Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật, Tịnh Độ

Niệm A Mi Đà Phật nhiều năm như vậy vẫn chưa thông

Xa lìa hưởng thụ danh văn lợi dưỡng
Chúng ta niệm A Mi Đà Phật nhiều năm như vậy vì sao vẫn chưa thông? vì tâm chúng ta vẫn còn tự tư tự lợi, chưa hàng phục được phiền não, tu học phải bắt đầu từ căn bản này. Cổ nhân thường nói: “miệng niệm di đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công”. Cho nên ngài từ vân quán đảnh nêu ra quả báo niệm phật có thể bị rơi vào địa ngục là không sai!
Hiện tại chúng ta ngày ngày niệm Phật, niệm qua mấy năm, niệm qua mấy chục năm, nhưng tin tức này vẫn không thông, do nguyên nhân gì? Phiền não của chúng ta chưa phục được, cho nên không thông. Điều quan trọng nhất trong phiền não, căn bản của căn bản, trong lúc giảng giải tôi thường hay nói qua với các vị, là tự tư tự lợi. Cách nói này của tôi, mọi người dễ hiểu, thuật ngữ trên Phật Kinh gọi là “thân kiến”. Thân kiến chính là tự tư tự lợi. Tất cả đều muốn vì ta, vậy thì xong rồi. Ngày nay chúng ta đoạn phiền não cũng tốt, phục phiền não cũng tốt, đều phải hiểu được bắt tay từ căn bản. Tông môn nói tu từ căn bản, giáo hạ cũng không ngoại lệ.
Người niệm Phật chúng ta phục phiền não cũng phải hiểu được một đạo lý là không luận tu học pháp môn gì, phải tu từ căn bản. Trước tiên phải phục “ngã kiến”, hay nói cách khác, trước tiên phải bạt trừ tự tư tự lợi. Cái thứ này hại chết người. Người học Phật, tu học pháp môn niệm Phật, một ngày từ sớm đến tối cầm lấy chuỗi hạt,niệm: “A Mi Đà Phật… A Mi Đà Phật…”, cầu nguyện vãng sanh, sau cùng vãng sanh đến nơi nào? Vãng sanh đến A Tỳ Địa Ngục. Việc quái lạ! Khi tôi còn làm học sinh cầu học với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi đã đọc “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao” do Pháp sư Từ Vân Quán Đảnh làm vào thời Càn Long tiền Thanh. Ở phía sau của “Sớ Sao”, Ngài nêu ra niệm Phật có một trăm loại quả báo khác nhau, quả báo thứ nhất là đọa A Tỳ Địa Ngục, quả báo sau cùng là thượng phẩm thượng sanh. Tôi cảm thấy vô cùng kinh ngạc, một ngày từ sớm đến tối niệm A Mi Đà Phật, vì sao niệm đi đến A Tỳ Địa Ngục? Tôi đặc biệt thỉnh giáo với lão sư Lý, tôi có nghi vấn đối với việc này:“Niệm Phật có không tốt cũng không đến nỗi đọa A Tỳ Địa Ngục”. Lão sư Lý nghe tôi nêu ra vấn đề này, thầy nói: “Nghi vấn này là vấn đề lớn, tôi không nói với một mình ông. Khi giảng Kinh sẽ nêu ra giảng giải cùng mọi người”.
Vì sao niệm Phật lại đi đến A Tỳ Địa Ngục? Ý niệm tự tư tự lợi quá nặng,tuy là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, nhưng mỗi niệm không buông xả tự tư tự lợi, ngay trong cuộc sống thường ngày vẫn là tranh danh đoạt lợi với người. Thì ra là như vậy! Tuy là miệng niệm Di Đà, nhưng danh vọng lợi dưỡng, tham-sân-si-mạn, phải quấy nhân ngã trong lòng không có thứ nào buông xả, vậy đương nhiên là đọa A Tỳ Địa Ngục rồi, không có lời gì để nói.
Chúng ta từ ngay chỗ này có được sự khải thị rất lớn, sau đó mới biết được niệm Phật không phải chỉ có miệng niệm, chỉ có miệng niệm thì không hữu dụng. Chẳng trách người xưa thường nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công”. Niệm Phật phải niệm thế nào? Nghĩ tưởng xem ý nghĩa của “niệm” là gì? Văn tự Trung Quốc chúng ta là phù hiệu của trí tuệ, chữ “niệm” bên trên là chữ “kim”, phía dưới là chữ “tâm”. Thì ra ý nghĩa của chữ “niệm” là tâm của hiện tại, trên tâm hiện tại có Phật thì gọi là niệm Phật. Không nhất định là miệng niệm, mà trong tâm phải thật có Phật. Nếu trong tâm không có Phật, chỉ trên miệng có Phật thì không hữu dụng, nhất định trong tâm phải có Phật. Trong tâm có A Mi Đà Phật rồi, ý nghĩa của A Mi Đà Phật là gì? Nếu như chỉ niệm một câu Phật hiệu này mà không hiểu ý nghĩa thì không thể tương ưng.
Cũng có lẽ các vị hỏi, có rất nhiều người không có văn hóa, người không có nhận qua giáo dục, cũng không có nghe Kinh, Phật lý, thế gian lý họ đều không hiểu thứ gì, thế nhưng niệm Phật không được bao lâu thì họ chân thật vãng sanh, Phật tiếp dẫn họ đi rồi,việc này là thế nào vậy? Tỉ mỉ đi quán sát họ, thì ra ý nghĩa hàm chứa trong câu “A Mi Đà Phật”, họ thảy đều làm được rồi, cho nên họ có thể vãng sanh. Họ không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không có tự tư tự lợi, không có phải quấy nhân ngã, không có tham-sân-si-mạn, đối nhân xử thế tiếp vật là một mảng từ bi. Việc này tuy là họ chưa học qua, thế nhưng họ khởi tâm động niệm liền tương ưng với Phật.
(Trích: Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần 10, tập 181)
Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *