Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Đại sư Hám Sơn phân ra ba hạng người niệm Phật!

A MI ĐÀ PHẬT
Hám Sơn Đại Sư có một toa thuốc hay nhằm đối trị căn bệnh này, đó là bài Khai thị niệm Phật thiết yếu.
Chúng ta hãy cùng nhau học tập:
Nay chỉ đối với người niệm Phật ở nơi Sự, phân làm ba hạng:

Hạng thứ nhất:

Lòng tin chân thật thiết tha, chân chân thật thật, nhất tâm niệm Phật.
Tuy cùng mặc áo, ăn cơm, làm việc, buôn bán bình thường nhưng chỉ tin một việc này, đi cũng A Di Đà, ngồi cũng A Di Đà, dù bận rộn như tên bắn cũng không rời A Di Đà, tinh tấn chẳng lùi. Hôm nay cũng như thế, ngày mai cũng như thế, năm nay cũng như thế, năm sau cũng như thế.
Hạng người này, Đức Phật nhất định hộ niệm, lúc mạng chung người ấy nhất định Vãng Sanh Thế Giới Cực Lạc.

Hạng thứ hai:

Hoặc tâm không chuyên nhất, họ cũng biết sự lợi ích của niệm Phật nhưng tục niệm nặng nề, chánh niệm cạn mỏng, vừa mới niệm Phật thì trong tâm lại nghĩ việc khác, một nóng mười lạnh, niệm một ngày lại bỏ mười ngày.
Niệm Phật giống như hạng người này, dù niệm đến già cũng không được gì, chẳng qua chỉ là gieo trồng căn lành mà thôi. Đời sau có duyên chạm đến điểm căn lành này thì bắt đầu mới chân thật tu hành một phen mới mong có được thành tựu.

Hạng thứ ba:

Miệng niệm, tâm không niệm. Người này vốn chẳng biết sự lợi ích của niệm Phật mà chỉ hâm mộ danh tu hành. Hôm nay ở trong hội Phật này đi theo một người niệm một ngày, ngày mai ở trong hội Phật kia đi theo người niệm một ngày, tuy là có danh niệm Phật một ngày nhưng kỳ thật chỉ là qua suông.
Thời gian nói chuyện phiếm thì nhiều, thời giờ niệm Phật thì ít. Ở trong Phật đường vốn đã có tham sân si ái, ra khỏi Phật đường tất tránh không khỏi việc tham sân si ái.
Người này so với hạng thứ hai kém hơn nhiều.
Ba hạng người nói trên, hạng thứ nhất rất ít, hạng thứ ba cũng không nhiều lắm, chỉ có hạng thứ hai mọi người dễ phạm vào.
Do chúng sanh cõi Ta Bà bị vật dục che lấp, vọng niệm khó trừ cho nên mới như thế !
Hiện nay người niệm Phật chân thật khẩn thiết rất ít, cho nên Vãng Sanh không nhiều. Mọi người ít thấy điềm lành Vãng Sanh, do đó không tin sâu rộng, trăm dặm có một người.
Người trong cả trăm dặm ngàn dặm được Vãng Sanh này đâu chỉ là phàm phu ?
Mười năm có một người, năm năm có một người, những người Vãng Sanh trong mười năm, năm năm này đâu chỉ là kẻ phàm phu ?
Những người Vãng Sanh này lẽ nào đều có công hạnh trong ba A tăng kỳ kiếp hay sao ?
Chẳng qua chỉ là họ có thể dụng tâm chân thật khẩn thiết mà thôi !
Hiện nay người niệm Phật hoặc vì bệnh khổ mà phát tâm. Hoặc vì bảo hộ gia đình. Hoặc vì hiện tại tiêu trừ tai nạn, kéo dài tuổi thọ. Hoặc vì vọng cầu giàu sang ở đời sau, ít có ai vì việc lớn sanh tử mà cầu Vãng Sanh Tịnh Độ.
Đó là nói người không phát nguyện cầu Vãng Sanh. Lại còn có người phát nguyện nhưng không chuyên thiết, nên miệng cũng nói nguyện sanh Tây Phương, trong lòng lại luôn tham đắm vật dục.
Tuy ngẫu nhiên phát nguyện cầu sanh nhưng hoàn toàn chẳng thể trọn đời như một ngày, được sanh thì tốt không Vãng Sanh thì thôi, hoàn toàn chẳng có công phu chi thiết thật, như thế đâu khác gì không phát nguyện.
Than ôi !
Chúng sanh trong Thế Giới ác trược tham quyến phồn hoa, cam tâm sa đọa, chẳng cầu giải thoát, thật không biết phải làm sao?
Người có thiện căn phước đức nhân duyên như vậy, không phải nhiều, không phải nhiều đâu. Đích thực trong ngàn vạn người, hiếm có được một hai người. Đại đa số người học Phật đều là đến chơi, không phải thật. Nếu làm thật họ sẽ không đến.
Điều này từ trước khi tôi học với thầy Lý, thầy Lý thường nói, hiện tại những người niệm Phật này, họ đến làm gì?
Họ đến tiêu khiển. Ở nhà buồn không biết đi đâu, đến Chùa đến Đạo Tràng để tiêu khiển. Họ không phải thật tu.
Người đến tiêu khiển, chúng ta cứ để họ đến.
Tại sao vậy ?
Để họ trồng chút ít thiện căn. So với đến những chỗ vui chơi khác tiêu khiển vẫn tốt hơn. Chỉ để họ trồng chút ít thiện căn, không nên hy vọng nhiều về họ, đời này có Vãng Sanh hay không, đó là điều không chắc.
Nên người niệm Phật nhiều, nhưng người Vãng Sanh ít. Chúng ta hiểu rõ những chân tướng sự thật này, thì chúng ta phải tránh.
Phải đoạn tận nhưng duyên làm chướng ngại việc Vãng Sanh, còn duyên thành tựu việc Vãng Sanh chúng ta phải nắm chặt, mới nhất định được Vãng Sanh.
H.T. TỊNH KHÔNG !
(Báo Cáo Tâm Đắc và Những Lời Vàng Ngọc của Hòa Thượng Tịnh Không)
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *