Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Nhẫn nhục thành tựu rồi thì tam muội mới hiện tiền

Lý luận và sự thật của nhân quả - Lão Pháp Sư Tịnh Không
Trong Kinh Phật nói với chúng ta: “Nhẫn nhục thành tựu rồi thì tam muội mới hiện tiền”. Đối với nhiều đồng tu niệm Phật lâu năm khi có người đến hỏi họ: “Quý vị niệm Phật nhiều năm như vậy, xin hỏi quý vị vãng sanh có nắm chắc không?”.
Họ đều lắc đầu nói: “Không chắc chắn”.
Vậy thì anh tu thế nào vậy? Người chân chánh biết dụng công, xin thưa với quý vị người giỏi, căn tánh bén nhạy niệm Phật được 3 tháng, quý vị hỏi họ có chắc chắn được vãng sanh hay không thì họ sẽ gật đầu nói có. Còn như niệm được 6 tháng cho đến 1, 2 năm đạt được công phu đắc lực, nắm chắc phần vãng sanh đó thì rất nhiều rất nhiều. Còn như chúng ta đây tại sao đã niệm Phật được nhiều năm như vậy rồi mà vẫn chưa chắc chắn chính mình được vãng sanh? Đó vì là niệm Phật không như Pháp, tuy rằng niệm Phật nhưng phiền não tập khí của chính mình lại không cách nào đè phục nổi. Nói một cách khác thì là chúng ta vẫn chưa nhìn thấu, cũng chưa buông xuống, cho nên công phu không đắc lực.
Trong tất cả phiền não tập khí của chính mình, cái nghiêm trọng nhất chính không biết nhẫn nhục, khi gặp hoặc nghĩ đến những người mình không thích thì liền nổi giận, hoặc gặp những việc trái ý một chút thì liền nổi nóng muốn đạp đổ tất cả. Chính cái tập khí nóng giận này đã chướng ngại mất công phu của chúng ta, chướng ngại con đường vãng sanh của chúng ta. Không cần biết chúng ta niệm Phật lợi hại cỡ nào, trong một ngày có thể niệm hơn 10 vạn câu Phật hiệu, nhưng nếu không biết nhẫn nhục, vẫn cứ thường thường khởi lên cái tâm nóng giận, vậy thì trong đời này chỉ có thể kết chút thiện duyên với A Di Đà Phật mà thôi, vẫn không thể vãng sanh. Cho nên trong việc tu hành, tu nhẫn nhục quá ư là quan trọng. Trước kia tôi đã từng khuyên rất nhiều người như sau:” Anh hãy bình tĩnh suy nghĩ xem trong đời này của anh, ai là người mà anh hay gây khó dễ nhất, ai là người mà anh ghét nhất, ai là người mà anh không muốn gần gũi nhất, ai là người cùng với anh luôn là oan gia đối đầu. Anh hãy cúng cho họ một cái bài vị trường sanh, rồi đem thờ bên cạnh tượng Phật trong nhà anh, hằng ngày anh lạy Phật cũng lạy họ luôn. Trong tâm luôn hy vọng có một ngày oán thân bình đẳng, mối oán kết này được tháo gỡ ra”.Khi nghe xong cái phương pháp này cũng có nhiều vị đồng tu rất khá đã làm theo lời tôi nói. Lạy được vài ba năm thì họ đến gặp tôi và nói: “Thưa Pháp Sư ! Vẫn chưa được, khi nghĩ đến nó con vẫn còn giận”.
Họ đã nói với tôi như vậy, tôi nói với họ: “Anh hãy cứ tiếp tục lạy. Đây là vì công phu nhẫn nhục của anh chưa đủ, anh phải lạy đến khi nào nghĩ đến nó anh không còn thấy giận nữa, khi gặp mặt thì vui mừng, thì xem như Nhẫn Nhục Ba La Mật của anh đã tu thành công rồi”.Chúng ta nên hiểu rằng lạy 2, 3 năm mà khi nhắc tới vẫn còn thấy tức giận thì là công phu chưa đủ, công phu chưa đủ thì cần phải tiếp tục cố gắng thêm. Công phu này của ta cũng chẳng có luống mất, cho nên đừng nên nản chí mà hãy cứ tiếp tục nổ lực. Phương pháp tôi nói trên đây thì lại càng triệt để, đây là nhổ từ cái gốc. Gốc ở đây là gì ? Gốc ở đây chính là ngay trong tâm mình. Chúng ta mỗi ngày lạy bài vị trường sanh của người ta ghét nhất, của người ta giận nhất, của oan gia đối đầu, tức là đem sự oán giận trong ngay trong chính tâm mình mài mòn đi, lâu ngày dài tháng liền có thể đem tất cả những phiền não oán giận này tiêu trừ sạch sẽ, thành tựu Nhẫn Nhục Ba La Mật cho chính mình.
Tài Liệu Tham Khảo: Pháp Ngữ Của Pháp Sư Tịnh Không
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *