Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Địa Tạng Bồ Tát, ba chữ “như thị đẳng” tổng kết những lợi ích của sự tín thọ phụng hành

Địa Tạng Bồ Tát
Địa Tạng Bồ Tát, ba chữ “như thị đẳng” tổng kết những lợi ích của sự tín thọ phụng hành nói phía trước, quy kết về oai thần của Địa Tạng Bồ Tát gia trì. Địa Tạng Bồ Tát là tiêu biểu pháp, là tượng trưng, nội dung chân chánh của Ngài là kho tàng vốn sẵn có trong tự tánh của chúng ta. Kho tàng này, trong kinh thường nói tự tánh vốn đầy đủ vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng; đức là đức tướng, y báo chánh báo trang nghiêm trong Nhất Chân pháp giới là đức tướng; năng là năng lực, tức là “đại oai thần lực” nói ở đây, những thứ này vốn đầy đủ trong tự tánh chúng ta. Không những kinh này, hết thảy tất cả những kinh Phật dạy đều là đức năng vốn sẵn có trong tự tánh, nếu tách khỏi tự tánh thì chẳng có một pháp nào có thể được. Do đó có thể biết, đọc kinh
đối diện chư Phật, Bồ Tát, dùng tâm chân thành cung kính bèn có thể khai phát tự tánh, làm cho tánh đức của chính mình cũng có thể khởi lên.
Hiện tượng làn sóng của chúng ta bèn nối liền với [làn sóng] của chư Phật, Bồ Tát vì tần số đều giống nhau. Lúc bấy giờ hết thảy những nghi ngờ, lo âu của chúng ta mới có thể đoạn dứt, đoạn dứt nghi hoặc mới có thể sanh khởi lòng tin chân chánh, lòng tin thành tựu Phật sự, tức là sự nghiệp tự lợi lợi tha, lòng tin là cội rễ, kinh Hoa Nghiêm nói “Lòng tin là cội nguồn của đạo, mẹ của công đức”, đạo tức là đạo thành Phật, chuyển phàm thành thánh; thánh đạt đến cứu cánh viên mãn là thành Phật, lòng tin là cội rễ. Công đức là tự lợi, lợi tha; tự lợi, lợi tha đạt đến cứu cánh viên mãn cũng được xây dựng từ lòng tin.
Ngày nay chúng ta làm không đủ, chẳng viên mãn, nguyên nhân ở tại chỗ nào? Nguyên nhân ở chỗ chẳng xây dựng lòng tin, lòng tin chẳng đủ. Lòng tin chẳng đủ là vì chẳng thấu triệt, hiểu rõ chân tướng sự thật.
Do đó Giải có thể trợ giúp cho Tín, Tín có thể trợ giúp Giải, Hành có thể trợ giúp Tín, Tín có thể giúp Hành, tuy nói bốn chữ Tín, Giải, Hành, Chứng, thật ra chỉ là một sự việc. Mỗi chữ đều phải bao gồm ba chữ kia, nếu không bao gồm ba chữ kia thì không thể gọi là Tín. Trong Tín không có Giải, không có Hành, không có Chứng thì không gọi là Tín; nếu trong Giải không có Tín, không có Hành, không có Chứng thì chẳng gọi là Giải. Phật pháp là viên dung, viên tu viên chứng, tiến bộ phát triển sẽ rất nhanh chóng.
(Lược Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không.
Quyển Thượng .PHẨM THỨ SÁU: NHƯ LAI TÁN THÁN: – Tập 25-Tr – 592-593)
Được gắn thẻ , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *