Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Không nhận ra chân tâm của mình, học pháp cũng không lợi ích gì

Mười phương chư Phật thương nhớ chúng sanh
Buông bỏ liền thành Phật, tất cả chướng ngại đều không còn, thông thường chúng ta gọi là nghiệp chướng. Nghiệp chướng là gì? Là chấp trước, là phân biệt, là vọng tưởng.
“Tịnh vân”, tịnh vân tức là Ngũ Tổ nói với ngài Huệ Năng. “Bất thức bổn tâm, học pháp vô ích”. Quý vị không nhận ra chân tâm của mình, học pháp cũng không lợi ích gì. Không có lợi ích là không thể minh tâm kiến tánh, không thể chứng đắc quả vị Phật Bồ Tát, không được lợi ích này. Có lợi ích gì? Lợi ích nhỏ, phước báo nhân thiên, không ra khỏi luân hồi lục đạo. Quý vị được phước báo nhân thiên trong luân hồi lục đạo, được lợi ích nhỏ này, đây là cái lợi hư vọng không thật.
Nếu biết bổn tâm của mình, thấy được bổn tánh của mình, tức gọi là Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật. Mấy câu này là Ngũ Tổ ấn chứng cho ngài Huệ Năng, ngài đã thành Phật. Ngài vừa giác ngộ liền minh tâm kiến tánh, đây gọi là Đại Trượng Phu. Đại Trượng Phu là Phật giáo đại thừa tôn xưng Phật, tôn xưng đối với người minh tâm kiến tánh – Thiên Nhân Sư. Quý vị có năng lực, có trí tuệ giáo hóa thiên nhân, chính là thiên thượng nhân gian. Quý vị có năng lực này thì chính là Phật, tất cả chúng sanh vốn là Phật. Ngài Huệ Năng vì sao có thành tựu này? Đạo lý này bây giờ chúng ta đều thấu triệt, rất minh bạch. Khi ngài nghe kinh, nghe đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Ngay lúc này, trong một sát na, ngài lập tức buông bỏ tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Buông bỏ liền thành Phật, tất cả chướng ngại đều không còn, thông thường chúng ta gọi là nghiệp chướng.
Nghiệp chướng là gì? Là chấp trước, là phân biệt, là vọng tưởng. Vọng tưởng là khởi tâm động niệm, trong chốc lát ngài có thể hoàn toàn buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước. Buông bỏ tất cả hồi phục sự thuần tịnh thuần thiện, như vậy là đã thành Phật. Nên cái gọi là Phật pháp – Khi tôi mới học Phật, Chương Gia đại sư nói, Phật pháp khó hiểu nhưng dễ hành trì. Muốn hiểu được rất khó, 100 năm cũng chưa rõ ràng, nhưng nếu thật sự hành trì thì rất dễ, chỉ trong một niệm. Trong kinh nói rất rõ ràng, nếu có thể trong một niệm buông bỏ chấp trước, biết được các pháp thế xuất thế gian đều là giả, phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Không còn chấp trước, liền chứng được quả A la hán. Quý vị xem, phàm phu thành A la hán, nếu có thể không còn phân biệt, không phân biệt đối với pháp thế xuất thế gian, quý vị liền thành Bồ Tát, lấy được học vị thứ hai của Phật pháp. Nếu không khởi tâm không động niệm, quý vị liền thành Phật, lấy được học vị cao nhất. Ngài Huệ Năng đã lấy được học vị cao nhất.
Quý vị nên biết, ngài mới 24 tuổi, không biết chữ. Đạo tràng của Ngũ Tổ có giảng đường, nhưng ngài chưa đến đó lần nào, chưa nghe bài giảng nào. Có thiền đường nhưng ngài cũng chưa một lần đến đó ngồi thiền, thiền đường một cây hương nửa tiếng, cũng chưa đến gần thiền đường, Ngũ Tổ đem y bát truyền cho ngài. Theo Ngũ Tổ mười mấy năm như đại sư Thần Tú, nhưng không truyền y bát cho Thần Tú, mà truyền cho Huệ Năng. Bài kệ mà Thần Tú làm là ứng thí, Ngũ tổ muốn thử mọi người, mỗi người làm một bài kệ để ngài xem thử. “Thân thị bồ đề thọ, tâm như minh cảnh đài, thời thời cần phất thức, vật sử nhá trần ai” (Thân là cây bồ đề, tâm như đài gương sáng, thường hãy siêng lau chùi, chớ để bụi dơ bám), đây là bài kệ của Thần Tú. Mọi người đều đang đọc, Ngài Huệ Năng cũng nghe được. Nghe xong ngài nghĩ, bài kệ này chưa kiến tánh, nên ngài cũng làm một bài kệ, nhưng không biết viết, ngài chỉ biết đọc để người khác viết.
Ngài sửa bài kệ của ngài Thần Tú: “Bồ đề bổn vô thọ, minh cảnh diệc phi đài, bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”(Bồ đề vốn không cây, gương sáng cũng không đài, xưa nay không một vật, thì bụi bám vào đâu), đây là bài kệ Lục Tổ làm. Ngũ Tổ vừa nhìn thấy bài kệ này, nhanh chóng cầm dép xóa nó, nói với mọi người chưa kiến tánh, chưa kiến tánh, không nên ngạc nhiên, chưa kiến tánh. Tối đến triệu kiến ngài Huệ Năng, gọi ngài nửa đêm canh ba đến gặp, nói với ngài: Bài kệ của ngươi rất hay, thật khó được, liền giảng Kinh Kim Cang cho ngài nghe. Tôi nghĩ không quá hai tiếng đồng hồ, liền đại triệt đại ngộ, nên đem y bát truyền cho ngài. Quý vị xem thật là khó hiểu nhưng dễ hành trì, nói rõ về việc minh tâm kiến tánh, quả thật không phải là việc đơn giản, đích thực là khó hiểu nhưng dễ hành.
Thế nên học thuật phương đông – khi Phật giáo truyền đến Trung quốc, người Trung quốc hoàn toàn tiếp nhận, đây là trí tuệ của người xưa. Thang Ân Tỷ tán thán, tâm lượng cổ nhân Trung quốc lớn, có thể bao dung văn hóa dị tộc, chính là chỉ Phật giáo. Mà Phật pháp cũng làm phong phú văn hóa bản địa, đây là Thang Ân Tỷ người Anh nói. Ông ta hiểu được văn hóa Trung quốc, nên nói: Giải quyết vấn đề của thế kỷ 21, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp đại thừa, Thang Ân Tỷ đã nói như vậy.
Trước đây, năm 2005 – 2006 phỏng vấn ở Luân Đôn – phỏng vấn đại học Ngưu Luật, đại học Kiếm Kiều, đại học Luân Đôn. Diễn giảng cho các bạn khoa Hán học một tiếng đồng hồ, và cùng nhau giao lưu với các giáo thọ. Tôi nói đây là người Anh quý vị rất sùng bái, nhưng lời ông ta nói có tin được chăng? Các sinh viên đều nhìn tôi cười, các vị giáo thọ cũng cười không nói. Tôi đợi thật lâu không ai trả lời liền hỏi tiếp, chẳng lẽ ông ta nói sai ư? Cũng không dám trả lời, tôi biết họ hoài nghi lời của Thang Ân Tỷ. Tôi nói, rất nhiều người hiểu sai đối với lời nói của Thang Ân Tỷ, vì sao? Quý vị đề cập đến truyền thống văn hóa, nhất định nghĩ đến Nho Thích Đạo, vì quý vị đang học Nho Thích Đạo. Trong các sinh viên, rất nhiều người dùng kinh điển Phật giáo viết luận văn – Viết luận án tiến sĩ. Trong đó có một em sinh viên nói, anh ta dùng Kinh Vô Lượng Thọ làm luận án tiến sĩ. Tôi hỏi, Kinh Vô Lượng Thọ bản tiếng trung có 9 bản khác nhau, anh dùng bản nào? Anh ta dùng bản hội tập của Hạ Liên Cư, cùng một bản như chúng ta. Quả thật khó được, anh chọn rất đúng, là người Úc Châu, nói tiếng Bắc Kinh rất giỏi. Có thể xem văn cổ Trung quốc, quý vị không thể không khâm phục họ.
Tôi nói quý vị hiểu sai ở đâu? Vì khi quý vị vừa nói đến Nho, liền nghĩ đến Tứ thư, Ngũ kinh, Thập tam kinh. Nói đến Phật, quý vị nhất định nghĩ đến Hoa Nghiêm, Đại thừa Bát Nhã – quý vị nghĩ đến những bộ kinh lớn này. Nói đến Đạo, nhất định nghĩ đến Lão Trang – Lão Tử, Trang Tử. Đây là gì? Tôi nói đây là hoa quả, trái cây. Quý vị nghĩ đến những thứ này, thứ này có thể cứu thế giới ư? Có thể cứu, nhưng phải bỏ ra rất nhiều thời gian. Khi nào quý vị có thể đến được địa vị này, mới có trí tuệ như thế? Khó! Tôi nói, tôi hiểu vấn đề không như quý vị, quý vị thấy là hoa quả, tôi thấy là gì? Tôi thấy rễ của nó. Hoa quả là mọc lên từ cành lá, cành lá mọc lên từ nhánh, nhánh mọc từ cây, cây mọc từ rễ. Tôi nhìn thấy rễ của nó, điều này quý vị đã sơ suất, không có rễ làm sao có hoa quả. Quý vị toàn là học trên hoa quả, đó là tri thức, không phải trí tuệ. Quý vị chưa học được thực chất của nó, nên quý vị học được là giả, thật là gì? Rễ, rễ là gì?
Gốc rễ của Nho Giáo là Đệ Tử Quy, mọi người đã lãng quên điều này. Gốc rễ của nhà Phật là Thập Thiện Nghiệp Đạo, đó là một bộ kinh nhỏ, ai coi trọng nó? Nhưng đó là căn bản. Quý vị xem, khi mở kinh ra là “Thiện nam tử thiện nữ nhơn”, nói đến căn bản.
Gốc rễ của Đạo gia là Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Nếu như hôm nay những thứ này được phổ cập trên toàn thế giới để mọi người đều học tập, xã hội được cứu chăng? Được cứu! Quý vị dùng những đại kinh luận đó không cứu được, đọc nghe hay nhưng làm không được, phải bắt đầu từ căn bản.
Tôi diễn giảng cho họ một tiếng, thời gian tuy không dài, nhưng thay đổi được quan niệm của họ. Truyền thống xưa là cầu trí tuệ, không phải tri thức, ngày nay quý vị cầu tri thức không phải trí tuệ, không giống nhau.
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA – Tập 396 – – (((卍))) – –
Giảng Kinh Vô Lượng Lần Thứ XI – Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
“Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, đây là quan niệm lý luận học tập. Phương pháp thì sao “Sách đọc ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”.
Được gắn thẻ , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *