Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Nhìn thấy là việc tốt, nhưng trên thực tế lại là việc sai lầm!

Pháp giới Tứ thánh là giấc mơ đẹp - A MI Đà Phật
Thông thường người ta cho rằng chính mình đã làm được rất nhiều việc tốt, cho rằng mình tu được rất nhiều công đức, tôi thấy không phải vậy. Rất nhiều người ở đấy nỗ lực tu công đức, làm việc tốt, tương lai cũng phải đọa ba đường ác. Nguyên nhân do đâu? Những việc tốt đó của họ nhìn có vẻ đúng mà lại sai, không phải là việc tốt, không những tương lai không tốt, trước mắt cũng không tốt, nhìn tưởng chừng là việc tốt, nhưng kỳ thật đã làm sai.
Ví như đạo tràng Phật giáo chúng ta làm sự nghiệp từ thiện, bạn nói có tốt hay không? Xã hội khen ngợi, quốc gia còn tặng một tấm biển lớn để bạn treo lên, các bạn đối với xã hội có cống hiến rất lớn, đây có phải là việc tốt không? Nhìn thấy là việc tốt, nhưng trên thực tế lại là việc sai lầm. Sai ở chỗ nào? Đạo tràng Phật giáo là làm những công việc gì? Là giáo dục Phật Đà, đây là việc thuộc bổn phận của bạn. Cũng giống như mọi người thành lập một trường học, trường học nên làm những việc gì? Thầy cô cùng học trò hằng ngày phải lên lớp, đây là việc chính. Ngày nay, thầy giáo không dạy học, học trò cũng không đến lớp, mỗi ngày đi làm sự nghiệp từ thiện, đây là việc tốt hay sao? Sai rồi! Cách làm như vậy thì hiệu trưởng đó sẽ bị cách chức xét xử, học sinh sẽ bị khai trừ. Thế nên, nhất định phải phân biệt thực hư, chánh tà, phải thật rõ ràng sáng tỏ.
Lại nói thêm về đạo tràng này của chúng ta, cho nên tôi khuyên các đồng tu chúng ta, điều đáng quý của đạo tràng chính là giúp mọi người phá mê khai ngộ, vì vậy nhất định phải có một tông chỉ, phải có một mục tiêu. Đạo tràng này của chúng ta là đạo tràng Tịnh tông. Trung Quốc có mười tông phái lớn, chúng ta ở đây là đạo tràng Tịnh độ tông, nơi này chỉ hoằng dương những gì của Tịnh độ tông. Mọi người đến bên này, chúng ta chỉ có một cửa vào, một lối đi. Nếu như trong đạo tràng này của chúng ta còn có những thứ của Pháp tướng tông, còn có những thứ của Pháp hoa tông, còn có những thứ của tông phái khác, khi người ta đến đây liền nghĩ: Rốt cuộc tôi phải học pháp môn nào mới tốt? Nhìn bề ngoài xem ra đạo tràng này rất tuyệt, tâm lượng của pháp sư cũng rất lớn, bạn xem ông đều dung nạp tất cả, kỳ thật đã sai. Bạn khiến cho đại chúng khi đến nơi này của bạn chẳng biết nghe theo ai, đây là tội lỗi.
Người niệm Phật tu Tịnh độ thì đến chỗ này của chúng ta, còn người thích học tham thiền, nghe nói Phật Quang Sơn nơi đó có tổ chức tọa thiền, hãy đi đến bên đó, như vậy thì đúng. Người thích làm việc từ thiện, nơi này có hội Từ Tế Công Đức, hãy đến bên đấy của họ; mỗi một đạo tràng đều có tông chỉ của họ, có phương hướng của họ, có mục tiêu của họ, không thể pha trộn với nhau, làm cho loạn cả lên. Không thể dùng cách này để lôi kéo tín đồ, “ở đây chúng tôi pháp môn gì cũng có, chỗ của chúng tôi tốt lắm, mọi người đến đây thì cái gì cũng học được”, kết quả là chẳng thành tựu được gì. Sao có thể không có lỗi với người ta cho được! Đối với việc này, nếu bạn không có con mắt tinh tường, biết nhìn xa trông rộng, không có trí tuệ chân thật thì bạn sẽ nhìn không ra.
Tuyệt đối không phải tâm lượng nhỏ hẹp, mà là khi ta dẫn dắt người sơ cơ cần phải hướng dẫn cho họ có một phương hướng chính xác. Chúng ta lưu thông kinh sách, băng đĩa cũng là như vậy. Nếu như kinh sách, băng đĩa trái ngược với phương hướng của Tịnh tông mà lại đặt ở nơi này của chúng ta, khi người ta xem thấy sẽ cho rằng chúng ta khẳng định nó, nghĩ rằng chúng ta ở đây đề xướng nó. Nếu như thính chúng họ đi sai đường rồi, chúng ta có phải chịu trách nhiệm hay không? Trách nhiệm nhân quả này phải gánh quá lớn. Bản thân bạn đi sai đường là đáng đời! Bạn còn dẫn người khác đi sai đường nữa thì trách nhiệm nhân quả mà bạn gánh lấy nặng nề lắm, việc này không thể không lưu ý, không thể không lưu tâm cẩn thận.
(Trích lục từ bài giảng: Nhận Thức Phật Giáo, tập 1)
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *