Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Lấy việc “kiêng giết, ăn chay” làm diệu pháp bậc nhất – Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục

Ấn Quang Đại Sư
Trong các ác nghiệp, chỉ có sát nghiệp là nặng nhất. Khắp dưới gầm trời, không một ai chẳng tạo sát nghiệp. Dù cả đời chẳng sát sanh, nhưng hằng ngày ăn thịt tức là hằng ngày sát sanh! Bởi chẳng giết, chắc chắn chẳng có thịt! Kẻ mổ thịt, kẻ săn bắt, kẻ đánh cá đều là để cung cấp cho nhu cầu của người ăn thịt, họ giết hại thay cho ta. Nhưng một cửa ải “ăn thịt, ăn chay” thật sự là nguyên nhân chẳng nhỏ khiến cho chúng ta thăng hay trầm, thiên hạ bình trị hay loạn lạc vậy, chẳng phải là chuyện nhỏ nhặt!
Những ai yêu thân mình và yêu thương trọn khắp mọi người trên cõi đời, muốn được trường thọ, an lạc, chẳng mắc phải tai họa ngoài ý muốn, phải lấy việc “kiêng giết, ăn chay” làm diệu pháp bậc nhất để vãn hồi thiên tai, nhân họa. Do một niệm tâm tánh của hết thảy chúng sanh chẳng khác với chư Phật, mà cũng chẳng khác với một niệm tâm tánh của chúng ta. Chỉ vì túc thế ác nghiệp nên đọa vào dị loại; vì thế, phải sanh lòng thương xót lớn lao, lẽ đâu mặc sức giết chóc?
Người đời vô tri bị tập tục trói chặt, thường coi sát sanh ăn thịt là vui, chẳng nghĩ đến các con vật bị giết ôm nỗi thống khổ, oán hận như thế nào! Cậy mạnh hiếp yếu, coi là chuyện đương nhiên; một khi đao binh khởi lên, tình cảnh có khác gì những con vật bị giết? Đốt cháy nhà cửa ngươi, hãm hiếp vợ con ngươi, cướp tiền tài của ngươi, giết thân mạng ngươi, ngươi vẫn chẳng dám dùng lời ác chửi bới chúng nó vì sức chẳng chống chọi lại được. Loài vật bị giết cũng vì chẳng có sức chống cự lại được; nếu nó kháng cự được, tất nhiên nó sẽ cắn xé kẻ toan giết nó đến cùng. Sao con người không đối với cảnh khổ ấy, hãy thử nghĩ lại xem!
Loài vật cùng ta đều tham sống sợ chết. Ta đã có trọn vẹn cái thể chất đội trời đạp đất này, lẽ ra phải nên hỗ trợ đất trời sanh thành, dưỡng dục, khiến cho các loài chim, thú, cá, rùa kia đều sống yên vui. Nỡ nào giết thân mạng chúng để vui sướng bụng miệng mình ư? Do sát nghiệp cố kết đến nỗi phát sanh cái họa đao binh do con người gây ra và các thiên tai nước, lửa, hạn, lụt, đói kém, tật dịch, gió lốc, địa chấn, biển trào, sông ngập v.v… nối tiếp nhau giáng xuống. Giống như biếu quà cuối năm, ta biếu quà đi, người biếu quà lại, quyết chẳng bao giờ biếu đi chẳng được biếu lại, hoặc chỉ nhận quà, chứ không biếu trả. Nếu có trường hợp như vậy, tất nhiên phải có nhân duyên nào khác ngăn trở, chứ thật ra đều chẳng ngoài chuyện qua lại, đáp tạ cả.
Trời thưởng phạt cũng giống như thế, huống hồ là chuyện báo đền giữa con người? Vì thế, kinh Thư viết: “Làm lành giáng xuống trăm điều tốt lành; làm việc chẳng lành, giáng xuống trăm điều họa ương”. Kinh Dịch chép: “Nhà tích thiện ắt sự vui có thừa, nhà chứa điều bất thiện, ắt tai ương có thừa”. Đạo trời ưa xoay vần, không có gì qua mà chẳng có lại! Muốn tránh khỏi ác quả, phải đoạn ác nhân trước đã. Muốn được thiện quả, phải trồng thiện nhân trước đã! Đấy là lẽ rốt ráo của lý trời, tình người vậy!
(Trích: Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Mục IV: Khuyên chú trọng nhân quả, Giảng những điểm trọng yếu trong việc kiêng giết)
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *