Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Làm thế nào mới có tâm tha thiết vì sanh tử?

Ý nghiệp dừng thì sanh tử mới dứt
Tâm vì sanh tử không tha thiết, mọi người đều rất lo lắng, không ít người đã hỏi:
– Làm thế nào mới có tâm tha thiết vì sanh tử?
– Làm sao đối trị tâm không tha thiết vì sanh tử?
Chúng tôi đã tìm câu trả lời và tìm bí quyết niệm Phật trong các trước tác của chư vị tổ sư đại đức nhiều đời, sau cùng, tìm được sáu chữ: “Thời thời tác lâm chung tưởng” (luôn luôn nghĩ [bây giờ là] lúc lâm chung). Tóm gọn lại thành một chữ “Tử” (Chết). Đối với đề tài “Chết” này, mọi người đừng kiêng kỵ. Có người hễ nói tới chuyện “Chết” là mặt mày tái mét, chúng ta thường không kiêng kỵ những chuyện đáng nên kiêng kỵ, nhưng lại thường kiêng kỵ những thứ chẳng đáng kiêng kỵ. Người xưa nói: “Hiện thời cần lo sợ chuyện chết, tới lúc lâm chung, chẳng phải lo sợ gì hết”. Chúng ta thì ngược lại, hiện tại chẳng lo sợ gì cả, đến lúc lâm chung, tay chân bấn loạn. Mọi người đều ngưỡng mộ công phu niệm Phật của lão hòa thượng Hải Hiền, Ngài thành tựu công phu niệm Phật như thế nào? [Chính là vì] luôn luôn nghĩ ngay bây giờ là giờ phút cuối cùng của đời mình, dốc hết sức niệm Phật.
Đối trị “tâm vì sanh tử không tha thiết” phải bắt đầu từ đâu? Phải đau xót nghĩ tới Vô Thường, luôn luôn nghĩ mình đang sắp chết.
Thảo Am thiền sư đời Tống có viết một bài khai thị với tựa đề Niệm Phật Quyết (Bí quyết niệm Phật), đơn giản, thiết yếu, chẳng tới ba trăm chữ. Bài khai thị này rất ngắn, nhưng được coi là bài khai thị tiêu biểu cho bí quyết niệm Phật của các vị tổ sư đời trước, rất quý báu trong việc hướng dẫn chúng ta niệm Phật. Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục có nhắc tới Thảo Am thiền sư, Ngài vãng sanh Cực Lạc thế giới.
Bí quyết niệm Phật ghi: “Ai chẳng biết niệm A Di Đà Phật, nhưng niệm [được đắc lực] rất khó. Ai chẳng nguyện sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhưng người vãng sanh được rất hiếm, vì người niệm Phật chẳng biết bí quyết. Chỉ có một chữ Chết là có thể [giúp cho người] niệm Phật niệm chân thật thiết tha. Giữ chặt một chữ Chết trong ý niệm thì [đối với] các cảnh duyên [gặp phải hằng ngày] tự nhiên sẽ lạnh nhạt, tình ái cũng tự nhiên nhẹ bớt. Danh lợi, thế lực đến lúc đó không dùng được nữa. Những điều thấy nghe, hiểu biết đến lúc đó, cũng không dùng được nữa. Lúc tứ đại phân ly còn dựa vào gì được nữa? Cô hồn vô chủ làm sao tự do được? Lúc đó, nếu không thấy Phật Di Đà, e rằng sẽ phải gặp quỷ La sát. Không sanh Tịnh Độ, e rằng phải nhập thai lừa. Đừng cho rằng chuyện này có thể chần chờ!
Chuyện gì ngày mai sẽ xảy ra, hôm nay làm sao biết được? Đừng coi nhẹ chuyện này, đời này lầm lỡ sẽ trầm luân vĩnh viễn. Hết thảy mọi chuyện không gì [quan trọng] bằng chuyện lớn sanh tử, [cho nên] mọi chuyện khác đều chẳng cần thiết. Trong mọi lúc, luôn nghĩ là lúc lâm chung. Nghĩ như vậy thì lúc nào cũng là lúc niệm Phật. Niệm Phật như vậy mới được thiết tha. Niệm Phật thiết tha như vậy mới vãng sanh Tịnh Độ. Phải hạ thủ công phu [như mình đang sắp] chết thì mới thành tựu tịnh nghiệp. Thường nghĩ tới lúc chết thì tâm [vì sanh tử] mới thiết tha. Đó là những bậc thang thành Phật, là bí quyết cho chuyện thành tâm niệm Phật vậy”.
Hòa thượng Tịnh Không
A DI ĐÀ PHẬT !
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *