Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Khuyên con phải đọc kỹ các sách Âm Chất Văn – Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục

Khuyên con phải đọc kỹ các sách Âm Chất Văn
Con em có tài hoa, nếu được khéo giáo hóa, sẽ dễ trở thành người chánh trực; không khéo giáo hóa, đa số sẽ thành hạng bại hoại. Ngày nay, dân không lẽ sống, nước nhà lắm nỗi gian nan, mấy phen chao đảo, đều là do những kẻ có tài năng nhưng không được khéo dạy khiến cho mầm họa được ươm từ từ. Người không có tài, đương nhiên phải dạy họ thành thực; đối với người có tài, càng phải nên dạy họ thành thực. Thế nhưng thành thực vẫn có thể là giả vờ.
Thoạt đầu, hãy thường nên dạy dỗ về nhân quả báo ứng và đạo lý “con người khởi tâm động niệm gì, mỗi điều thiên địa quỷ thần đều biết, đều hay”, khuyên con phải đọc kỹ các sách Âm Chất Văn, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, đừng nghĩ chúng không phải là sách Phật rồi xem thường. Ấy là vì phàm phu tâm lượng thiển cận, nếu dùng những lý xa xôi lớn lao để giảng nói, sẽ khó thể lãnh hội. Những sách ấy dù già hay trẻ nghe đến đều được lợi ích, huống hồ là những người lấy việc chú trọng điều thiện làm thầy ư? Đối với tử thi, phân nhơ, rắn độc mà đức Phật còn dạy con người quán để chứng A La Hán, số [người chứng ngộ] ấy còn nhiều hơn cát sông Hằng; huống hồ những lời lẽ thiết thực, tồn tâm dưỡng tánh, cảnh tỉnh này, [há nên xem thường ư?]
Còn thuộc địa vị phàm phu, chẳng thể không bệnh, nhưng cũng chẳng nên bỏ mặc, chẳng trị. Cách trị bệnh tốn ít sức nhất, lại được lợi ích nhiều nhất, là lấy bệnh làm thuốc. “Lấy bệnh làm thuốc” nghĩa là chẳng để bệnh lụy mình. Chẳng hạn như cái bệnh yêu mến con cái quyết chẳng thể đoạn được, thì chẳng ngại gì dùng ngay sự yêu mến đó làm cái gốc khiến cho con cái khi sống làm người chân chánh, chết đi sanh về Tịnh Độ.
Yêu con như vậy là biến phàm tình thế gian thành thánh quả xuất thế gian. Nếu chẳng khéo sử dụng lòng Ái, mặc lòng nuông chiều con, thì còn hơn giết chết con cả trăm ngàn vạn ức vô lượng vô biên lần! Nước nhà diệt vong, nhân dân đồ thán, đều là do những kẻ làm cha mẹ chẳng hiểu rõ sự tình un đúc nên, chẳng đáng buồn ư?
(Trích: Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, mục IX: Khuyên nhủ các thiện tín tại gia, Luận về giáo dục gia đình)
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *