Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Dân gian Trung Quốc thờ thần Tài, thần Tài là ai?

Thần Tài
Thần Tài là ai? nếu quý vị muốn cầu tài lộc hãy nên học tập sự “bố thí, cúng dường” từ vị thần Tài (Phạm Lãi) này! đây mới là chân thật cúng dường ngài, không nên sát sanh cúng tế, như vậy chỉ tạo thêm nghiệp tội cho chính quý vị.
Mười năm trước, năm 1999, tôi ở Tân Gia Ba, có duyên phận thường qua lại với chín đại tôn giáo ở Tân Gia Ba [Singapore], về sau, chúng tôi rất thân thuộc, đều biến thành bạn thân thiết, rồi chuyện gì cũng đều bàn luận. Có rất nhiều người hỏi tôi: “Thầy rất có tiền, tiền do đâu mà có?” Thật đấy! Trong các tôn giáo, Phật giáo xác thực là có tiền nhất, tiền do đâu mà có? Do bố thí, càng thí càng đưa tới nhiều hơn. Đừng nên hỏi xin tiền người khác, cứ tận hết sức tu bố thí, nó sẽ đưa tới.
Dân gian Trung Quốc thờ thần Tài, thần Tài là ai? Chính là đại phu Phạm Lãi của nước Việt thời Xuân Thu, có lẽ người bình thường biết đến Phạm Lãi chẳng nhiều lắm, nhưng người biết Tây Thi rất nhiều. Tây Thi là vợ của Phạm Lãi. Thuở trẻ, [Tây Thi] bị quốc vương là Câu Tiễn phái sang nước Ngô, làm gián điệp trước mặt Ngô vương Phù Sai, sưu tập tình báo. Do vậy, nước Ngô lẽ đâu chẳng vong quốc? Nước Ngô đã mất rồi, cô ta trở về ôm lấy chồng, cùng nhau rời khỏi Câu Tiễn, đi buôn bán. Người này thông minh, có trí huệ, yêu nước, thực hiện hy sinh, hiến dâng. Buôn bán được mấy năm bèn phát tài, sau khi phát tài bèn đem của cải cứu giúp nhân dân đói nghèo, tức là tán tài, đi khắp nơi kết duyên, bố thí, cúng dường. Bố thí hết rồi, từ món vốn nhỏ nhoi lại buôn bán, sau hai ba năm lại phát tài, quý vị thấy lịch sử ghi là ông ta “tam tụ, tam tán” (ba lần đại phát tài, ba lần phân chia hết tài sản).
Trong mạng ông ta có tiền của. Bố thí hết rồi, mấy năm sau lại phát đạt, lại còn phát tài nhiều hơn trước, phát tài rồi lại tán tài, tam tụ, tam tán. Đây là điển hình, khuôn mẫu cho giới thương nhân. Vì thế, người Trung Quốc coi ông ta là Tài Thần, trong quá khứ thờ Tài Thần là thờ Phạm Lãi. Tôi thấy ở Đài Loan cũng thờ thần tài, nhưng xem ra là ai? Quan Công! Quan Công chẳng dính dáng gì đến phát tài. Quan Công tượng trưng cho nghĩa khí, trong mười hai đức mục, Quan Công đại diện cho lễ nghĩa liêm sỉ, trọn chẳng tượng trưng cho của cải. Thờ Phạm Lãi làm Tài Thần thì có lý, phải học tập ông ta quý vị mới có thể phát tài. Do vậy, bố thí hết sức trọng yếu. Kẻ muốn phát tài, hãy tu tài bố thí. Của cải chẳng dành cho chính mình, của cải phải vì quảng đại quần chúng, quý vị mới thật sự phát tài.
Chúng ta muốn thông minh, trí huệ, hãy nên tu pháp bố thí, quả báo của pháp bố thí là thông minh trí huệ. Quả báo của vô úy bố thí là được khỏe mạnh, sống lâu. Vô úy là gì? Khi người khác gặp khó khăn, hoặc lúc họ kinh hoảng, sợ hãi, quý vị có thể giúp người ấy hóa giải, khiến cho người ấy thân tâm bình an, đó là vô úy bố thí, quả báo là được khỏe mạnh, sống lâu. Tu vô úy bố thí thuận tiện nhất, đơn giản nhất là ăn chay, đừng ăn thịt chúng sanh. Quý vị thấy chúng sanh khi bị giết đáng thương lắm, chúng chẳng có năng lực chống cự, bị quý vị giết, ăn, nỗi oán hận của chúng vĩnh viễn chẳng hóa giải! Do vậy, trong kinh, đức Phật có dạy chúng ta hai câu danh ngôn: “Dục tri thế gian đao binh kiếp” (muốn biết kiếp nạn đao binh trên thế gian), đao binh kiếp là chiến tranh. Nếu quý vị thật sự muốn biết chiến tranh trên thế gian này do đâu mà có, vì sao có chiến tranh? Nếu mong cho thế gian này vĩnh viễn không có chiến tranh, đức Phật có dạy một câu: “Trừ phi chúng sanh bất ngật nhục” (trừ phi chúng sanh chẳng ăn thịt).
Nếu chúng sanh chẳng ăn thịt nữa, chiến tranh trên thế gian này chẳng còn nữa. Nói cách khác, chiến tranh là do chúng ta ăn thịt, đó thật sự là nhân tố thứ nhất, oan oan tương báo, chẳng xong, chẳng kết thúc. Vì thế, không sát sanh, không ăn thịt là vô úy bố thí. Tích cực hơn nữa, khi chúng ta thấy chúng sanh bị bắt, bị giết, có thể cứu một mạng cho chúng, bèn dùng tiền chuộc để phóng sanh, đó là chuyện tốt. Cứu cho chúng một mạng, chúng sẽ cảm ân đội đức quý vị, đó là vô úy bố thí. Phạm vi của vô úy bố thí cũng vô cùng rộng lớn, chúng ta phải biết tu công đức ấy như thế nào, đó cũng là tu công đức khỏe mạnh, sống lâu. Phải yêu thương, che chở tiểu động vật, cây cối, hoa, cỏ, vì sao? Chúng nó đều có linh tánh.
Trong Phật môn, giới luật của người xuất gia có câu: “Thanh tịnh tỳ-kheo bất đạp sanh thảo” (tỳ-kheo thanh tịnh chẳng giẫm lên cỏ tươi). Cỏ mọc rất tươi tốt, quý vị đạp lên nó để đi, nó có vui lòng hay chăng? Chẳng phải là nó không có tri giác, nó có thể thấy, nghe, hiểu ý nghĩ con người. Không chỉ cây cối, hoa, cỏ có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, kể cả núi, sông, đại địa, bùn, cát, đá đều có thể thấy, nghe, hiểu ý nghĩ của con người. Vì thế, phải cung kính hết thảy, do đạo lý này, chúng nó chẳng phải là vô tri, chết cứng. Do vậy, chúng ta đối với hết thảy mọi vật đều phải cung kính, vì vật chất và tinh thần vĩnh viễn nối liền, vĩnh viễn không thể tách rời! Trong kinh, đức Phật dạy, trong một hạt trần sa, hiện thời các nhà Lượng Tử Lực Học cũng phát hiện, trong một hạt vi trần có thông tin viên mãn của toàn thể vũ trụ. Do đó, Hiền Thủ đại sư bảo một vi trần trọn khắp pháp giới, xuất sanh vô tận. Vi trần còn như thế, hà huống cây cối, hoa, cỏ, hết thảy các động vật? Vì thế, chúng ta hiểu đạo lý này, quảng tu cúng dường mới là thật sự cúng dường chính mình, khiến cho chính mình có của cải vô tận, trí huệ, tướng hảo đều từ chỗ này mà có. Chư Phật, Bồ Tát thật sự làm.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – tập 98,
👤Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
⏱Thời gian: Ngày 5 tháng 4 năm 2010
🏢Địa điểm: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông)
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *