Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Không nên tuỳ tiện xuất gia!

Không nên tuỳ tiện xuất gia!
Nhận được thư, biết các hạ chưa thọ giới Cụ Túc và tình hình Phật pháp lưu thông tại quê hương ông, vui khôn ngăn nổi. Tuy nhiên, trong lúc vui, tôi không thể không hết sức lo lắng, vì sao nói vậy? Phàm Phật pháp là pháp chung của cả chín pháp giới, không ai không nên tu mà cũng không ai chẳng thể tu. Người trì trai niệm Phật nhiều, xét đến hiệu quả thì người hưng long pháp đạo, phong tục thuần thiện chỉ sợ không nhiều, chứ càng nhiều càng tốt. Còn như kẻ xuất gia làm Tăng hòng giữ gìn đạo pháp Như Lai và lập bày cách để lưu thông đạo pháp; nếu người ấy lập chí hướng thượng, phát đại Bồ Đề, nghiên cứu Phật pháp, triệt ngộ tự tánh, rộng học Tam Học nhưng riêng khen ngợi Tịnh Độ thì trong một đời sẽ mau thoát khỏi khổ luân, người như vậy chỉ sợ không nhiều, chứ càng nhiều càng tốt.
Nếu là kẻ hơi có tín tâm, không có đại chí, muốn dựa vào cái danh làm Tăng để ăn không ngồi rồi, sống bám Phật pháp, mang danh Phật tử, chứ thật sự chỉ là gã trọc đầu. Dẫu không tạo ác nghiệp nhưng đã là hạt giống hư hoại nơi pháp, là phế nhân của đất nước. Nếu còn phá giới tạo nghiệp, nhục lây Phật pháp, dẫu sống trốn được phép nước, lúc chết quyết định đọa địa ngục. Đối với pháp, đối với bản thân, cả hai vô ích. Một kẻ như thế còn chẳng được, huống chi là nhiều!
Cổ nhân nói: “Xuất gia là chuyện của bậc đại trượng phu, kẻ quan cao lộc cả không thể làm được”, không phải là ức chế kẻ quan cao lộc cả đề cao Tăng Già đâu! Là vì gánh vác gia nghiệp của Phật, nối tiếp Phật huệ mạng, không phải là kẻ phá vô minh hòng khôi phục bản tánh, hoằng dương đạo pháp hòng lợi lạc chúng sanh sẽ không thể làm được. Nay kẻ làm Tăng đa số là hạng bỉ lậu, bại hoại, vô lại, mong sống thảnh thơi, nhàn nhã, những kẻ chỉ trì trai niệm Phật còn chưa được mấy, huống gì là những người có thể gánh vác gia nghiệp, nối tiếp huệ mạng?
Phật pháp ngày nay lụn bại sát đất là vì Thanh Thế Tổ (Thuận Trị) không xét thời cơ, ngửa tuân theo quy chế nhà Phật, bỏ lệ Thí Tăng của triều đại trước, vĩnh viễn miễn độ điệp, cho tùy ý xuất gia, gây nên sai lầm. Phàm tùy ý xuất gia đối với người thượng thượng căn thì có lợi ích lớn, nhưng với kẻ hạ căn lại có hại lớn. Nếu như đời toàn là thượng sĩ thì cách thức ấy cố nhiên hữu ích cho đạo pháp. Nhưng bậc thượng sĩ như vẩy lân, kẻ hạ căn như lông bò, lợi ích tạm thời khi ấy (trong khoảng đầu nhà Thanh đến thời Càn Long, thiện tri thức như rừng, nên có ích), họa lan rộng đến hậu thế. Tới nay, sự lạm dụng, xô bồ đến mức cùng cực, dẫu có tri thức chỉnh đốn một phen, cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu, chẳng đáng buồn ư?
Từ rày về sau người cầu xuất gia, thứ nhất phải là thật sự phát tâm đại Bồ Đề lợi mình, lợi người, thứ hai là phải có thiên tư hơn người thì mới được xuống tóc. Nếu không, không được! Nếu là nữ nhân có tín tâm, nên bảo họ tu hành tại gia, muôn vàn chẳng cho xuất gia. E rằng có chuyện sai xẩy đến nỗi ô bại Phật môn chẳng nhẹ vậy! Người nam nếu là chân tu, xuất gia càng dễ, vì có thể tham phỏng tri thức, y chỉ tùng lâm. Nữ dẫu chân tu xuất gia vẫn khó, bởi hành động dễ chuốc lấy miệng đời gièm báng, mọi việc thường khó lòng tùy ý được. Chọn lựa thế độ như trên, chẳng độ ni chúng chính là hộ trì Phật pháp trong đời Mạt, là yếu nghĩa bậc nhất để chỉnh lý pháp môn. Mong hãy tha thiết nói với lệnh sư và hết thảy những vị Tăng quen biết thì công đức sẽ vô lượng vô biên. Mong lắm thay, mong lắm thay!
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, Thư thứ hai trả lời cư sĩ Tạ Dung Thoát ở Thái Thuận)
Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *