Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Nho Giáo cũng răn dè việc sát sanh – Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục

Nho Giáo cũng răn dè việc sát sanh
Một niệm tâm tánh của hết thảy chúng sanh và một niệm tâm tánh của tam thế chư Phật trọn chẳng phải hai; nhưng do mê chưa ngộ, nên bao kiếp dài lâu luân hồi trong lục đạo, vĩnh viễn không ngừng nghỉ. Tuy đường lành trời người so với tam đồ ác đạo khổ vui khác xa nhau, nhưng đều là thuận theo nghiệp lực thiện ác mà thường luân chuyển! Thiện đạo chẳng đáng tin cậy, ác đạo thật đáng sợ. Há chẳng nên vun bồi nhân lành, cứ lầm lạc tạo ác nghiệp, cứ cậy mình mạnh, hiếp đáp kẻ yếu, bắt lấy hết thảy chúng sanh trên cạn, dưới nước để giết ăn hay chăng?
Trước kia, khi Phật giáo chưa truyền sang [Trung Hoa], thánh nhân Nho giáo đều dùng luân thường thế gian để giảng dạy. Đối với Phật tánh sẵn có của chúng ta và sự chuyển biến, thăng trầm, luân hồi lục đạo, cũng như chuyện đoạn Hoặc, chứng Chân, siêu phàm, nhập thánh, dù là Lý hay Sự, đều chưa giảng ra. Vì thế, chẳng cấm giết, nhưng cái tâm bất nhẫn đã nêu rõ rành rành trong các lời dạy để lại cho đời. Chẳng hạn như, kinh Thư nói “chim, thú, cá, ba ba đều sống yên vui”, sách Luận Ngữ nói “thả câu, nhưng chẳng vãi chài, bắn chim, chỉ bắn con đang bay, chẳng bắn những con đang đậu”. Mạnh Tử nói “thấy sống, không nỡ thấy chết; hễ nghe tiếng [kêu gào của con vật bèn] chẳng nỡ ăn thịt”. Kinh Lễ chép: “Chư hầu chẳng vô cớ mổ trâu; đại phu chẳng vô cớ giết dê, kẻ sĩ chẳng vô cớ giết chó, lợn; thứ dân chẳng vô cớ ăn món ngon”. “Món ngon” chính là thịt vậy.
Đủ thấy rằng: Đối với việc sát sanh, Nho Giáo cũng chẳng phải không có răn dè, chỉ là quyền biến để dạy dỗ, chứ chưa thể vĩnh viễn cấm hẳn được. Có duyên cớ mới giết, cố nhiên kẻ giết cũng ít. Vô cớ chẳng ăn thịt thì trong một năm được ăn thịt mấy ngày? Hậu thế, sự giáo hóa suy đồi, quen thói tàn nhẫn, bèn coi chuyện ăn thịt như chuyện cơm bữa trong nhà, chỉ cốt sao khoái khẩu, chẳng biết đến nỗi khổ của loài vật.
Đến khi Phật giáo truyền sang phương Đông thì chân lý, sự thật thường trụ vĩnh viễn “hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh” và “mê thì luân hồi sanh tử, trọn không lúc nào xong”, “ngộ thì triệt chứng Niết Bàn” mới được xiển minh rốt ráo. Mới biết rằng bao nhiêu dị loại đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai. Không chỉ chẳng dám giết ăn, mà còn mong cho chúng nó đều được sống yên ổn. Do vậy, vua thánh, tôi hiền, bậc triết sĩ, bậc hồng nho, đa số đều kính tuân lời Phật giáo huấn, vun đắp lòng nhân của chính mình. Hoặc là ăn chay, bỏ hẳn ăn mặn, hoặc là kiêng giết, phóng sanh. Những lời lẽ tốt lành, hành vi hay đẹp ấy được chép trong các sử sách cũng chỉ nhằm mong người đời sau đều cùng tu tâm từ, thương xót loài vật, cùng thấy Phật tánh. Do nhân duyên ác nghiệp, đọa trong đường súc sanh. Ta nay may được sanh trong loài người, nếu chẳng tăng thêm lòng thương xót, cứ mặc tình sát hại, khó tránh đời sau oan oan tương báo.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Giết thân mạng chúng, hoặc ăn thịt chúng, trải vi trần kiếp ăn lẫn nhau, giết lẫn nhau, giống như bánh xe lăn, hết lên cao lại xuống thấp, chẳng có lúc ngừng. Trừ [lúc chính mình đắc] xa-ma-tha và lúc Phật xuất thế, chẳng thể ngưng nghỉ được”. Nhưng đạo Xa-ma-tha thật chẳng dễ đắc, Như Lai xuất thế cũng khó gặp gỡ, há dám chẳng học theo gương tiên hiền, chẳng tuân lời Phật dạy. Suy cái tâm sợ chết của mình mà cứu vớt loài đợi bị nấu nướng kia để mong tiêu trừ túc nghiệp, vun bồi căn lành, dứt vĩnh viễn cái nhân sát hại, cùng chứng quả trường thọ vậy!
(Trích: Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Mục IV: Khuyên chú trọng nhân quả, Giảng những điểm trọng yếu trong việc kiêng giết)
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *