào các đời Càn Long, Ung Chính, Gia Khánh vẫn là giáo dục, tự viện am đường là nơi giáo dục Phật giáo, không phải Tôn giáo. Một số nơi có quy mô nhỏ, như trường chuyên khoa bây giờ. Các bậc thánh hiền nhân thế xuất thế gian nói: “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, giống như trường đại học chuyên khoa vậy, rất có thành tựu. Các đại tùng lâm, thì giống như trường đại học hiện nay vậy, trong này có rất nhiều lớp, lớp tức ngày nay chúng ta gọi là phòng học. Ngày xưa mỗi nơi thờ tự đều là lớp học, đều là phòng học. Do hòa thượng thủ tọa đảm nhận hướng dẫn, đảm nhận giáo vụ. Rất nhiều pháp sư nghiên cứu kinh luận, rất nhiều pháp sư giảng giải chỉ đạo học tập. Cho nên trong một ngôi chùa lớn, mở rất nhiều lớp học, chúng ta muốn học gì thì đến đó báo danh, trong Phật giáo xin lưu trú. Tôi đến học bộ kinh này, ví dụ học Kinh Hoa Nghiêm_sau khi báo danh, nếu có tên kinh này, quý vị phù hợp điều kiện liền tiếp nhận, quý vị có thể ở lại đạo tràng để học bộ kinh này. Học xong bộ kinh này tức là tốt nghiệp, tốt nghiệp xong muốn học tiếp cũng được, muốn ra đi cũng được. Bởi vậy đây thật sự là một trường học, không liên quan đến Tôn giáo.
Hiện nay có rất nhiều tự viện Phật giáo, không có học tập kinh giáo, thay vào đó là kinh sám Phật sự. Đây thuộc về Phật giáo của Tôn giáo, chúng ta không thể không biết. Nếu chúng ta học Phật, thì phải học theo Đức Thế Tôn, điều này tuyệt đối không sai.
Trong Phật giáo đại thừa nói, tám vạn bốn ngàn pháp môn, niệm Phật là một trong tám vạn bốn ngàn pháp môn. Pháp môn này được gọi là ba căn phổ bị, lợi độn nhiếp thu. Trong ba căn có hàng thượng thượng căn, chư vị nên biết, nếu trong này không có đạo lý cao thâm, làm sao có thể vừa ý hàng thượng thượng căn học tập? Chắc chắn có đạo lý, đạo lý thật sự thâm sâu. Từ trong kinh giáo, chúng ta thấy có đoạn kinh văn như vậy: Pháp môn này chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu tột. Đạo lý này đến Đẳng Giác Bồ Tát, đều không thể hoàn toàn thấu triệt, nên nó được gọi là pháp khó tin. Nhưng tu hành không khó, khó tin dễ hành.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 144)
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *