Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Nếu mọi người cùng mang chí này, khó gì chẳng cảm được thiên hoà

Địa Tạng Bồ Tát

Tuy nói là yêu tiếc sanh mạng loài vật nhưng thật ra là nhằm bảo vệ sẵn cho bản thân mình. Nếu mọi người cùng mang chí này, khó gì chẳng cảm được thiên hoà.

Sát kiếp thê thảm trong thời gần đây xưa nay chưa từng nghe thấy. Xét đến nguyên do đều do ăn thịt mà ấp ủ thành, nghĩa là: Ăn thịt là nhân gây nên sát kiếp, sát kiếp là cái quả của việc ăn thịt, rồi quả lại tạo nhân, nhân lại cảm quả, xoay vần giết lẫn nhau để ăn thịt, trọn chẳng có lúc nào ngưng, chẳng đáng buồn ư? Nỗi thảm sát kiếp ai nấy cùng kinh sợ, nhưng nỗi thảm sát sanh ăn thịt, ai nấy cùng vui! Thật chẳng khác gì tự giết mình để ăn thịt và tự giết cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc để ăn thịt vậy. Do đó, kinh Nhập Lăng Già dạy: “Hết thảy chúng sanh từ vô thủy đến nay, luân hồi trong sanh tử chẳng ngơi. Không ai chẳng từng làm cha mẹ, anh em, con cái, quyến thuộc, thậm chí bè bạn, người thân ái, kẻ hầu hạ, qua đời khác phải thọ những thân cầm thú. Sao lại bắt lấy những con vật trong số ấy để ăn thịt?” Lỗi hại của sự ăn thịt chẳng thể kể xiết!

Các thiện sĩ ở Tuyền Châu muốn vãn hồi sát kiếp nên lập ra Đại Đồng Phóng Sanh Hội. Phóng sanh chính là muốn cảm phát lòng từ bi của mọi người, từ đó chẳng nỡ ăn thịt. Đã không ăn thịt thì hiện tại chẳng tạo sát nghiệp, tương lai chẳng phải chịu sát báo. Tuy nói là yêu tiếc sanh mạng loài vật, nhưng thật ra là nhằm bảo vệ sẵn cho bản thân mình. Nếu mọi người cùng mang chí này, khó gì chẳng cảm được thiên hòa. Nếu người phóng sanh cứ phóng sanh, kẻ ăn cứ ăn thì những con vật được thả chỉ hữu hạn, những con vật bị ăn là vô cùng, tiêu trừ sát nghiệp cho cá nhân phóng sanh thì được, chứ chưa thể tiêu trừ sát nghiệp cho những người đồng phận được. Vì thế, thâu tóm những lời lẽ khuyên răn rõ ràng dễ hiểu của cổ nhân, [soạn thành bộ sách] đặt tên là Từ Bi Kính (Gương Từ Bi) lưu truyền khắp trong làng xóm, ngõ hầu người thấy nghe đều dấy lòng từ bi, đều cùng kiêng giết, đều cùng ăn chay hòng vãn hồi kiếp vận, cùng hưởng thái bình. Do vậy, tôi bèn lược thuật lỗi hại của việc ăn thịt để phụ trợ. Nguyện những ai ăn thịt sẽ nghĩ loài vật như chính mình, nghĩ chính mình [đang lâm cảnh khổ] giống như loài vật, nghĩ như thế lâu ngày ắt sẽ bị sức ép đến nỗi ăn thịt cũng chẳng dám, há còn vì mong cầu thỏa mãn bụng miệng đến nỗi tế thần, cúng giỗ tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, đãi khách nếu dùng món chay là không được, cứ phải sát sanh mới được ư?

(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, Nêu bày ý nghĩa ẩn kín của bộ sách Từ Bi Kính)

Được gắn thẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *