Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Hiện thời học sinh chẳng có lòng tôn trọng thầy

Pháp Sư Tịnh Không

Quý vị nói gia trưởng (chủ gia tộc) lo việc học hành, quá nửa dùng từ đường làm trường học, vì từ đường trừ Xuân Thu tế tự ra, chẳng có hoạt động gì. Vì thế, từ đường là trường học. Quý vị thấy gia trưởng là ông bà nội hoặc ông bà cố, quan tâm đến lớp hậu duệ đời sau ngần ấy, mời thầy sẽ nhất định mời người thật sự có đạo đức, có học vấn đến dạy, phụ trách. Không giống như trường học hiện thời! Trường học hiện thời đối với quý vị chẳng có mối liên quan nào, dẫu quý vị bỏ nhiều tiền trong phong bì đem tặng họ, họ vẫn chẳng quan tâm, chẳng thể mua được lòng yêu thương của họ!

Do vậy, tổ tiên thật sự yêu thương con cháu. Quý vị thấy họ mời thầy, gia trưởng, tổ tông của chúng ta dập dầu lạy thầy, vì sao? Tôn sư trọng đạo. Đấy là gì? Biểu diễn cho những đứa học trò là con em [của chính họ] xem. Quý vị thấy: Lúc đó, lũ học trò là con em thấy tổ tông, ông nội, cha mẹ trông thấy thầy đều cúi lạy, quý vị có thể nào chẳng tôn kính thầy ư?

Tôi học được lòng tôn kính thầy, lúc khoảng chừng sáu tuổi, vào trường tư. Chúng tôi là gia học, cha tôi dẫn tôi đi học, học trò không đông lắm, khoảng chừng hơn ba mươi người, chưa đến bốn mươi người, lớn nhất là mười mấy tuổi, có những học sinh lớn mười lăm, mười sáu tuổi, học trò nhỏ tuổi giống như tôi là sáu, bảy tuổi, cùng học chung một phòng, một thầy. Ngày nhập học, đầu tiên là ở lễ đường, giữa lễ đường thờ bài vị Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư, tức bài vị của Khổng lão phu tử, thầy ngồi nơi đó, các đồng học chia ra đứng hai bên. Trước hết, chúng tôi đến lạy bài vị Khổng Tử, cha tôi ở đằng trước, tôi ở đằng sau, hướng về bài vị Khổng Tử hành lễ ba lần quỳ, chín lần dập đầu, đấy là lễ tiết đời Thanh. Sau khi lạy xong, cha tôi mời thầy ngồi lên ghế, thầy ngồi phía dưới bài vị Khổng Tử, [cha tôi] hướng về thầy hành lễ ba lần quỳ, chín lần dập đầu.

Quý vị nghĩ xem: Thầy tiếp nhận trọng lễ của cha mẹ quý vị như vậy, nếu chẳng dạy học trò đàng hoàng, lẽ nào chẳng có lỗi đối với cha mẹ người ta? Trả tiền công cho thầy tùy ý, thầy trọn chẳng đòi hỏi chuyện ấy. Quý vị dư giả thì cấp dưỡng thầy nhiều một chút, nghèo khổ thì chu cấp thầy ít một chút, đạt ý nghĩa là được rồi! Thật sự nghèo túng, mà trò học giỏi, thật sự có thể học, thầy còn bù đắp cho chi dụng trong nhà, chẳng dễ dàng! Thuở ấy, thầy thật sự hữu đạo, thầy thật sự có sư đạo. Hiện thời chẳng có, hiện nay trò chẳng thể dạy, quý vị hơi nghiêm khắc một chút, gia trưởng bèn nói thầy xâm phạm nhân quyền, còn đi thưa lên chánh quyền, thầy còn bị phạt, làm sao dạy được? Vì thế, hiện thời học sinh ở nhà chẳng hiếu thảo với cha mẹ, ở trường chẳng kính trọng thầy. Chẳng kính trọng thầy, chẳng có lòng tôn trọng thầy, thứ gì cũng đều chẳng học được!

Vì thế, hiện thời dẫu có thánh hiền làm thầy, nhưng đã không có học trò, tới đâu để tìm được một học trò có lòng tôn kính thầy? Chẳng phải là thầy đòi hỏi học trò phải tôn kính, chẳng phải vậy, ngàn muôn phần chớ nên hiểu lầm! Một phần cung kính được một phần lợi ích, tùy thuộc học trò có thể học được bao nhiêu. Quý vị nhìn từ lòng cung kính của trò đối với thầy và môn học, thiếu tâm cung kính sẽ chẳng học được, chớ nên không hiểu đạo lý này! Trong đời này, tôi có một chút thành tựu là do đã được hưởng lợi ích nào? Hưởng lợi ích nhờ lúc sáu tuổi cha tôi dẫn tôi vào trường, cúi lạy thầy, tôi được hưởng lây [lòng cung kính ấy], suốt đời cũng chẳng thể quên, biết cung kính thầy.

Tại Đài Loan, tôi gặp được ba vị thầy, chẳng thân thuộc, chẳng quen biết, nhưng do tâm cung kính, các thầy đặc biệt chiếu cố tôi, đạo lý ở ngay đó. Các Ngài thật sự dạy tôi chẳng đi quanh quẹo, đúng là chẳng đi theo những con đường vòng vèo, thật sự dạy. Người khác thân cận thầy, thầy chẳng nói đến những điều ấy, Ngài dạy tôi phải học theo Thích Ca Mâu Ni Phật. Đối với người khác, tôi thường ở bên cạnh thầy quan sát, thầy chẳng dạy người khác học theo Thích Ca Mâu Ni Phật, vì sao? Người ta không thể học theo Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng tôi nghe lời, nên thầy dạy tôi học theo Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng tôi mới hiểu Thích Ca Mâu Ni Phật suốt đời dạy học, chúng tôi đi theo con đường ấy, đi suốt năm mươi chín năm chẳng thay đổi phương hướng. Trừ giảng kinh, dạy học ra, không có ý niệm thứ hai, tâm bèn thanh tịnh. Tâm thanh tịnh sanh trí huệ, trí huệ có thể giải quyết vấn đề của chính mình mà cũng có thể giúp người khác giải quyết vấn đề.

(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – tập 85 – Pháp sư Tịnh Không giảng giải)

Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *